Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: Chặng đường 25 năm phát triển bền vững
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng TưTháng Tư 19, 2021 | 9:12 - Lượt xem: 858
Sau 25 năm hình thành và phát triển, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và trở thành công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, luôn tự hoàn thiện mình, nâng cao khả năng cạnh tranh, trình độ quản lý, uy tín và lòng tin đối với khách hàng, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp hội nhập tích cực với thị trường khu vực và quốc tế.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia với 7 tiêu chí đánh giá
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được thiết lập trên cơ sở áp dụng các tiêu chí của Giải thưởng Malcolm Balrige của Mỹ. Tiêu chí xét thưởng GTCLQG được quy định tại Điều 27 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, gồm 7 tiêu chí khắt khe, khoa học và toàn diện đánh giá mọi mặt hoạt động và kết quả của tổ chức/doanh nghiệp
Tiêu chí 1 – Vai trò của lãnh đạo tổ chức, doanh nghiệp (120 điểm): Tiêu chí này đề cập cách thức các lãnh đạo cao nhất của tổ chức chỉ đạo và duy trì hoạt động tổ chức cũng như xem xét việc điều hành tổ chức và việc thực hiện các trách nhiệm về pháp lý, đạo đức, xã hội và sự hỗ trợ đối với cộng đồng của tổ chức.
Tiêu chí 2 – Chiến lược hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp (85 điểm): Tiêu chí này đề cập cách thức tổ chức xây dựng mục tiêu chiến lược và kế hoạch hành động, cách thức triển khai và điều chỉnh (nếu có) mục tiêu chiến lược, kế hoạch hành động đã chọn và đo lường việc thực hiện.
Tiêu chí 3 – Chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường (85 điểm): Tiêu chí này nêu cách thức tổ chức thực hiện sự gắn bó, cam kết với khách hàng của mình nhằm đạt được thành công dài hạn trên thị trường. Chiến lược gắn kết này cho thấy cách thức tổ chức xây dựng một nền văn hoá định hướng vào khách hàng. Tiêu chí này cũng nêu cách thức tổ chức lắng nghe mong muốn của khách hàng và sử dụng các thông tin này để cải tiến và xác định các cơ hội cải tiến.
Tiêu chí 4 – Đo lường, phân tích và quản lý tri thức (90 điểm): Tiêu chí này đề cập đến cách thức tổ chức lựa chọn, thu thập, phân tích, quản lý và cải tiến dữ liệu, thông tin và tài sản tri thức, quản lý công nghệ thông tin. Tiêu chí này cũng đánh giá việc tổ chức thực hiện việc xem xét và sử dụng việc xem xét này để cải tiến hoạt động của mình.
Tiêu chí 5 – Quản lý, phát triển nguồn nhân lực (85 điểm): Tiêu chí này xem xét cách thức tổ chức quản lý, xây dựng và gắn kết lực lượng lao động của mình như thế nào để sử dụng hết tiềm năng nhằm thực hiện được nhiệm vụ, chiến lược và kế hoạch hành động tổng thể của tổ chức. Tiêu chí này cũng xem xét đến khả năng đánh giá năng lực và nhu cầu về năng suất của lực lượng lao động, khả năng xây dựng một môi trường cho lực lượng lao động nhằm đạt được hiệu quả cao.
Tiêu chí 6 – Quản lý quá trình hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp (85 điểm): Tiêu chí này xem xét cách thức tổ chức thiết kế hệ thống làm việc của mình; cách thức tổ chức thiết kế, quản lý và cải tiến các quá trình chính của mình để thực hiện công việc nhằm đem lại giá trị cho khách hàng, đạt được thành công và sự phát triển bền vững cho tổ chức. Tiêu chí này cũng xem xét sự sẵn sàng của tổ chức đối với các trường hợp khẩn cấp.
Tiêu chí 7 – Kết quả hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp (450 điểm): Tiêu chí này xem xét kết quả thực hiện và việc cải tiến của tổ chức trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính như: Các kết quả hoạt động về sản phẩm, sự thoả mãn của khách hàng, kết quả tài chính và thị trường, nguồn nhân lực, kết quả tác nghiệp, điều hành và trách nhiệm xã hội. Mức độ kết quả này được so sánh với các kết quả tương ứng của đối thủ cạnh tranh và các tổ chức khác cung cấp sản phẩm tương tự.
