Đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ Sáu, Tháng Hai 28, 2025 | 11:10

Ngày 27/02/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo về nội dung đổi mới sáng tạo (ĐMST), khởi nghiệp sáng tạo (KNST) trong dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST). Chủ trì hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cùng sự tham gia của đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tại Hội thảo về dự thảo Luật KHCN và ĐMST, Tổ công tác đề xuất bổ sung một chương quy định về đổi mới sáng tạo trên cơ sở hợp nhất, sửa đổi, bổ sung Chương VIII và Chương IX của Dự thảo Luật để phù hợp với hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Chương này gồm 13 điều, cụ thể:

– Hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp;

– Khuyến khích phát triển sản phẩm ĐMST;

– Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp có hoạt động ĐMST;

– Thúc đẩy hình thành tổ chức ĐMST;

– Thúc đẩy hình thành tổ chức hỗ trợ ĐMST và KNST;

– Nội dung hỗ trợ hoạt động ĐMST;

– Quỹ ĐMST của doanh nghiệp;

– Quỹ ĐMST quốc gia;

– Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát;

– Thúc đẩy mạng lưới hỗ trợ ĐMST và KNST;

– Thống kê hoạt động ĐMST;

– Chương trình ĐMST;

– Thúc đẩy văn hóa ĐMST.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, khái niệm đổi mới sáng tạo đã được quy định tại Luật KH&CN năm 2013, tuy nhiên hiện nay, quy mô nền kinh tế phát triển và yêu cầu thực tiễn phát sinh thêm các đối tượng mới liên quan ĐMST, KNST, việc này dẫn đến nhiều nội hàm của KH&CN trong Luật KH&CN (2013) giờ được hiểu là nội hàm của ĐMST, KNST. Do đó, khái niệm ĐMST tạo cần được cập nhật để phù hợp với tình hình thực tiễn. Hiện nay chúng ta coi hoạt động ĐMST, KNST là sự nối dài và là một bước tiếp theo của hoạt động KH&CN, đặc biệt trong dự thảo Luật KHCN&ĐMST, ĐMST được đặt bên cạnh KH&CN, vì thế cần phân định rõ KH, CN, ĐMST và KNST; cần phải coi ĐMST, KNST đối tượng điều chỉnh trong dự thảo Luật này.

Khi xác định khoa học (KH), công nghệ (CN), ĐMST, KNST là 4 đối tượng khác nhau được nêu trong dự thảo Luật, điều này có nghĩa rằng cần xác định lại phạm vi nội hàm một số từ ngữ đã nêu trong Luật KH&CN (2013), định nghĩa lại các từ ngữ nêu trong dự thảo Luật để phân định rõ 4 nhóm đối tượng KH, CN, ĐMST và KNST, đồng thời trong Dự thảo Luật cần xây dựng 4 chính sách riêng cho 4 nhóm đối tượng này nhằm áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi tri thức, công nghệ thành giá trị, đáp ứng vai trò dẫn dắt sự phát triển kinh tế – xã hội.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề nghị thảo luận làm rõ các vấn đề: hoạt động liên quan đến ĐMST bao gồm những hoạt động nào? Nhân lực, chi phí, tổ chức liên quan đến ĐMST bao gồm những gì? Cần có những chính sách gì để phát triển ĐMST?

Thứ trưởng Hoàng Minh nêu quan điểm tại Hội thảo, cho rằng đây là Luật gốc để triển khai các hoạt động KHCN ĐMST, do đó, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan cần chung tay xây dựng dự thảo hoàn chỉnh. Trước kia, các khái niệm KH, CN, ĐMST đã có từ lâu nhưng hoạt động ĐMST chưa được tách bạch với KHCN.  Trước đây quy mô nền kinh tế của nước ta còn nhỏ, khi đó hoạt động ĐMST, KNST đã được thực hiện nhưng nằm lẫn trong hoạt động KH&CN, gắn với Luật KH&CN. Vì vậy, cần định nghĩa lại các thuật ngữ trong dự thảo Luật. Ngoài ra, Thứ trưởng Hoàng Minh cho rằng nên có các quy định cho doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng công nghệ; có chính sách cho các đối tượng nhận chuyển giao công nghệ được hưởng ưu đãi.

Các đại biểu tham dự hội thảo phát biểu ý kiến xoay quanh vấn đề đang đặt ra, cụ thể:

– Đối với khái niệm:

+ Nhất trí dự thảo Luật cần tách biệt các khái niệm: KH, CN, ĐMST, KNST, ngoài ra nên có một khái niệm quy định về kết quả của hoạt động ĐMST bao gồm những kết quả nào.

+ Cần định nghĩa cụ thể khái niệm ĐMST xã hội, hệ thống ĐMST do đây là những khái niệm đã được đề cập trong dự thảo nhưng chưa được định nghĩa.

+ Cần rà soát toàn bộ khái niệm trong dự thảo nhằm thống nhất với các văn bản khác.

– Từ thực tiễn đánh giá cho thấy hoạt động nghiên cứu chưa thực sự hiệu quả. Song song với việc tự nghiên cứu cần chủ động tìm các giải pháp để ứng dụng vào thực tế.

– Khuyến khích hoạt động phát triển ĐMST đối với doanh nghiệp nhà nước (chính sách thu hút nhân tài, tăng cường mối liên hệ giữa các Viện nghiên cứu, trường đại học và doanh ngiệp để đưa các nghiên cứu vào thực tiễn,…).

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ công tác xây dựng dự án Luật KHCN và ĐMST cảm ơn sự có mặt, góp ý của các đại biểu tham dự, đồng thời sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến được nêu tại Hội thảo./.

                                      Nguồn: Hoàng Ngọc Minh, Ban Pháp chế – Thanh tra