Đơn giản hóa danh mục kiểm tra chuyên ngành

Thứ Sáu, Tháng Mười Một 4, 2022 | 10:27

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, phải đơn giản hóa danh mục kiểm tra chuyên ngành, rà soát đánh giá lại toàn bộ Luật Kiểm tra chuyên ngành, đẩy nhanh thực hiện lộ trình hoàn thiện khung pháp lý.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USADID) tổ chức hội nghị công bố kết quả “Khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) về thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2021”.

Cơ chế một cửa quốc gia của Việt Nam cho phép DN cung cấp thông tin cho nhiều cơ quan nhà nước trên một nền tảng duy nhất, hợp lý hoá thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan tại cửa khẩu và tiết kiệm chi phí cho DN. Tính đến ngày 17/10/2022, cơ chế một cửa đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55.000 DN.

Việc khảo sát là nỗ lực nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ chế Một cửa quốc gia (NSW) trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho DN, cũng như giảm thiểu gánh nặng không cần thiết cho DN trong thực hiện các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, từ đó tạo thuận lợi hơn cho cộng đồng DN xuất nhập khẩu tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong bối cảnh chịu tác động to lớn của dịch COVID-19 cùng những biến động khó lường của kinh tế-chính trị thế giới, song xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn là lĩnh vực có thành quả nổi bật của Việt Nam thời gian gần đây. Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 của Việt Nam đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, dự kiến cả năm có thể đạt trên 700 tỷ USD.

Những con số này cho thấy nỗ lực vượt khó phi thường của DN Việt Nam. Đồng thời, kết quả này cũng phản ánh những cố gắng to lớn của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và các bộ, ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của DN.

“Báo cáo công bố ngày hôm nay cho thấy cộng đồng DN ghi nhận những cố gắng của các cơ quan nhà nước nói trên. Tổng hợp kết quả khảo sát của trên 3.000 DN xuất nhập khẩu trong năm 2022, báo cáo phản ánh nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây. Trong đó, số đông các DN cho biết Cổng NSW được vận hành tương đối tốt; quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến trên Cổng thuận lợi hơn; việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua NSW đã giúp giảm thời gian và chi phí cho các DN. Các DN cũng quan sát thấy những chuyển biến tích cực tương tự trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành…”, ông Hoàng Quang Phòng dẫn chứng.

Phó Trưởng ban Pháp chế (VCCI) Phạm Ngọc Thạch cho biết, nhìn chung mức độ cải thiện tương đối tốt nhưng chưa đồng đều với các thủ tục khác nhau liên quan đến bộ ngành khác nhau. Ví dụ một số lĩnh vực động vật, thực vật liên quan đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có mức độ cải thiện đơn giản hoá thủ tục hơn thời gian gần đây, còn thủ tục liên quan trang thiết bị y tế thì mức độ cải thiện còn chậm… Các DN tiếp tục mong muốn các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của Cổng NSW và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng DN.

DN đánh giá tích cực việc bảo mật thông tin nhưng nhận định Cổng NSW còn hoạt động thiếu ổn định và chưa nhanh như kỳ vọng. Các đơn vị nhà nước đánh giá chất lượng đường truyền kết nối và phần mềm hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính nhìn chung đáp ứng nhu cầu hiện tại. Vẫn tồn tại những vấn đề kỹ thuật trong khi giải quyết hồ sơ và truyền kết quả giải quyết hồ sơ.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đức Nghĩa, đại diện Hiệp hội logistics Việt Nam kiêm Giám đốc Công ty Delta International, đánh giá cao kết nỗ lực cải cách liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu. Nhìn chung chúng ta đang đi đúng hướng, ngành hải quan đã có sự thay đổi tư duy từ sớm đó là áp dụng quản trị rủi ro, thúc đẩy cắt giảm thủ tục chuyên ngành dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực tốc độ cải cách có dấu hiệu chậm lại nhất là vấn đề thủ tục kiểm tra chuyên ngành, danh mục hàng hoá liên quan đến các bộ ngành tỷ lệ đơn giản hoá thủ tục có sự “chững lại”.

