Doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và sự đồng hành của Bộ KH&CN
Thứ Ba, Tháng TưTháng Tư 21, 2020 | 11:49
Những năm qua Bộ Khoa học và Công nghệ nói chung, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nói riêng đã triển khai hàng loạt hoạt động, giải pháp để đồng hành với doanh nghiệp trong các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh.
Gỡ bỏ rào cản, thuận lợi hóa tối đa cho doanh nghiệp
Để đồng hành với doanh nghiệp trong các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nói chung, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) nói riêng đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về pháp triển hoạt động chất lượng, quản lý nhà nước về chất lượng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động đánh giá sự phù hợp, quản lý chất lượng theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Việc đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt động chất lượng, đổi mới phương thức quản lý chất lượng theo hướng tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; bảo đảm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trước nhà nước và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và hàng hóa của doanh nghiệp.
Trong đó, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp đã giúp các doanh nghiệp kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, nhập khẩu. Trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các quốc gia phải có chính sách thích hợp để tạo ra thương hiệu quốc gia cho sản phẩm hàng hoá của mình. Thuận lợi hoá thủ tục đánh giá sự phù hợp thông qua hoạt động thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp được coi là một trong những biện pháp để xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Với việc triển khai tích cực chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, từ năm 2017, Bộ KH&CN đã triển khai áp dụng cơ chế “chuyển mạnh sang hậu kiểm”, chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa (với 93,3% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS) do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm, cụ thể đã cắt giảm từ 24 nhóm sản phẩm, hàng hóa (với 299 loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS) phải kiểm tra trước thông quan xuống còn 02 nhóm sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).
Sau khi triển khai đã giúp cắt giảm khoảng 96% số lô hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN phải kiểm tra trước thông quan. Đồng thời, giảm thời gian kiểm tra chất lượng nhập khẩu từ 23 ngày trước đây xuống còn 01 ngày, vượt hơn yêu cầu về thời gian của ASEAN +4 là 90 giờ.
Trong năm 2019, với khoảng 80.000 lô hàng nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN chuyển sang cơ chế hậu kiểm về chất lượng, ước tính tổng chi phí giảm được cho các doanh nghiệp khoảng gần 900 tỷ đồng. Ngoài ra việc đơn giản hóa thủ tục kiểm tra hàng hóa nhập khẩu cũng giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, thời gian cho thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, từ đó giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế
Triển khai có hiệu quả Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, đến nay 06/07 dự án năng suất và chất lượng do các Bộ chủ trì và 57/63 dự án năng suất và chất lượng địa phương đã được phê duyệt và triển khai thực hiện. Thông qua hoạt động của Chương trình đã góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; bước đầu hình thành đội ngũ cán bộ, chuyên gia năng suất và chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh…; gắn kết giữa khoa học công nghệ với thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, Tổng cục TCĐLCL đã và đang triển khai các hoạt động về mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc, giúp doanh nghiệp minh bạch thông tin, tạo uy tín và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế của Việt Nam với quốc tế, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Đề án thực thi Hiệp định TBT. Qua đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về tiêu chuẩn đo lường chất lượng từng bước được hoàn thiện, phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp định TBT, đáp ứng các điều kiện về pháp lý cho Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO; thực thi các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định TBT của WTO; xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đáp ứng đòi hỏi cấp bách của quản lý cũng như xã hội, giúp doanh nghiệp có đầy đủ các thông tin về thị trường xuất khẩu để sản xuất, cung ứng sản phẩm có chất lượng, vượt qua được các rào cản kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường này, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, soát xét hài hoà hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên làm cơ sở cho thuận lợi hoá thương mại, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới; chủ động tham gia vào các tổ chức, diễn đàn khu vực và thế giới, xúc tiến triển khai ký kết và tổ chức thực hiện các hiệp định, thoả thuận thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ ASEAN, APEC, MRA song phương giữa các nước, ưu tiên ký kết MRA với các nước có giá trị hàng hoá trao đổi thương mại lớn với nước ta cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận, sản xuất sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đánh giá sự phù hợp, dẫn đến giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo VietQ