Giải pháp công nghệ và tiêu chuẩn ứng phó với nước biển dâng ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng TưTháng Tư 24, 2024 | 14:38 - Lượt xem: 813

Ngày 24/4, diễn ra Hội thảo quốc tế về giải pháp công nghệ và tiêu chuẩn ứng phó với nước biển dâng ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Hội thảo này đánh dấu sự khởi đầu của một hợp tác tự nguyện giữa các nhóm khoa học ở Úc, bao gồm Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Úc (VASEA), Hội Chuyên gia và Trí thức Việt Nam tại Queensland (AVESQ) và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Hội thảo trực tuyến đã thu hút sự tham gia của trên 200 đại biểu đến từ các Sở KH&CN, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Sở Xây dựng, các Chi cục TCĐLCL của 13 tỉnh vùng ĐBSCL, đại diện các Viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học tại Úc và Việt Nam,.. TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và TS. Phạm Thu Hiền, CSIRO, Úc, đã có bài phát biểu khai mạc, giới thiệu về dự án và các nỗ lực hợp tác giữa Việt Nam và Úc.

Mở đầu, TS. Quách Văn Ấn – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau đã trình bày về tình hình nước biển dâng tại tỉnh Cà Mau cùng các giải pháp hiện có và đang triển khai. Nước biển dâng đang trở thành một mối đe dọa đáng kể với những tác động ngày càng gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là tại Việt Nam. Cà Mau, với hệ thống sông ngòi chằng chịt ăn thông ra biển, là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù đã có các dự án ưu tiên để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhưng vẫn còn những thách thức về việc động viên, hoạt động không đồng bộ và thiếu kinh phí để triển khai các chương trình ứng phó.

Về phần an ninh nguồn nước, TS. Nguyễn Phương Dung – giảng viên trường Đại học Thủy Lợi, GS. Nghiêm Đức Long – giảng viên trường Đại học Công nghệ Sydney và TS. Nguyễn Duy, CSIRO, Úc, đã giới thiệu về những thách thức từ cả điều kiện tự nhiên và nhân tạo đối với an ninh nguồn nước như việc chia sẻ nguồn nước, biến đổi khí hậu và sụt lún, xói sạt ở đồng bằng. Các chuyên gia cũng đã giới thiệu về công nghệ quan trắc và dự báo hiện đại, bao gồm sử dụng dữ liệu vệ tinh và trí tuệ nhân tạo, cũng như các công nghệ mới về trữ và lọc nước mà Úc áp dụng và có khả năng ứng dụng tại Việt Nam.

Hội thảo trực tuyến đã thu hút sự tham gia của trên 200 đại biểu.

TS. Triệu Việt Phương – Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI) đã đề cập đến vấn đề tiêu chuẩn hóa trong việc ứng phó với nước biển dâng, nhấn mạnh vai trò của tiêu chuẩn trong việc hỗ trợ các giải pháp cho vấn đề nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Bài thuyết trình cũng cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình hình tiêu chuẩn hóa trên thế giới và tại Việt Nam, đồng thời đề xuất các biện pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ ứng phó với nước biển dâng ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Hội thảo cũng tập trung vào vấn đề thích ứng và giảm nguy cơ từ nước biển dâng từ góc nhìn nông học do TS. Linh Hoàng – giảng viên Đại học Queensland, Úc trình bày.

TS. Linh Hoàng cung cấp thông tin về các biện pháp đã và đang được ứng dụng thành công trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới để thích ứng và giảm tác động của nước biển dâng. Đặc biệt, TS. Hoàng nhấn mạnh về việc cô lập carbon bằng phương pháp sinh học và đề xuất tích hợp vào các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Việc tích hợp này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường.

 

GS. Ngô Đức Tuấn, giảng viên trường Đại học Tổng hợp Melbourne giới thiệu về các nghiên cứu mới và giải pháp công nghệ xây dựng cho các công trình cơ sở hạ tầng và đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Bài thuyết trình đánh giá các vấn đề cấp thiết như thiếu cát xây dựng, ảnh hưởng của nhiễm mặn và sụt lún, đồng thời đề xuất sử dụng vật liệu mới và công nghệ tiên tiến để xây dựng nhà ở giá rẻ và bảo vệ môi trường. Tiếp nối, GS. Dũng Đào – giảng viên trường Đại học Griffith, Úc có phần thảo luận về vai trò của công nghệ IoT và AI trong việc ứng phó với nước biển dâng. Các giải pháp bao gồm quan trắc nông nghiệp, phòng chống sạt lở và ứng phó ngập lụt, nhằm cung cấp thông tin cảnh báo và giải pháp kịp thời để bảo vệ cộng đồng và hạ tầng.

Hội thảo “Giải pháp công nghệ và tiêu chuẩn nhằm ứng phó với nước biển dâng ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long” đã tạo ra một diễn đàn cho các nhà khoa học, chính sách gia và doanh nghiệp để thảo luận về những thách thức hiện nay và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Hội thảo nhấn mạnh vai trò của việc chia sẻ kiến thức và nghiên cứu, áp dụng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế để giải quyết các vấn đề cấp bách mà Việt Nam đang phải đối mặt do tác động của biến đổi khí hậu. Hội thảo hứa hẹn là một bước tiến quan trọng trong việc hình thành một hệ thống đa phương tiện về ứng phó vấn đề nước biển dâng, bảo vệ nguồn nước và đảm bảo an ninh nguồn nước tại Việt Nam.

Phạm Hiền – Ngọc Bích