Đồ nướng vỉa hè giá rẻ: Mối lo ‘tử thần’ giấu mặt
Thứ Năm, Tháng Mười Hai 19, 2019 | 14:26
Đồ nướng vỉa hè từ lâu đã trở thành nơi lý tưởng để tụ họp và là món ăn khoái khẩu đối với giới trẻ, tuy nhiên những nguy hại tiềm ẩn từ đồ nướng vỉa hè lại gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe.
Cẩn trọng với đồ nướng vỉa hè giá rẻ
Thật không khó để bắt gặp những quán nướng vỉa hè tràn lan trên các tuyến phố như Chùa Láng (quận Đống Đa), Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy), Nguyễn Thái Học (quận Ba Đình… Ở đây, những món nướng như chân gà, nầm lợn, dải lợn, dạ dày, thịt bò, mực, bạch tuộc, thịt ba chỉ… được các chủ quán tẩm ướp bằng các loại gia vị và phẩm màu khá bắt mắt, bất kể ai từng đặt chân đến quán nướng vỉa hè cũng phải công nhận những món nướng ở đây luôn có mùi hương đặc biệt mà những người nội trợ ở nhà không thể làm được.
Bên cạnh đó, giá thành những đồ nướng vỉa hè này lại vô cùng rẻ, chỉ dao động từ 30.000đ – 40.000đ /1 đĩa. Quán ăn được bố trí khá tạm bợ, chế biến ngay trên vỉa hè bụi bặm, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn tỏ ra thích thú và không mấy người quan tâm đến thực phẩm có an toàn hay không.
Theo khảo sát thị trường tại một quán nướng trên đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy), phóng viên ngỏ ý hỏi về nguồn gốc thực phẩm thì người phục vụ quán cho biết tất cả đều do chủ cửa hàng nhập từ mối quen trên Móng Cái, Lạng Sơn. Người phục vụ này cũng cho biết, thứ gia vị có màu vàng sóng sánh được tẩm ướp kỹ lưỡng trong thịt là bí quyết gia truyền của chủ nhà hàng.
Bên cạnh đó, theo quan sát, phóng viên còn nhận thấy những dụng cụ bát đũa, khay đựng đồ nướng hay cả những chiếc cốc uống nước đều khá mất vệ sinh và không đảm bảo an toàn.
Thường xuyên đến ăn tại quán, bạn N.H. (Cầu Giấy) chia sẻ: “Đối với sinh viên, đồ nướng là món khá được ưa chuộng, khi ăn lạ miếng, thơm ngon và giá thành lại khá rẻ”, tuy nhiên khi đề cập đến nguồn gốc xuất xứ và độ an toàn thực phẩm của những món ăn này, bạn H. chỉ biết lắc đầu và trả lời không rõ vấn đề này.
Nguyên liệu mập mờ nguồn gốc, xuất xứ
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện và thu giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điển hình trong đó, Đội Cơ động Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh phối hợp lực lượng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho dừng chiếc xe container do nghi chở thực phẩm có dấu hiệu vi phạm.
Tiến hành kiểm tra trong container, lực lượng quản lý thị trường phát hiện gần 12 tấn nội tạng động vật chủ yếu là lòng lợn, mật lợn đã bốc mùi hôi thối.
Theo khai nhận của tài xế, toàn bộ số nội tạng đang trên đường vận chuyển đến các điểm tiêu thụ tại Hà Tĩnh và Hà Nội. Theo kiểm tra của lực lượng chức năng, hàng hóa được vận chuyển trên xe chủ yếu là lòng lợn, mật lợn đã bốc mùi. Lái xe không xuất trình được các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có tem kiểm dịch động vật số hàng trên.
Tiếp đó, tại km 28 quốc lộ 1A thuộc thôn Bản Thí, xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông đường bộ thuộc phòng CSGT, Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 18B 006.74 do ông Phạm Xuân Bắc sinh năm 1984 trú tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định điều khiển phương tiện. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong xe có 280 kg chân gà sản xuất ngoài việt nam không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Trị giá hàng hóa 19.000.000 đồng.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Phạm Xuân Bắc khai nhận, toàn bộ số hàng hóa trên là hàng nhập lậu, ông mua tại khu vục của khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, để vận chuyển về Nam Định bán cho các nhà hàng ăn uống.
Có thể thấy, những thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc sẽ được tiêu thụ tại các quán nhậu. Chúng sẽ được tẩm ướp gia vị có màu vàng bắt mắt, mùi thơm vô cùng hấp dẫn. Tất nhiên các loại gia vị này cũng đều là những gia vị trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Rất nhiều chủ quán khi được hỏi về nguồn gốc thực phẩm thì đều trả lời là xuất xứ tại Việt Nam. Thực tế, đa số đều được thu mua từ các đầu mối cấp 2 có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đó là chưa kể việc ăn đồ nướng không đúng cách còn gây ra những tác hại vô cùng nghiêm trọng cho sức khỏe.
Tác hại khôn lường từ đồ nướng vỉa hè
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng: “Trong quá trình nướng ở nhiệt độ trên 500 độ C, đồ nướng trên bếp gas, than, điện… đều sản sinh ra hợp chất BAH (hydrocacbon đa vòng PAH – Polycyclic Aromatic Hdrocacbon). Ngoài ra, là các amin dị vòng trong quá trình đốt cháy chất nướng giàu protein ở nhiệt độ trên 650 độ C. Đây đều là chất có khả năng gây ung thư. Vì thế, nếu ăn nhiều đồ nướng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe”, ông Thịnh cho biết.
Còn theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, khi chưa chắc chắn về chất lượng thực phẩm, người tiêu dùng không nên sử dụng thực phẩm tại những nơi không bảo đảm vệ sinh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần công khai và xử phạt những cơ sở không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi bị kiểm tra để người dân biết và lựa chọn. “Nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân, tránh mắc các bệnh về đường ruột, Sở Y tế có văn bản chỉ đạo, yêu cầu lực lượng chức năng chuyên ngành ở các địa phương nâng cao trách nhiệm và tập trung thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các hộ kinh doanh thức ăn đường phố, đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân nên thận trọng với thức ăn đường phố, nhất là vào mùa nắng nóng”, ông Trần Văn Chung nói.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy từ đầu năm đến tháng 8/2019, toàn quốc đã xảy ra 42 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.372 người mắc, 1.361 người phải nhập viện, 9 người tử vong. Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo khi chưa chắc chắn về chất lượng thực phẩm, người tiêu dùng không nên sử dụng thực phẩm tại những nơi không bảo đảm vệ sinh. Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc có nguyên nhân từ thức ăn đường phố, cơ quan chức năng cần quy hoạch các khu ăn uống cho người bán hàng, đồng thời tăng cường kiểm tra chất lượng thực phẩm vỉa hè, kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm an toàn thực phẩm.
Trương Vân