Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: Đồng hành cùng doanh nghiệp vươn tới hoàn hảo

Thứ Hai, Tháng Sáu 17, 2019 | 16:38

Trong những năm qua, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm.

Hướng tới mô hình hoàn hảo

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là giải thưởng cấp Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng cho tổ chức, doanh nghiệp (DN) có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh. Đây là giải thưởng thường niên duy nhất về chất lượng được luật hóa bởi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và được ban hành theo quy tắc quốc tế – thuộc hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á- Thái Bình Dương (Global Performance Excellence Award- GPEA) của Tổ chức Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (Aisa Pacific Quality Organization- APQO). Giải thưởng vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để các DN nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm của mình.

Năm 2009, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được hình thành trên cơ sở hoạt động 13 năm Giải thưởng Chất lượng Việt Nam, kế thừa mô hình và được đánh giá theo 7 tiêu chí của Giải thưởng Malcolm Baldrige (MBA) – Giải thưởng chất lượng quốc gia của Mỹ – một mô hình hiện được hơn 70 quốc gia trên thế giới áp dụng, sử dụng như một công cụ thúc đẩy hoạt động năng suất, chất lượng cho tổ chức, DN trong nền kinh tế. Các quốc gia này đều nhận thức được vai trò của chất lượng trong cuộc chiến tranh kinh tế toàn cầu hiện nay do thời kỳ phát triển dựa trên các lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực và nguyên liệu rẻ đã chấm dứt.

Quang cảnh lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) cho rằng, không chỉ có ý nghĩa tôn vinh, khen thưởng, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia với các tiêu chí bao trùm mọi khía cạnh hoạt động của tổ chức còn cung cấp mô hình chuẩn mực cho DN để xây dựng, vận hành các hệ thống quản lý hướng vào khách hàng và áp dụng các thực hành tốt nhất. Bởi trong xu thế hội nhập và cạnh tranh quốc tế, chất lượng hàng hóa là nhân tố đứng đầu trong các tiêu chí cạnh tranh. Do vậy, việc tôn vinh tổ chức, DN làm ăn chân chính, có năng suất và chất lượng tốt là điều rất cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế.

Cùng với đó, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia còn hỗ trợ các DN hướng tới mô hình hoàn hảo trong hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, thông qua việc xây dựng các chính sách và chiến lược phù hợp. 

Động lực cho doanh nghiệp phát triển

Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại leo thang, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, dấu hiệu suy giảm ngày càng rõ rệt, các hoạt động sản xuất đang sụt giảm…, thì lợi thế cạnh tranh của quốc gia thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa là con đường đúng đắn và rất đáng được khuyến khích, tôn vinh ở cấp quốc gia.

Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh quốc gia không tự nhiên có mà cần phải nỗ lực từ từng tế bào của nền kinh tế là các DN, đây chính là lý do mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã được thiết lập và phát triển sâu rộng tại nhiều quốc gia.

Để nâng cao sức cạnh tranh cho DN, sản phẩm của DN trên thị trường thế giới, việc thực hiện các mô hình quản lý để hướng tới sự phát triển bền vững đã và đang trở thành một trong những nhân tố quyết định duy trì lợi thế cạnh tranh trong mỗi DN.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia khuyến khích các DN sản xuất, kinh doanh và dịch vụ Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế nâng cao chất lượng hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hoá có chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới và đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Trải qua 23 năm hoạt động, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã tạo được sự tín nhiệm của các DN, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội. Tính đến nay đã có 1.839 lượt DN được trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, trong đó có 129 DN được Thủ tướng tặng Bằng khen và 46 DN được trao Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương.

Theo các DN đoạt giải, tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, DN phải đáp ứng 7 tiêu chí của giải thưởng, từ quản trị đến đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bảy tiêu chí có tổng điểm là 1.000, trong đó: vai trò của lãnh đạo (120 điểm); hoạch định chiến lược (85 điểm); định hướng vào khách hàng và thị trường (85 điểm); đo lường, phân tích và quản lý tri thức (90 điểm); quản lý, phát triển nguồn nhân lực (85 điểm); quản lý quá trình hoạt động (85 điểm); kết quả hoạt động (450 điểm).

Và quá trình thực hiện để đạt các tiêu chí của giải thưởng chính là quá trình DN tự hoàn thiện mình. Thực hiện đúng và đủ 7 tiêu chí của giải thưởng, doanh nghiệp không chỉ được chọn trao Giải mà qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm.

Hơn nữa, tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia chính là cơ hội để DN nhìn nhận lại một cách toàn diện các hoạt động, nhận ra các mặt mạnh, mặt yếu từ đó có định hướng, phương cách để đẩy mạnh khả năng cạnh tranh đưa DN tiếp tục phát triển đi lên. Trên thực tế 20 năm hoạt động của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, nhiều DN với thương hiệu nổi tiếng đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia đã đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương như: Ngân hàng Vietinbank, Ngân hàng Quân đội, Nhựa Bình Minh, Tổng Công ty Viglacera…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Thực tiễn cho thấy, những DN đạt Giải thưởng là những DN điển hình về áp dụng thành công các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, đạt kết quả sản xuất, kinh doanh nổi bật. Đó cũng là những DN đi đầu tham gia trong phong trào năng suất chất lượng, và đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế về chất lượng. Các DN sau khi tham dự Giải thưởng và đáp ứng các tiêu chí của giải đều nhận thấy rằng, đây chính là mô hình để cho DN mình vươn tới sự hoàn thiện, và là động lực để DN phát triển bền vững – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh.

Giải thưởng do Thủ tướng Chính phủ trao tặng, thuộc hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á- Thái Bình Dương được trao giải hằng năm; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học Công nghệ là đơn vị chủ trì tham mưu thực hiện.

Lê Kim Liên