Doanh nghiệp bỏ túi gần 900 tỷ đồng nhờ cắt giảm thủ tục hành chính
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Tám 6, 2019 | 14:52 - Lượt xem: 1077
Với việc cắt giảm các thủ tục hành chính, thời gian thực hiện kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu rút xuống còn 1 ngày sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp gần 900 tỷ đồng mỗi năm.
Hiện nay, các thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vẫn đang được triển khai giải quyết ở cấp độ 3. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&CN đã tiến hành rà soát, đánh giá để lựa chọn thủ tục hành chính sẽ tiếp tục giải quyết ở cấp độ 3, thủ tục hành chính sẽ được giải quyết ở cấp độ 4 và thủ tục hành chính được thực hiện tại bộ phận một cửa. Đồng thời, cũng đang tiến hành rà soát, chỉnh sửa phần mềm và nâng cấp phần mềm dịch vụ công trực tuyến này lên cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Thời gian qua, Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính trong việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia đối với các thủ tục hành chính có liên quan của Bộ KH&CN. Trong năm 2018 và đầu 2019, Bộ KH&CN đã hoàn thành kết nối 02 thủ tục về cấp giấy phép thực hiện công việc bức xạ thuộc dự án “Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin kế nối với cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN – phân hệ Cục An toàn bức xạ và hạt nhân”.
Đến nay, số thủ tục đã thực hiện kết nối một cửa quốc gia của Bộ KH&CN là 06 thủ tục (gồm 04 thủ tục về đo lường chất lượng và 02 thủ tục về an toàn bức xạ).
Tính đến ngày 09/7/2019, đã có hơn 26.700 lượt hồ sơ được đăng ký và xử lý trên Cơ chế một cửa quốc gia, trong đó chủ yếu là hồ sơ thuộc Thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN, còn các thủ tục khác về đo lường, an toàn bức xạ hạt nhân…
Trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã rà soát sửa đổi bổ sung các VBQPPL về kiểm tra chuyên ngành, thực hiện triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đã góp phần thúc đẩy công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ KH&CN, đảm bảo hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.
Hiện nay, Bộ KH&CN cũng đang triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/2018/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ.
Về tình hình kiểm tra nhà nước về chất lượng nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN, theo tính toán số liệu của năm 2018 với 78.889 lô hàng nhập khẩu qua kiểm tra chất lượng, nếu với thời gian rút xuống còn thực hiện trong 01 ngày thì chi phí lưu kho và chi phí cho người đi làm thủ tục nhập khẩu của doanh nghiệp sẽ tiết kiệm gần 900 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục TCĐLCL việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là việc chuyển mạnh sang áp dụng biện pháp hậu kiểm đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Giảm thời gian, chí phí cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi đồng thời nâng cao trách nhiệm tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp đối với chất lượng hàng hóa nhập khẩu.
Bộ KH&CN đã triển khai áp dụng cơ chế “chuyển mạnh sang hậu kiểm” qua đó, chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa với 93,3% loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS do Bộ KH&CN quản lý sang cơ chế hậu kiểm, cắt giảm từ 24 nhóm sản phẩm, hàng hóa với 299 loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS phải kiểm tra trước thông quan xuống còn 02 nhóm sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra tương ứng với 20 loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).
Sau khi triển khai áp dụng Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN đã giúp cắt giảm khoảng 96% số lô hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN phải kiểm tra trước thông quan. Đồng thời, giảm thời gian kiểm tra chất lượng nhập khẩu từ 23 ngày trước đây xuống còn 1 ngày theo quy định, vượt hơn yêu cầu về thời gian của ASEAN +4 là 90 giờ. |
Bảo Anh