Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Bảy 2, 2021 | 17:25 - Lượt xem: 2233
Căn cứ quy định tại Điều 84, Điều 85 và Điều 87, Điều 89 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18, 19, 20, 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức lập hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Đối với Nghị định số 132/2008/NĐ-CP và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, để triển khai Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 và Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn (trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành hơn 40 văn bản quy phạm pháp luật) và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biết, hướng dẫn thực hiện.
Như vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 được ban hành đầy đủ. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng) cũng như hoạt động tôn vinh, khen thưởng về chất lượng cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có cả giải thưởng chất lượng quốc gia từ cấp địa phương đến trung ương. Qua gần 12 năm triển khai thực hiện Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, thị trường trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực theo sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, một số quy định của Nghị định đã bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc cần xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP. Nghị định số 74/2018/NĐ-CP về cơ bản đã giải quyết được các tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 132/2008/NĐ-CP.
Về những kết quả đã đạt được, đã quy định cụ thể việc xác định sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn theo hướng giao trách nhiệm cho các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sau khi thống nhất với Bộ KH&CN để phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Đây là căn cứ quan trọng để các Bộ, ngành xác định sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn và quy định biện pháp quản lý phù hợp với từng loại sản phẩm, hàng hóa.
Bên cạnh đó, đã quy định về thủ tục kiểm tra hàng hóa nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu. Theo đó, căn cứ mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực lựa chọn biện pháp quản lý đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu cho phù hợp.
Đồng thời tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP cũng đã quy định việc miễn kiểm tra chất lượng hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu; việc miễn giảm kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu. Đối với hàng hóa áp dụng biện pháp hậu kiểm (việc kiểm tra căn cứ trên cơ sở kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân hoặc kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật), thời gian kiểm tra và thông quan hàng hóa chỉ tối đa 01 ngày. Đồng thời, đã quy định đối với hàng hóa nhập khẩu có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ do cùng một người nhập khẩu, sau 03 lần nhập khẩu liên tiếp có kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ được cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng trong thời hạn 02 năm.
Việc triển khai quy định nêu trên đã mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, ví dụ như đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, đã chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa (với 93,3% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý sang cơ chế hậu kiểm (áp dụng biện pháp quản lý theo điểm a, b nêu trên). Như vậy, trong năm 2019 và năm 2020, chi phí đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN chuyển sang cơ chế hậu kiểm đã giảm (bao gồm chi phí lưu kho, bãi; chi phí cho người đi làm thủ tục nhập khẩu), cụ thể: năm 2019 thì ước tính tổng chi phí giảm được cho các doanh nghiệp khoảng gần 590 tỷ đồng và năm 2020 tổng chi phí giảm được cho doanh nghiệp là hơn 830 tỷ đồng….
Đối với Nghị định số 86/2012/NĐ-CP, để triển khai Luật Đo lường năm 2011, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường, Nghị định số 105/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định kiểm tra chuyên ngành; ban hành hơn 13 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, trong đó có Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17/12/2013 quy định kiểm tra nhà nước về đo lường, Quyết định số 2284/QĐ-BKHCN ngày 15/8/2018 về việc công bố Bảng mã HS đối với phương tiện đo nhóm 2 phải phê duyệt mẫu thuộc đối tượng kiểm tra nhà nước về đo lường khi nhập khẩu. Đồng thời, đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biết, hướng dẫn thực hiện.
Như vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Đo lường năm 2011 được ban hành đầy đủ. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai hoạt động quản lý nhà nước về đo lường (trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường, lượng của hàng đóng gói sẵn, phép đo…).
Qua gần 8 năm triển khai thực hiện Nghị định số 86/2012/NĐ-CP, công tác quản lý nhà nước về đo lường đã có nhiều chuyển biến tích cực theo sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường đối với các phương tiện đo nhập khẩu đã có hiệu quả, góp phần vào việc hạn chế phương tiện đo nhập khẩu không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về đo lường, tăng tính chấp hành quy định pháp luật về đo lường bảo đảm tính chính xác, thống nhất trong đo lường. Số lượng mẫu phương tiện đo nhập khẩu đã thực hiện thủ tục phê duyệt mẫu hằng năm đều tăng. Đặc biệt, sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định số 2284/QĐ-BKHCN ngày 15/8/2018 về việc Công bố Bảng mã HS đối với phương tiện đo nhóm 2 phải phê duyệt mẫu thuộc đối tượng kiểm tra nhà nước về đo lường khi nhập khẩu thì số lượng phương tiện đo nhập khẩu tăng đột biến đến 70% trong năm 2019…
Xem chi tiết tại đây:
Bao cao danh gia tac dong cua chinh sach sua doi ND 74, 86