EU dự định cấm lưu hành hàng loạt hoá chất độc hại có trong đồ gia dụng
Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng TưTháng Tư 26, 2022 | 14:19 - Lượt xem: 807
Theo ông Didier Reynders, Ủy viên châu Âu phụ trách tư pháp, khối EU đã công bố kế hoạch thiết lập danh sách các hợp chất độc hại có trong tã lót, PFAS (những chất hóa học không có trong tự nhiên) có trong hộp bánh pizza hoặc chất PVC trong giày dép để cấm hoàn toàn việc sử dụng chúng. Đây là những hóa chất cực kỳ phổ biến nhưng có hại cho sức khỏe.
Báo cáo cũng nêu chi tiết các hạn chế trong quá trình xem xét rộng rãi luật hóa chất của EU. Luật này hiện đang được đàm phán giữa Uỷ ban châu Âu (EC) và các quốc gia thành viên. Trong đó, nhắm mục tiêu vào các chất có hại nhất cho sức khỏe con người và môi trường.
Theo ông Didier Reynders, hiện các bên đã có tiến triển trong việc thảo luận về 6 dòng hóa chất được Cơ quan hóa chất châu Âu (ECHA), Mỹ và EC kiểm tra nhằm hướng tới một dự án cấm dần các chất này. Việc cấm 6 dòng hoá chất này sẽ diễn ra trước khi khối EU thông qua một phương pháp mới về quản lý hóa chất ở EU (dự kiến sẽ được áp dụng từ năm 2025).
Các nhóm chất khác được nhắm đến là chất chống cháy có trong nệm, quần áo, ghế ô tô… và tất cả các chất được xếp vào loại gây ung thư, gây đột biến hoặc độc hại cho sinh sản (CMR) xuất hiện trong các sản phẩm dành cho trẻ em, đặc biệt là tã lót. Tất cả các chất bisphenol, được sử dụng trong sản xuất đồ nhựa và hộp đựng thực phẩm, cũng được quan tâm và được coi là chất gây rối loạn nội tiết. EC nhấn mạnh kế hoạch này nhắm mục tiêu đến toàn bộ các dòng linh kiện được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp, chuyên dụng và tiêu dùng.
Hiện hàng nghìn hợp chất hóa học được coi là nguy hiểm cũng như có hại nhất khiến Cục môi trường châu Âu (EEB) đẩy nhanh việc thiết lập danh sách các chất bị cấm, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030.