Nhấn mạnh hiệu quả kinh tế, ông Trần Đức Nghĩa dẫn chứng, việc kết nối hệ thống cảng điện tử, hải quan điện tử bỏ được thủ tục hải quan thanh lý tờ khai, chỉ bỏ đi một thủ tục thanh lý tờ khai đã giúp bỏ đi chi phí 500 triệu USD/1 năm, đó là chi phí giao dịch DN phải bỏ ra làm thủ tục thanh lý tờ khai tại cảng bằng thủ tục giấy tờ thông thường. 

Trong thời gian tới, nếu thực hiện thành công số hóa dữ liệu xuất nhập khẩu của các bộ ngành, bớt chi phí gửi tờ khai Việt Nam và các nước ASEAN sẽ tiết kiệm cho DN khoảng 18 triệu USD/năm. “Riêng công ty DELTA nếu kiểm tra chuyên ngành một cửa quốc gia được làm ở cấp độ cao nhất có thể tiết kiệm 10% chi phí do giảm nhân lực. Đó là một số dẫn chứng về những điều đạt được khi thực hiện số hóa nền hành chính công, có giá trị lớn hơn nhiều gói hỗ trợ khác dành cho DN mà không tốn đồng ngân sách nào”, ông Trần Dức Nghĩa kỳ vọng.

Đại diện ngành hải quan, ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho hay, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và là cơ quan đầu mối thực hiện Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Với mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng DN, Tổng cục Hải quan đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức phối hợp, hợp tác với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa, hướng tới mục tiêu cải cách toàn diện và thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các DN trong hoạt động xuất nhập khẩu. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, ngành hải quan xác định sứ mệnh đi đầu trong cải cách hiện đại hoá nhưng rất cần sự phối hợp của các bộ ngành đặc biệt về đơn giản hoá các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Lãnh đạo ngành hải quan cho rằng, các nội dung của cuộc khảo sát sẽ phải có phân tích kỹ càng hơn, DN chưa hài lòng khâu nào, nguyên nhân là gì, thủ tục kiểm tra chuyên ngành lâu, phức tạp thì liên quan đến bộ ngành nào.

“Thực tế, hiện nay có 250/261 thủ tục liên quan đến 13 bộ, ngành, mới làm khảo sát được 12 thủ tục liên quan đến 5 bộ, ngành. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có những nghiên cứu, hội nghị khảo sát tiếp theo hướng mở rộng diện và điểm hơn nữa. Tất nhiên điều này cần nguồn lực lớn, cần có thời gian, vì khối lượng mẫu lớn, đòi hỏi phải chính xác, tiến hành phỏng vấn sâu hơn.

Trong đó, sẽ phối hợp khảo sát sâu hơn một số thủ tục hành chính thiết thực với người dân, sẽ nghiên cứu mở rộng khảo sát số lượng, cũng như các phương pháp thu thập, hỏi đúng đối tượng làm trực tiếp, tăng tính khách quan khi khảo sát. Khi đã có kết quả đầy đủ, cần xây dựng các tiêu chí đánh giá, xếp hạng các bộ ngành với các tiêu chí cụ thể cho từng quy trình”, ông Hoàng Việt Cường cho biết.

Đại diện Tổng cục Hải quan cũng tiếp thu đề nghị về hiện trạng vận hành Cổng NSW và cho biết sẽ khẩn trương nâng cấp cải tiến với công nghệ mới hơn, giảm thiểu tối đa lỗi kỹ thuật, thân thiện với người dùng.

“Quan trọng là phải đơn giản hóa danh mục kiểm tra chuyên ngành, rà soát đánh giá lại toàn bộ Luật Kiểm tra chuyên ngành, đẩy nhanh thực hiện lộ trình hoàn thiện khung pháp lý. Ngành hải quan tiếp thu các ý kiến đóng góp từ cộng đồng DN để tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Chính phủ”, ông Hoàng Việt Cường nói.

Theo VietQ