Ðưa “Nâng cao năng suất, chất lượng” trở thành phong trào trong doanh nghiệp

Thứ Tư, Tháng Chín 12, 2018 | 16:27

Năng suất, chất lượng luôn là vấn đề quyết định sống còn của mỗi doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Từ 2 năm trở lại đây, việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp trên địa bàn Lâm Ðồng được đặt ra, nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, góp phần vào sự phát triển.
Thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, nhiều doanh nghiệp Lâm Đồng đã đủ sức cạnh tranh và hội nhập. Trong ảnh: Công ty TNHH Vĩnh Tiến – một doanh nghiệp đi đầu trong phong trào “năng suất, chất lượng”.
Dự án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 – 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt đúng vào lúc công cuộc hội nhập ngày càng sâu rộng với mong muốn tạo bước chuyển biến về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực của địa phương. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về năng suất, chất lượng, từ đó tích cực xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, giải thưởng chất lượng, tạo dựng phong trào thi đua lao động sản xuất tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
 
Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay dự án đã đi được nửa chặng đường. Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng (TCĐLCL) Lâm Đồng đã thông báo đến 227 doanh nghiệp trong tỉnh các nội dung của dự án; tiếp nhận, thực hiện khảo sát và hỗ trợ 28 doanh nghiệp đăng ký tham gia dự án; xem xét và thông qua 22/25 đề cương các hệ thống quản lý ISO 22000, FSSC 22000, HACCP, ISO 9001, GlobalGAP, 4C, Halal, tiêu chuẩn hữu cơ theo châu Âu và Mỹ, thương mại công bằng. Theo đó, đã tiến hành cấp kinh phí và hỗ trợ 12 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý vào quá trình sản xuất kinh doanh và 1 công cụ cải tiến; chứng nhận hợp chuẩn cho 2 sản phẩm, chứng nhận hợp quy cho 2 sản phẩm; xây dựng 21 tiêu chuẩn cơ sở… với tổng số tiền hỗ trợ cho các hoạt động là 880 triệu đồng. Việc hỗ trợ một phần kinh phí này thể hiện sự quan tâm, đã khuyến khích, động viên các doanh nghiệp có thêm động lực để áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ, nhằm cải tiến năng suất, chất lượng, đưa doanh nghiệp phát triển bền vững.
 
Bên cạnh đó, Chi cục TCĐLCL Lâm Đồng đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, đào tạo cho gần 700 lượt ngưới với nhiều nội dung, vấn đề đang đặt ra ở các doanh nghiệp như: Đánh giá nội bộ hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn theo tiêu chuẩn HACCP; kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định, đánh giá chất lượng dịch vụ trong doanh nghiệp; sử dụng hiệu quả chu trình PDCA trong quản lý hoạt động nhóm, quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000; xây dựng văn hóa tổ chức trong doanh nghiệp; phương pháp nhận dạng và loại bỏ lãng phí; quản lý và cải tiến trong sản xuất, bố trí phân xưởng sản xuất… Chi cục TCĐLCL Lâm Đồng còn tổ chức các hội nghị, hội thảo về “Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương, hướng dẫn truy xuất nguồn gốc sản phẩm”, “Xây dựng quy chuẩn hữu cơ cho sản phẩm trồng trọt”. Qua đào tạo, tập huấn, các doanh nghiệp đã được trang bị các kỹ năng, kiến thức về nâng cao hiệu quả công việc, các công cụ cải tiến chất lượng, các hệ thống quản lý tiên tiến và áp dụng vào doanh nghiệp mình. 
 
Riêng trong năm 2018, Chi cục đã hỗ trợ 15 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; xây dựng 20 tiêu chuẩn cơ sở, chứng nhận 12 sản phẩm hợp quy, hợp chuẩn; hỗ trợ đào tạo cho các doanh nghiệp tăng cường áp dụng các công cụ cải tiến như: 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng), quản lý tinh gọn, 7 công cụ kiểm soát chất lượng, kaizen… là những công cụ tiên tiến của người Nhật. 
 
Các công cụ này rất dễ triển khai áp dụng, ít tốn kém, phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa của tỉnh. 
 
Từ nay đến năm 2020, mục tiêu của dự án đặt ra là: 100% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực của tỉnh tham gia thực hiện dự án; xây dựng mô hình điểm thông qua hỗ trợ 75 lượt doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng phù hợp; trong đó, 40 lượt áp dụng các hệ thống quản lý ISO, HACCP, GlobalGAP; 35 đơn vị áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng như 5S, nhóm kiểm soát chất lượng, 7 công cụ thống kê, quản lý chất lượng toàn diện, sản xuất tinh gọn… Hỗ trợ xây dựng 50 tiêu chuẩn cơ sở đối với sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh; chứng nhận 50 sản phẩm hợp quy và 10 sản phẩm hợp chuẩn; xây dựng 1 sản phẩm chủ lực đạt quy chuẩn kỹ thuật địa phương; hướng dẫn, tư vấn cho 8 doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng dự giải thưởng chất lượng quốc gia… Để hoàn thành được những mục tiêu đó, còn rất nhiều việc cần phải làm. Bà Phạm Thị Nhâm – Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL Lâm Đồng cho biết: Trong thời gian tới, cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng qua việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về các hệ thống quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn; việc xét duyệt, theo dõi, nghiệm thu kết quả tham gia dự án của các doanh nghiệp sẽ được tiến hành nghiêm túc. Tiếp tục hướng dẫn, đào tạo, tư vấn doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất – chất lượng, thực hiện chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy với các sản phẩm chủ lực; xác định, rà soát nhóm sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương, qua đó xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho các nhóm sản phẩm, hàng hóa chủ lực. Đưa việc áp dụng các công cụ cải tiến, hệ thống quản lý nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ trở thành phong trào rộng rãi trong các doanh nghiệp.  
(Theo Báo Lâm Đồng)