Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa hoạt động đo lường

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Chín 30, 2021 | 13:43 - Lượt xem: 949

Với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động đo lường ngày càng thể hiện rõ tầm quan trọng trong cuộc sống. Phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quý Giầu, Phó vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục TCĐLCL để làm rõ hơn vấn đề này.

Thời gian qua, hoạt động đo lường đã có nhiều đóng góp thiết thực trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội đất nước, đặc biệt là hội nhập quốc tế. Vậy, tình hình cấp phép, chỉ định doanh nghiệp thực hiện hoạt động đo lường hiện nay (số lượng, chất lượng…) đã đạt kết quả ra sao, thưa ông?

Theo Luật Đo lường và Luật Đầu tư thì hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được xã hội hóa và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Như vậy, bất cứ tổ chức nào nếu đủ điều kiện theo quy định đều có quyền tham gia vào hoạt động này.

Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các điều kiện cho hoạt động đo lường đã từng bước được đơn giản hóa. Cụ thể, Nghị định 154 được cắt giảm, đơn giản hóa hơn Nghị định 105, đồng thời thực hiện các thủ tục hành chính này trên môi trường điện tử ở cấp độ 3 và cấp độ 4.

Do vậy, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường ngày càng được xã hội hóa mạnh mẽ và thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đến nay đã xây dựng và hình thành mạng lưới thực hiện dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm gồm 520 tổ chức đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và chỉ định tổ chức thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo chuẩn đo lường cho 420 tổ chức.

Về cơ bản, mạng lưới kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm này đã và đang đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng phương tiện đo để định lượng hàng hóa, dịch vụ trong mua bán, thanh toán, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp và trong các hoạt động công vụ khác; trong nghiên cứu khoa học, điều khiển, điều chỉnh quy trình công nghệ, kiểm soát chất lượng trong sản xuất hoặc các mục đích khác.

Ngoài ra, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn đã được đẩy mạnh xã hội hóa, các tổ chức đo lường cơ bản đáp ứng nhu cầu về đảm bảo đo lường trong thương mại, giao nhận hàng hóa, trong quản lý thị trường và xuất nhập khẩu. Nhiều chương trình đảm bảo đo lường đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần duy trì, nâng cao năng suất, chất lượng; Hoạt động thử nghiệm, phê duyệt mẫu phương tiện đã được tổ chức thực hiện bài bản phù hợp với thông lệ quốc tế.

So với các quốc gia trên thế giới, hoạt động đo lường do doanh nghiệp tiến hành tại Việt Nam có chất lượng ra sao, thưa ông?

Ngay từ rất sớm, Việt Nam đã tự nghiên cứu sản xuất được các chuẩn đo lường: quả cân chuẩn, bình chuẩn dung tích, thiết bị kiểm định công tơ điện, nước, thiết bị kiểm định huyết áp kế, bàn tạo áp suất, tiết kiệm cho Nhà nước lượng ngoại tệ đáng kể do không phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đã hình thành được hệ thống hàng chục phòng hiệu chuẩn, hàng trăm tổ chức kiểm định phương tiện đo trên cả nước, trong đó có Viện Đo lường Việt Nam; các Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng 1, 2, 3; các Chi cục/Phòng tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng ở 63 tỉnh/thành phố và các cơ sở được công nhận khả năng kiểm định.

Thông thường các doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo chính xác của phương tiện đo, chuẩn đo lường theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật, nói cách khác là đảm bảo đo lường trong lĩnh vực đo lường pháp định. Đối với đo lường công nghiệp thì chỉ quan tâm theo từng mức độ và sự cần thiết của đối tác,…

Như vậy, nếu so sánh với nước ngoài có thể thấy có sự khác nhau trong việc thực hiện của phạm vi đo lường công nghiệp.

Ở Việt Nam, đo lường trong việc tự đảm bảo chính xác quá trình sản xuất, nội tại của cơ quan xí nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.

Ở nước ngoài, đặc biệt là các nước công nghiệp, việc tự đảm bảo chính xác quá trình sản xuất, nội tại của cơ quan xí nghiệp rất được quan tâm nên chất lượng sản phẩm được nâng cao, cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế.

Phân tích cho thấy có nguyên nhân hạn chế xuất phát từ chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan là chưa có ý thức hoặc chưa nhận biết đầy đủ việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua hoạt động đo lường; Nguyên nhân khách quan là thiếu trang thiết bị đo lường, chuyên môn nghiệp vụ về đo lường để nâng cao độ chính xác của phương tiện đo, phép đo.

Theo ông, cần có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả hoạt động đo lường do doanh nghiệp tiến hành?

Theo tôi, để nâng cao hiệu quả hoạt động đo lường do doanh nghiệp thực hiện cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về đo lường theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Thứ hai, chúng ta cần tăng cường năng lực của các cơ quan nhà nước về đo lường ở trung ương và địa phương.

Tiếp theo, phải tổ chức và thực hiện tốt “Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam năng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Viết tắt là Đề án 996) ban hành kèm theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 15/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, cần đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến về TCĐLCL (xem xét, bổ sung phương pháp tuyên truyền qua các mạng xã hội đối với các chuyên đề nóng hoặc chuyên đề quan trọng cần tạo dư luận xã hội mạnh).

Thứ năm, cần đổi mới phương thức thanh tra, kiểm tra bảo đảm số lượng ít nhưng hiệu quả trong việc phòng chống vi phạm pháp luật về đo lường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Cuối cùng, phải tăng cường khắc phục, xây dựng, hoàn thiện các phần mềm xử lý thủ tục hành chính về đo lường ở cấp độ 4.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện: Hồng Vân – Doãn Trung