Bảy tiêu chí GTCLQG được chia thành 18 hạng mục và thể hiện thành hơn 200 câu hỏi chi tiết. Bảy tiêu chí GTCLQG bao gồm những khía cạnh hình thành nên các nhân tố thiết yếu giúp mang lại thành công cho các tổ chức/doanh nghiệp. Có thể xem bảy tiêu chí GTCLQG là công cụ giúp các tổ chức/doanh nghiệp tìm hiểu về điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình.
Từ đó, tổ chức/ doanh nghiệp có các biện pháp khắc phục kịp thời các thiếu sót, sai lỗi trong quá trình quản lý cũng như điều hành sản xuất kinh doanh, có các cải tiến phù hợp giúp điều chỉnh các hệ thống quản lý và đẩy mạnh chất lượng trong toàn bộ tổ chức để tạo ra sự phát triển bền vững trong vận hành tổ chức/doanh nghiệp.
Thước đo phát triển của mỗi doanh nghiệp
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh
Giải thưởng Chất lượng không chỉ đơn thuần là hình thức tôn vinh về chất lượng, mà còn là công cụ, biện pháp chính để thể hiện chính sách quốc gia trong lĩnh vực chất lượng. GTCLQG của Việt Nam cũng định hướng theo mục tiêu này. Ngay từ khi được triển khai từ năm 1996 đến nay, GTCLQG luôn trở thành hoạt động năng suất – chất lượng hiệu quả và liên tục tại các địa phương trong cả nước.
Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh, các doanh nghiệp khi tham dự GTCLQG, không chỉ có cơ hội được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng, mà còn là dịp được tiếp cận với mô hình sản xuất kinh doanh hoàn hảo, một công cụ tự đánh giá tiên tiến trên cơ sở đối sánh hoạt động của mình với các tiêu chí của GTCLQG, để đánh giá toàn diện các hoạt động và kết quả sản xuất kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế, xác định hiện trạng của trình độ và chất lượng quản lý, xác định những thành tựu và điểm yếu, cơ hội thành công và nhiệm vụ cho tương lai, từ đó đề ra các biện pháp cải tiến và hoàn thiện thích hợp.
Đây chính là giá trị cốt lõi mà Giải thưởng đem lại cho các doanh nghiệp Việt Nam khi họ ứng dụng mô hình GTCLQG trong quản lý tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, GTCLQG chính là thước đo phát triển của mỗi doanh nghiệp, là công cụ, động lực để doanh nghiệp phát triển. Việc tham gia giải không những giúp doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện mình bằng việc áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến mà còn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường trong và ngoài nước.
Thủ tướng Chính phủ quyết định tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2020 cho 19 doanh nghiệp và tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2020 cho 36 doanh nghiệp. Giải Vàng Chất lượng Quốc gia năm 2020 được trao cho 19 doanh nghiệp gồm: 13 doanh nghiệp sản xuất lớn: Công ty Cổ phần Việt Úc – Bạc Liêu; Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới; Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau; Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam – chi nhánh 3 tại Đồng Nai; Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi; Chi nhánh Công ty Cổ phần Sao Thái Dương tại Hà Nam; Công ty Cổ phần ACECOOK Việt Nam; Công ty Cổ phần Cáp điện Thịnh Phát; Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà; Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH; Công ty cổ phoà Hoá chất Việt Trì; Công ty Cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế; Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Việt Đức. 2 doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa: Công ty TNHH MTV Vĩnh Hoàn Collagen; Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất; 3 doanh nghiệp dịch vụ lớn: Tổng Công ty Tín Nghĩa; Công ty TNHH Trường Phát; Công ty Cổ phần Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa; 1 doanh nghiệp dịch vụ nhỏ và vừa là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô. Trong 36 doanh nghiệp nhận Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, có 11 doanh nghiệp sản xuất lớn; 16 doanh nghiệp sản xuất nhỏ và vừa; 2 doanh nghiệp dịch vụ lớn; 7 doanh nghiệp dịch vụ nhỏ và vừa. |
Theo VietQ