Đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực nâng cao năng suất, chất lượng

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Bảy, Tháng Mười Một 19, 2022 | 11:02 - Lượt xem: 297

Chiến lược được xây dựng dựa trên nguyên tắc thống nhất, đơn giản, hài hòa, tối ưu hóa, tự nguyện và chia sẻ; đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa…

Hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về tiêu chuẩn

Trong dự thảo Chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia đến năm 2030, Bộ KH&CN đã nêu rõ quan điểm cũng như mục tiêu khi xây dựng chiến lược. Về quan điểm xây dựng chiến lược, thứ nhất, chiến lược được xây dựng dựa trên nguyên tắc thống nhất, đơn giản, hài hòa, tối ưu hóa, tự nguyện và chia sẻ; đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về tiêu chuẩn, tăng cường sự tham gia của các bên có liên quan vào hoạt động tiêu chuẩn hóa, tạo hành lang pháp lý để bảo đảm hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam phù hợp với các yêu cầu trong nước, đồng thời đáp ứng với các yêu cầu của các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn hóa khu vực và quốc tế, các Hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, chính phủ và thị trường là hai chủ thể chính thúc đẩy chiến lược tiêu chuẩn hóa; việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn sẽ được chuyển đổi từ tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp và thương mại sang toàn bộ các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội; công tác tiêu chuẩn hóa được thực hiện từ trong nước ra nước ngoài, chuyển biến từ số lượng sang chất lượng, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện của quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đổi mới sáng tạo, hình thành và dẫn dắt các mô hình phát triển mới.

Thứ tư, định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, chiến lược của một số ngành, lĩnh vực trọng tâm của đất nước, giải quyết các yêu cầu về tiêu chuẩn hóa đối với các sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; thúc đẩy việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các bộ, ngành, địa phương; tập trung các hoạt động nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ; lấy đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả áp dụng tiêu chuẩn.

Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khu vực về tiêu chuẩn hóa đối với từng lĩnh vực cụ thể, quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào công tác tiêu chuẩn hóa quốc tế, tăng cường năng lực áp dụng và khai thác tiêu chuẩn của các tổ chức trong nước; chuyển đổi số, kết nối và chia sẻ các thông tin tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực.

Ảnh minh hoạ

Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Theo dự thảo, mục tiêu tổng quát của chiến lược là đưa tiêu chuẩn hóa trở thành một biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, thông qua việc tăng cường năng lực quản lý của các bộ ngành, địa phương; hỗ trợ các sản phẩm của Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế gắn với các mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở thực hành có trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế khác nhau (bao gồm các tiêu chuẩn thực hành về trách nhiệm xã hội tích hợp với các yêu cầu về trách nhiệm xã hội trong các tiêu chuẩn đặc thù);

Tập trung nguồn lực để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Phát triển và chuẩn hóa nguồn nhân lực về tiêu chuẩn hóa nhằm nâng cao năng lực xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục, tổ chức, doanh nghiệp và người dân;

Nâng cao vị thế của Việt Nam trên các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn hóa khu vực và quốc tế, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và uy tín cũng như sức cạnh tranh của các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 xây dựng sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn để tăng cường tính minh bạch trong xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại toàn cầu; Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ thành tiêu chuẩn quốc gia; Xây dựng và ban hành Danh mục tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các Bộ ngành, địa phương;

Hoàn thiện Khung kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với phát triển kinh tế xã hội theo từng thời kỳ; tối thiểu 3-5 Bộ ngành hoàn thành việc lập kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia theo Khung kế hoạch này; Tối thiểu 5% các tiêu chuẩn quốc gia mới được xây dựng dựa trên kết quả triển khai của các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp; Tối thiểu 60% tiêu chuẩn quốc gia mới được phổ biến áp dụng sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố;

Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 60% thành viên Ban kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn quốc gia. Tổ chức các khóa đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ, chuyên gia làm công tác tiêu chuẩn tại các bộ, ngành và doanh nghiệp; Hoàn thiện các chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 20 trường đại học, trường cao đẳng, trường nghề;

Cử 1-2 cán bộ, chuyên gia tham gia vào các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, Ban thư ký/đồng thư ký/đồng trưởng nhóm công tác; chủ trì/ đồng chủ trì 1-2 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế. Phấn đấu đưa Việt Nam tham gia Hội đồng của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO; trở thành thành viên đầy đủ của Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC);

Hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia, chuyên gia tham gia Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc tế và cơ sở dữ liệu thông tin về hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ nhu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.

Đến năm 2030, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 70 % – 75%; Hoàn thành cơ bản hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm theo yêu cầu quản lý của các Bộ ngành, địa phương; Tất cả các bộ, ngành hoàn thiện việc lập kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia theo Khung kế hoạch; Tối thiểu 10 % các tiêu chuẩn quốc gia mới được xây dựng dựa trên kết quả triển khai của các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp;

Tối thiểu 80% tiêu chuẩn quốc gia mới được phổ biến áp dụng sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố; Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tiêu chuẩn hóa cho 100% thành viên Ban kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo về tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 35 trường đại học, trường cao đẳng, trường nghề; Cử 4-6 cán bộ, chuyên gia tham gia vào các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO, Ban thư ký/đồng thư ký/đồng trưởng nhóm công tác; chủ trì/ đồng chủ trì 2-3 dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc tế;

Việt Nam tham gia Hội đồng của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế; Phấn đấu Việt Nam trở thành thành viên Ban quản lý kỹ thuật (TMB) của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO; tham gia vào 5-7 Ban kỹ thuật IEC; Hình thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng dữ liệu và hạ tầng kỹ thuật đảm bảo hệ thống thông tin về cơ sở dữ liệu Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn quốc gia được kết nối với bộ, ngành, địa phương.

Theo VietQ