Duy trì, tăng trưởng về năng suất dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười Hai 13, 2023 | 0:24 - Lượt xem: 261

 Với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, yếu tố tiên quyết là duy trì và tăng trưởng về năng suất dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề 2 với chủ đề “Giải pháp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất” (tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn năng suất quốc gia 2023), ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia cũng như địa phương, năng suất luôn là một yếu tố nền tảng để đạt được các mục tiêu căn bản trong tăng trưởng.

Năng suất giúp tạo ra nhiều của cải vật chất hơn trong điều kiện giới hạn về nguồn lực, cải thiện mối quan hệ giữa người lao động và nhà quản lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và đạt được mục tiêu chiến lược dài hạn.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) phát biểu khai mạc Hội thảo.

Nhìn lại chặng đường phát triển của Việt Nam trong thời gian vừa qua, có thể nhận thấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế, xã hội, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chuyển dịch mô hình tăng trưởng và thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị.

Theo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030), chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm (2011-2020) đạt 39,0%( vượt mục tiêu 35%). Tốc độ tăng năng suất bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015).

Những kết quả khích lệ trên đây có được là do sự nỗ lực của các doanh nghiệp, tổ chức và sự chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước. Nhiều chính sách, chương trình, hoạt động nâng cao năng suất đã được triển khai ở các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp như: Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá giai đoạn 2021-2030 (theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ); Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Mặc dù Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng trong nâng cao năng suất, song chúng ta vẫn phải nhìn nhận thực tế là mức tăng năng suất lao động vẫn còn thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Với mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 thì yếu tố tiên quyết phải là duy trì và tăng trưởng về năng suất dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Trong thời gian tới, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với năng suất, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Phiên Hội thảo hôm nay là một cơ hội để chúng ta nắm bắt thông tin, trao đổi với chuyến gia trong nước cũng như quốc tế về giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tôi mong muốn tại hội thảo này các chuyên gia sẽ chia sẻ và đóng góp những ý tưởng giúp các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực tiếp cận thị trường, phát triển sản phẩm mới thông qua cải thiện năng suất và đổi mới sáng tạo””, ông Nguyễn Đức Hoàng cho hay.

Bà Vũ Hồng Dân, Trưởng phòng Tư vấn cải tiến năng suất, Viện Năng suất Việt Nam trình bày tham luận tại hội thảo.

Tại Hội thảo chuyên đề 2, đại diện các bộ, ngành, tổ chức đã có tham luận về các vấn đề liên quan tới thúc đẩy năng suất trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chiến lược phát triển doanh nghiệp, kinh nghiệm và bài học thành công từ các quốc gia trên thế giới.

Cụ thể, TS Victor Tay, Giám đốc điều hành Tập đoàn Global Catalyst Advisory- Chuyên gia Tổ chức Năng suất châu Á (APO) trình bày tham luận với chủ đề “Thúc đẩy áp dụng công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ- Kinh nghiệm và bài học thành công”; Bà Vũ Hồng Dân, Trưởng phòng Tứ vấn cải tiến năng suất, Viện Năng suất Việt Nam trình bày tham luận với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trọng doanh nghiệp để nâng cao năng suất và phát triển bền vững”; Ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng JICA, Dự án Hỗ trợ Lập kế hoạch và thực hiện NDC của Việt Nam (SPI-NDC) trình bày tham luận với chủ đề “Giảm phát thải khí nhà kính đối với doanh nghiệp”.

Quang cảnh Hội thảo.

Buổi Hội thảo chuyên đề 2 diễn ra sôi nổi với phần toạ đàm, trao đổi về chiến lược nâng cao năng suất, thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với chiến lược phát triển và tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.

Thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá giai đoạn 2021 – 2030 và Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương, các địa phương tổ chức Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh công cuộc phát triển của Việt Nam với động lực năng suất” nhằm thúc đẩy thực hiện kế hoạch cải thiện năng suất quốc gia của Chính phủ và thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp nâng cao năng suất phù hợp với bối cảnh trong nước cũng như quốc tế.

Phong Lâm