Doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn của EU trong xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng TưTháng Tư 16, 2020 | 10:03 - Lượt xem: 1468

 Việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào thì rất có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU và gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác.

Dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) đang khiến nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã thích nghi, chuyển đổi dây chuyền sản xuất, nắm bắt nhu cầu của thị trường về khẩu trang kháng khuẩn, thiết bị y tế để thay đổi định hướng kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp của Hà Nội đã duy trì công ăn việc làm, thậm chí phát triển sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là điểm sáng trong “bức tranh” kinh tế của thành phố quý I/2020, đồng thời là bài học quý cho các lĩnh vực khác trong việc thực hiện mục tiêu “kép”: Vừa phòng, chống dịch vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã liên hệ tìm các đối tác để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU và nhờ hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước thành viên EU liên hệ tìm đối tác.

Doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn của EU trong xuất khẩu khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế. Ảnh minh họa.   

Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU vừa đưa ra khuyến cáo, để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này, ví dụ, dán nhãn CE (thích ứng với các quy định của EU) hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp chưa có nhãn CE – để xuất khẩu vào riêng từng quốc gia.

Do vậy, việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào rất có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU và gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để coi đây là ngành sản xuất lâu dài thì cần tính đến một số yếu tố. Đó là, trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này. Hơn nữa, nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam.

Mặt khác, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành mặt hàng thiết yếu nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.

Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Đã có một vài doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang, nhưng con số này còn rất ít.

Thanh Minh