Dự thảo sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP: Khắc phục bất cập về ghi nhãn, chống gian lận xuất xứ

Thứ Hai, Tháng Năm 17, 2021 | 9:07

“Nếu như các quy định mới trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 43/2017 được chính thức ban hành, chắc chắn sẽ là hành lang pháp lý để hạn chế được tình trạng gian lận thương mại, gian lận ghi nhãn hàng hóa trong thời gian qua”, đó là những nhận định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh khi chia sẻ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.

Thưa ông, vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành sửa đổi Nghị định 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và hiện đang lấy ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương về Dự thảo sửa đổi Nghị định. Vậy xin ông cho biết lý do sửa đổi Nghị định số 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa là gì?

Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết yêu cầu tăng cường phòng chống gian lận thương mại, gian lận ghi nhãn hàng hóa, gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp trong thời gian qua. Nghị quyết của Chính phủ cũng giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì và phối hợp với các Bộ, ban, ngành để nghiên cứu và sửa đổi Nghị định 43/2017 để tăng cường hơn về các hoạt động này.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy cùng với sự phát triển rất nhanh về khoa học và công nghệ, các hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ghi nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc cũng phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua giúp cho doanh nghiệp đưa sản phẩm hàng hóa tốt hơn đến người tiêu dùng. VD: ghi nhãn điện tử, cung cấp thông tin về nhãn hàng hóa thông qua các mã số mã vạch, mã QR Code…

Vậy những mục tiêu nào được đặt ra khi sửa đổi Nghị định số 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa?

Theo tôi, có ba mục tiêu chính được đặt ra khi sửa đổi Nghị định 43/2017.

Thứ nhất, minh bạch hơn, quy định rõ ràng hơn về các quy định ghi nhãn nhằm chống gian lận thương mại, gian lận về ghi nhãn, gian lận về xuất xứ, tăng cường vai trò bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thứ hai, xem xét, chấp nhận và hướng dẫn cách thức ghi nhãn mới ứng dụng công nghệ mới, các nội dung đổi mới sáng tạo về ghi nhãn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp trong việc ghi nhãn, tốt hơn cho người tiêu dùng.

Thứ ba, xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, còn bất cập trong thời gian qua. Ví dụ: nội dung ghi nhãn nào phải bắt buộc có khi nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu thì phải ghi nhãn như thế nào để tránh hiện tượng gian lận ghi nhãn gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của hàng hóa Việt Nam, tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối với hàng hóa Việt Nam;

Các ghi nhãn về dinh dưỡng cần quy định như thế nào để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người tiêu dùng nhưng cũng không làm gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh. 

Thưa ông, những quy định mới trong Dự thảo sửa đổi Nghị định, liệu có chống được những gian lận về xuất xứ hàng hóa?

Nghị định này quy định về ghi nhãn hàng hóa, còn các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa là thuộc hệ thống pháp luật khác kèm theo, tuy nhiên Nghị định này cũng góp phần chống gian lận xuất xứ hàng hóa, đồng thời, tấn công mạnh hơn nữa vào các hành vi gian lận về thương mại, gian lận về ghi nhãn hàng hóa, lừa dối người tiêu dùng.

Tôi tin rằng, nếu như các quy định này được chính thức ban hành và việc thực thi được tổ chức triển khai một cách nghiêm ngặt, công minh, chắc chắn sẽ là hành lang pháp lý để hạn chế được tình trạng gian lận thương mại, gian lận ghi nhãn hàng hóa trong thời gian qua.

Dự thảo sửa đổi Nghị định này nếu được thông qua sẽ tác động như thế nào đến công tác quản lý nhãn hàng hóa, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thưa ông?

Dự thảo sửa đổi Nghị định được lấy ý kiến rộng rãi khắp ba miền, rất nhiều các ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Nếu như Nghị định này được thông qua sẽ có tác động tốt cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, và ngược lại sẽ có tác động rất tiêu cực cho các doanh nghiệp có ý định gian lận về ghi nhãn, lừa đối người tiêu dùng, qua hai điều này thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực thi pháp luật tốt hơn, ngăn chặn và xử lý được các vấn đề tồn tại trong thời gian qua.

Xin trân trọng cảm ơn ông!