Doanh nghiệp và hiệu quả áp dụng HTQL, công cụ cải tiến NSCL
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Ba 14, 2017 | 22:34 - Lượt xem: 2403
Nền kinh tế thị trường đã và đang tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ, khốc liệt hơn bao giờ hết; đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới – ở đó, các doanh nghiệp (DN) điều phải tuân theo các quy luật, sân chơi mang tính toàn cầu. Các DN có năng lực vượt trội trong quản lý điều hành, trong quản trị tài chính, trong quản trị chiến lược,… sẽ có ưu thế và lợi thế rõ rệt; song hành với đó là các DN có năng lực yếu kém sẽ gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh hoặc phải tự đào thải.
Việc đưa các công cụ quản lý tiên tiến của Thế giới vào các DN này là rất cần thiết. Thông qua việc áp dụng một số tiêu chuẩn này (như ISO 9001, ISO 14001, ISO 50001,…) giúp cho DN quy trình hóa các hoạt động, qua đó chuẩn hóa và thiết lập các chuẩn mực cần thiết để kiểm soát các hoạt động; tạo lập cách thức làm việc thống nhất và cung cấp đầu ra tin cậy, ổn định, chất lượng,… từ đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và giúp giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang suy giảm hiện nay, các DN đang gặp phải khó khăn về tài chính nhưng lại phải duy trì sự tồn tại, ổn định và phát triển, trong đó, bên cạnh việc tái cấu trúc, các DN còn cần phải chú trọng sử dụng các hệ thống quản lý, công cụ tiên tiến để vực dậy DN và nâng cao sức cạnh tranh. Các DN, hơn lúc nào hết, cần sự chia xẻ, hỗ trợ từ phía nhà nước để nâng cao năng lực của mình một cách bền vững và góp phần đưa nền kinh tế đất nước đi lên.
Xuất phát từ như cầu đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/05/2010, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Đo lường Chất lượng đã triển khai chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng SPHH của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, năm 2014 – 2015 Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 đã chủ trì nhiệm vụ “Nhân rộng mô hình điểm về áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp tại khu vực Miền Trung, Tây nguyên”, mã số: 03.4/2014-DA2. Trong khuôn khổ của nhiệm vụ này, 55 doanh nghiệp đã được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 tư vấn, hướng dẫn xây dựng và áp dụng thành công các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL như ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, 5S, 7CC.
Sau khi áp dụng các HTQL và công cụ cải tiến NSCL, kết quả và hiệu quả nổi bật đạt được: Nhận thức, quan điểm của các doanh nghiệp nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng đã được nâng lên rõ rệt và doanh nghiệp đã ý thức được việc sử dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý kể cả việc áp dung các hệ thống để nâng cao năng suất chất lượng nói chung và duy trì sự tồn tại – phát triển bền vững doanh nghiệp của mình.
Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng mô hình điểm về áp dụng các HTQL, công cụ cải tiến NSCL là cần thiết và phù hợp với thực trạng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp này đáp ứng được tổng thể các yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý môi trường, ATTP một cách hiệu quả nhất và là tiền đề nhân rộng nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tương tự khác trong cả nước. Sản phẩm của đề tài sẽ là thực tế giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận việc xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý như ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000 và các công cụ nâng cao NSCL như 5S, 7 công cụ thống kê, …Việc áp dụng các hệ thống, công cụ quản lý giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ đáp ứng các yêu cầu của khách hàng, chủ đầu tư, các nhà thầu nước ngoài, giúp doanh nghiệp có cơ sở vững chắc để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo môi trường, đảm bảo an toàn của sản phẩm, cũng như nâng cao khả năng xuất khẩu các sản phẩm của mình.
Ngoài các thuận lợi nêu trên, trong quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Miền Trung – Tây Nguyên cho thấy một số khó khăn: Việc lựa chọn doanh nghiệp tham gia nhiệm vụ cần phù hợp hơn với hệ thống, công cụ cải tiến NSCL (tùy thuộc vào quy mô, loại hình sản xuất và cung cấp dịch vụ, công nghệ, năng lực của cán bộ, …); Một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, sự cần thiết phải áp dụng và duy trì các hệ thống, công cụ cải tiến NSCL; Gặp phải các khó khăn về tài chính, nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, … nên sẽ không thuận lợi khi triển khai và áp dụng các hệ thống, công cụ nâng cao NSCL mà cần có phải đầu tư chi phí khi áp dụng các tiêu chuẩn ISO 14001, ISO 22000, …; Các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000 là tiêu chuẩn mang tính chất khuyến khích áp dụng, không có tính bắt buộc theo yêu cầu của pháp luật nên các doanh nghiệp không bị ràng buộc phải áp dụng; Khi xây dựng các hệ thống quản lý như ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000 chưa xây dựng tích hợp các hệ thống khác như ISO 45001 (OHSAS 18001), các quy tắc ứng xử về trách nhiệm xã hội như SA8000, BSCI và các công cụ khác như Lean, TPM, KPI, MFCA, … để nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả quản lý tại doanh nghiệp trong quá trình hội nhập; Tiến độ thực hiện nhiệm vụ bị hạn chế do các lý do khách quan và chủ quan từ phía doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện đề tài/nhiệm vụ, cần mở rộng ra nhiều năm chứ không phải là ngắn hạn; …
Để nâng cao hiệu quả nhiều hơn trong triển khai Chương trình quốc gia Năng suất chất lượng trong thời gian tới, cần thực hiện các nội dung và giải pháp như sau:
– Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng tại các địa phương: Cần tổ chức thường xuyên hơn các hội nghị, diễn đàn, hội thảo chuyên đề cho từng loại hình doanh nghiệp để trao đổi kinh nghiệm và tăng cường việc nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, sự cần thiết của các hệ thống quản lý, công cụ quản lý đối với các hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là công tác duy trì và cải tiến hệ thống quản lý, công cụ mà doanh nghiệp đã và đang áp dụng;
– Đề nghị có các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và áp dụng các hệ thống, công cụ cải tiến NSCL mà cần phải có đầu tư kinh phí về cơ sở vật chất kỹ thuật;
– Nên đưa các yêu cầu của các tiêu chuẩn như ISO 14001, ISO 22000 là yêu cầu bắt buộc áp dụng trong các văn bản pháp quy, quy chuẩn Việt Nam trong một số lĩnh vực để đáp ứng các yêu cầu về quản lý môi trường, an toàn thực phẩm của Việt Nam và các nước nhập khẩu trên thế giới nhất là khu vực Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, …; đồng thời nâng cao hiệu lực của việc áp dụng các hệ thống này;
– Đề nghị tiếp tục nhân rộng mô hình điểm về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001, hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, phương pháp 5S, 7 công cụ thống kê, … cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc;
– Cần mở rộng việc hỗ trợ và khuyến khích áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng cần thiết khác để giúp các doanh nghiệp có chiều sâu hơn trong công tác quản trị và nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập./.
(Theo Báo cáo tổng hợp ““Nhân rộng mô hình điểm về áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp tại khu vực Miền Trung, Tây nguyên”, mã số: 03.4/2014-DA2 – Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2)