Doanh nghiệp cần nắm rõ quy định về hàng rào kỹ thuật thương mại

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Chín 13, 2022 | 9:35 - Lượt xem: 580

Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa có hiệu quả, các doanh nghiệp cần nắm rõ quy định, cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, có giải pháp đáp ứng hàng rào kỹ thuật thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu.

Phát biểu tại Hội thảo phổ biến về các biện pháp TBT của các nước thành viên và cam kết của TBT trong Hiệp định CPTPP và EVFTA, ông Cao Xuân Quân, Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam (Tổng cục TCĐLCL) cho hay, hơn 15 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nước ta đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 2 FTA với các nước và khu vực trên thế giới.

Việc ký kết các FTA đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới và hàng hoá của Việt Nam ngày càng có vị thế trên trường quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa nắm rõ việc thực thi cam kết trong các hiệp định mà Việt Nam ký với các nước khác cũng như hàng rào kỹ thuật thương mại đối với sản phẩm hàng hoá xuất khẩu.

“Chúng ta cần quan tâm hơn nữa tới việc phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin về các hàng rão kỹ thuật thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu, tích cực thực thi có hiệu quả cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, đặc biệt lưu ý tới việc đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hoá mà thị trường nhập khẩu yêu cầu”, ông Cao Xuân Quân cho hay.

Cùng phát biểu tại Hội thảo, bà Tôn Nữ Thục Uyên – Phó giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam đã có bài trình bày về cam kết TBT trong các FTA mà Việt Nam là thành viên. Theo bà Uyên, TBT là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Technical Barriers to Trade” được dịch là Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (hay các rào cản kỹ thuật trong thương mại). Đó là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu và/hoặc quy trình nhằm đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó (còn gọi là các biện pháp kỹ thuật – biện pháp TBT).

Các biện pháp kỹ thuật này về nguyên tắc là cần thiết và hợp lý nhằm bảo vệ lợi ích quan trọng như sức khoẻ con người, môi trường, an ninh… Vì vậy, mỗi nước thành viên WTO đều thiết lập và duy trì hệ thống các biện pháp kỹ thuật riêng đối với hàng hoá của mình và hàng hoá nhập khẩu.

Tuy nhiên, trên thực tế, các biện pháp kỹ thuật có thể là những rào cản tiềm ẩn đối với thương mại quốc tế bởi chúng có thể được nước nhập khẩu sử dụng để bảo hộ cho sản xuất trong nước, gây khó khăn cho việc thâm nhập của hàng hoá nước ngoài vào thị trường nước nhập khẩu. Do đó chúng còn được gọi là “rào cản kỹ thuật đối với thương mại”.

Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (gọi tắt là Hiệp định TBT) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một trong các hiệp định điều chỉnh về thương mại hàng hóa với mục tiêu bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và thủ tục đánh giá sự phù hợp không phân biệt đối xử và không tạo ra rào cản không cần thiết cho thương mại. Cùng lúc, Hiệp định thừa nhận các Thành viên WTO có quyền áp dụng các biện pháp để thực hiện các mục tiêu chính sách hợp pháp của mình.

Hiệp định TBT khuyến khích mạnh mẽ các nước thành viên sử dụng tiêu chuẩn quốc tế làm căn cứ cho các biện pháp quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại. Thông qua các điều khoản về minh bạch hóa, Hiệp định cũng được xây dựng với mục đích tạo môi trường thương mại dễ dự đoán.

Hiệp định này gồm 15 Điều và 3 Phụ lục điều chỉnh các vấn đề liên quan tới xây dựng, ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp ở cấp cơ quan chính phủ trung ương và địa phương của các quốc gia thành viên; cam kết các vấn đề về cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, đối xử đặc biệt và khác biệt, cung cấp thông tin, tham vấn, giải quyết tranh chấp, Ủy ban TBT… Các Phụ lục của Hiệp định quy định về định nghĩa, nhóm chuyên gia kỹ thuật, Quy chế thực hành tốt về xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe đại diện Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) trình bày về Hiệp định SPS/WTO và tình hình triển khai Hiệp định SPS/WTO tại Việt Nam; đại diện Văn phòng TBT Việt Nam trình bày về Hiệp định TBT/WTO và tình hình triển khai Hiệp định TBT/WTO tại Việt Nam.

Phong Lâm