Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: Đưa tiêu chí thành tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp cải tiến

Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Chín 22, 2020 | 6:16 - Lượt xem: 1112

Giải thưởng chất lượng – mô hình phổ biến trong đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý của doanh nghiệp. Với các tiêu chí phổ quát toàn diện, Giải thưởng chất lượng đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng như một công cụ quan trọng để xác định các cơ hội cải tiến, hướng đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Chủ nhiệm UBKHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho doanh nghiệp.

Công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Với việc gia tăng ngày càng nhiều các công cụ đánh giá hoạt động của doanh nghiệp như hiện nay, doanh nghiệp (DN) phải biết lựa chọn công cụ nào phù hợp cho mình. Hiện nay các DN trên thế giới thường sử dụng các công cụ như: Quản lý chất lượng toàn diện (TQM); Thẻ điểm cân bằng (BSC); Lập kế hoạch nguồn lực DN (Enterprise Resource Planning – ERP); Giải thưởng chất lượng (hay còn gọi là Mô hình kinh doanh hoàn hảo) để đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý của DN.

Trong các công cụ nêu trên, Giải thưởng chất lượng được thừa nhận như một hình thức tôn vinh về chất lượng cho các DN có các thành tích nổi trội, là các hình mẫu về áp dụng các hệ thống quản lý, đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh và có đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Hiện nay trên thế giới, Giải thưởng chất lượng được các DN sử dụng phổ biến để đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý của mình.

Giải thưởng chất lượng quốc gia, khu vực và quốc tế thường với mục tiêu là hướng vào việc cải tiến chất lượng quản lý và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của các doanh nghiệp nhằm hệ thống hoá và cơ cấu hoá hệ thống quản lý để từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và năng suất. Sự thừa nhận rộng rãi mà Giải thưởng chất lượng mang lại cho các tổ chức, doanh nghiệp đạt giải chính là “giá trị gia tăng” mà các tổ chức, DN đó có được để tiếp tục cải tiến hoạt động của mình.

Trong định hướng 10 năm tới, Tổng cục TCĐLCL sẽ đưa GTCLQG trở thành một công cụ, bộ tiêu chí phổ biến trong đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý của DN. Các tiêu chí của GTCLQG hiện nay đã gần như bao phủ và đáp ứng tất cả các yêu cầu của hệ thống quản lý, được rất nhiều quốc gia trên thế giới công nhận, thừa nhận. Bên cạnh đó các tiêu chí này cũng có cơ chế giúp cho DN tự cải tiến, đánh giá năng lực của chính mình.

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), với vai trò là Cơ quan thường trực của GTCLQG, Tổng cục TCĐLCL (Bộ KH&CN) đã có những kế hoạch thúc đẩy để hoạt động này.  Đưa tiêu chí của GTCLQG trở thành bộ tiêu chuẩn để các DN áp dụng cải tiến, có thể có những DN xây dựng và áp dụng chưa đạt yêu cầu để đạt được GTCLQG ngay nhưng các tiêu chí này sẽ giúp cho DN áp dụng, đánh giá, nhận diện DN mình đang ở đâu, qua thời gian 1 năm hay 3 năm áp dụng DN sẽ cải thiện được năng lực, hệ thống quản trị, chất lượng sản phẩm, năng suất chất lượng…từ đó sẽ đạt được GTCLQG, ông Linh nhấn mạnh.

Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng của Giải thưởng

Nhằm phát triển Giải thưởng với quy mô rộng hơn, chất lượng tốt hơn, đồng thời đồng hành cùng DN và tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động GTCLQG nhằm góp phần tạo bước chuyển biến về chất cho Phong trào Năng suất – Chất lượng trong thời gian tới, Tổng cục TCĐLCL hiện đang triển khai nội dung liên quan đến hoạt động GTCLQG được quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cụ thể là Thông tư 27/2019 BKHCN Quy định chi tiết thi hành một số điều Nghị định 74/2018 của Chính phủ về GTCLQG.

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh, một trong những định hướng mới của cơ chế GTCLQG trong giai đoạn tới là tạo ra một cơ chế để các bộ ngành đặc biệt là các đơn vị quản lý ngành, lĩnh vực sâu sát nhất với các DN trong lĩnh vực của mình như Nông nghiệp, Công thương, Y tế, GTVT… cũng có thể có cơ chế để nắm bắt được những yêu cầu, tiêu chí của GTCLQG để hướng tới các nhóm DN trong lĩnh vực của mình để hỗ trợ DN xây dựng và áp dụng các tiêu chí của GTCLQG. Hướng dẫn, xét tuyển và giới thiệu cho Hội đồng quốc gia những DN có năng lực, có kết quả hoạt động kinh doanh xuất sắc… Từ đó sẽ tạo ra phong trào để GTCLQG không chỉ ở các địa phương mà sự tham gia của các bộ ngành cùng tham gia lựa chọn và hướng dẫn kip thời các DN tham gia Giải thưởng này.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh, Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 cũng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy GTCLQG. Theo đó, trong giai đoạn tới, hoạt động của Giải thưởng sẽ tiếp tục giúp các DN hướng tới sự tuyệt hảo trong hoạt động sản xuất – kinh doanh – dịch vụ bằng việc tiếp cận chất lượng theo một hệ thống các giá trị cốt lõi.

Thứ nhất, thiết lập tầm nhìn và sứ mệnh vững chắc của DN, đó là những mục tiêu định hướng hoạt động của DN, thể hiện vị thế cần đạt được trong tương lai. Thứ hai, xây dựng các chính sách và thiết lập các mục tiêu chiến lược và kế hoạch hành động phù hợp để đáp ứng nhu cầu và sự cạnh tranh của DN trên thị trường. Thứ ba, yêu cầu DN cam kết phấn đấu vươn tới sự tuyệt hảo về quản lý chất lượng. Sự tuyệt hảo trong hoạt động sản xuất – kinh doanh – dịch vụ sẽ đảm bảo cho DN có được lợi thế cạnh tranh. Thứ tư, chú trọng đến việc DN phát triển nguồn nhân lực; Hướng tới xu thế phát huy sự chủ động của người lao động trong việc cải tiến và sáng tạo đồng thời với việc đảm bảo phúc lợi; Động viên và khích lệ người lao động; Chăm sóc khách hàng; Chú trọng đến kết quả hoạt động và tạo giá trị; Thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội… đây là những tiêu chí giúp DN tạo dựng nên sự phát triển bền vững trong tương lai, ông Linh nhấn mạnh.

Theo VietQ.vn