‘Gắn sao đánh giá chất lượng sản phẩm phải là gắn sao trong lòng dân’
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Bảy 16, 2018 | 8:29 - Lượt xem: 1326
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia nhấn mạnh điều này khi chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm quan trưng bày các sản phẩm OCOP
Tại tỉnh Bắc Giang, sáng 14/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Cùng dự còn có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng Ban Thường trực và lãnh đạo của các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố của cả nước và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước.
Trước đó vào tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 (OCOP), triển khai trên phạm vi cả nước. Đây là một giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Chương trình xác định 6 nhóm hàng hoá, dịch vụ để thực hiện là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm – nội thất – trang trí, vải – may mặc và dịch vụ du lịch nông thôn. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Tuy bây giờ chương trình mới triển khai trên phạm vi toàn quốc nhưng thực tế nhiều địa phương đã thực hiện từ nhiều năm trước đây. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên và dẫn đầu cả nước triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm” từ năm 2013. Từ chỗ chỉ có 40 sản phẩm và 30 đơn vị tham gia chương trình, đến nay Quảng Ninh đã phát triển thành gần 300 sản phẩm và hơn 200 đơn vị tích cực tham gia.
Cả nước đã có hơn 5000 sản phẩm đăng ký tiêu chuẩn OCOP
Hiện cả nước có hơn 5.000 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc 5 nhóm sản phẩm, trong đó nhóm thực phẩm có hơn 2.500 sản phẩm, hơn 1.000 sản phẩm đồ uống, 230 sản phẩm thảo dược, gần 600 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn,… đã đăng ký tiêu chuẩn OCOP.
Đến nay đã có một số Bộ ngành và 60/63 tỉnh thành phố triển khai xây dựng Đề cương, 30 tỉnh lập xong Đề án và đã có 4 tỉnh (Hà Giang, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Nam) phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2018 – 2020. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng là cơ quan cấp bộ đầu tiên đã ban hành chương trình hướng dẫn thực hiện tín dụng cho OCOP.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho rằng, đây không phải là phong trào mà là một chương trình kinh tế, sản xuất các sản phẩm cụ thể, để quảng bá thương hiệu của nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng ít người biết tới. Ngoài ra, việc Chính phủ chỉ đạo phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã kiểu mới sẽ hỗ trợ rất tốt cho OCOP để triển khai sản xuất hàng hoá, gắn với thị trường.
Ông Hậu lấy ví dụ về anh nông dân Lềnh A Tráng ở huyện nghèo Ba Chẽ, từ chỗ không biết nói tiếng Việt, đã biết khai thác lợi thế cây ba kích, các sản vật nông sản địa phương đã vươn lên làm giàu, giao dịch rộng khắp cả vùng, thành lập công ty cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. “Người dân rất sáng tạo và chính quyền phải khơi dậy sức sáng tạo trên nền tảng của kinh tế thị trường”, ông Đặng Huy Hậu nói.
Để triển khai thành công, ông Hậu cho rằng phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ hỗ trợ chuyên nghiệp, thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm OCOP và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa.
Đánh giá cao kết quả của tỉnh Quảng Ninh đã giúp Chính phủ nhanh chóng chỉ đạo, xây dựng Chương trình OCOP giai đoạn 2018- 2020, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, động lực cho phát triển bền vững của đất nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng của ngành nông nghiệp là 3,93%, xuất khẩu nông sản 9,4 tỷ USD tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và đang hướng tới yêu cầu giá trị xuất khẩu nông sản 40 tỷ USD của Thủ tướng Chính phủ. Với OCOP, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng sẽ tác động mạnh mẽ tới thương hiệu, chất lượng hàng hoá, dịch vụ nông nghiệp Việt Nam.
“OCOP là sản phẩm của địa phương nhưng phải được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, toàn cầu”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, đồng thời chỉ ra chủ thể thực hiện là hộ gia đình, hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ về chính sách. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh chính quyền, nhà nước không thể áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính trong sản xuất các sản phẩm OCOP mà phải phát huy được tính sáng tạo của mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân trong môi trường kinh tế thị trường.
Cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, OCOP là một quá trình thực hiện, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Sau năm 2020, Chính phủ sẽ tổng kết việc thực hiện để tiếp tục triển khai lâu dài.
Để triển khai hiệu quả OCOP, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí tập trung truyền thông về chương trình; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện và đánh giá, xếp hạng các sản phẩm OCOP.
“Gắn sao đánh giá chất lượng sản phẩm phải là gắn sao trong lòng dân”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh và cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định số 58 về bảo hiểm nông nghiệp và đang sửa Nghị định số 55 về tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để hỗ trợ thực hiện OCOP nói riêng và xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung.
Trong quá trình thực hiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Ban chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biểu dương các doanh nghiệp tham gia tích cực vào phát triển OCOP./.
Từ nay tới năm 2020, Chương trình sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tương ứng khoảng 2.400 sản phẩm; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; triển khai thực hiện từ 8 đến 10 mô hình Làng văn hóa du lịch; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP; phấn đấu phát triển mới khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP.
Nguồn “Cổng Thông tin điện tử Chính phủ”