Đo lường trong y tế – giảm tác động của đại dịch Covid-19

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Tám 5, 2021 | 14:08 - Lượt xem: 877

 Trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, lĩnh vực đo lường đã làm giảm tác động của đại dịch, đảm bảo tính chính xác trong việc sử dụng các công cụ đo lường trong y tế.

Đo lường là một phần quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của con người, chúng có vai trò rất quan trọng trong phòng trách dịch bệnh, phát hiện triệu chứng và chăm sóc ý tế. Trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, lĩnh vực đo lường đã làm giảm tác động của đại dịch và đảm bảo tính chính xác trong sử dụng các công cụ đo lường trong y tế.

Theo Tiến sỹ Ismail Al-Falehđo – Tổng giám đốc Trung tâm Đo lường và Hiệu chuẩn Quốc gia tại Ả Rập Xê Út, việc tăng cường sử dụng vi điện tử giúp tỷ lệ chính xác cao hơn trong công cụ đo lường. Các kỹ thuật đo ngày nay phải đáp ứng nhu cầu về độ chính xác, tính linh hoạt và tốc độ ngày càng cao. Vì vậy, đo lường trở nên quan trọng hơn khi công nghệ nano, công nghệ vi mô tiến bộ, vì các hoạt động đo lường đòi hỏi hiệu suất ngày một cao hơn.

Bên cạnh đó, đo lường cũng giảm nhu cầu kiểm tra bằng kỹ thuật kiểm soát chất lượng thống kê, điều này đồng nghĩa với việc các chuyên gia y tế sẽ tiết kiệm được thời gian thực hiện xét nghiệm, nhận kết quả chính xác và nhanh chóng, đồng thời làm giảm chi phí quá trình xét nghiệm, tăng năng suất cho bệnh viện và phát hiển được triệu chứng nhanh hơn.

Thông qua việc xác định đúng liều lượng và tính toán bức xạ, đo lường có đóng góp đáng kể cho sự an toàn của con người, các quy trình và phương pháp y tế có thể bị tê liệt nếu không có phương pháp đo lường.

Như vậy, có thể thấy đo lường có sức ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động y tế và đảm bảo tính chính xác của kết quả kiểm tra y tế.

Theo ông Anthony Donnellan – Giám đốc Văn phòng Đo lường pháp định quốc tế, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy rất nhiều tổ chức quốc tế trong đó có Tổ chức Đo lường Hợp pháp Quốc tế (OIML) tăng cường cấp độ không chỉ về tương tác trực tuyến mà còn là sự tham vấn cho các nguyên tắc mới để phòng, chống đại dịch. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động: Đo lường hiệu chuẩn thiết bị xét nghiệm Covid, kiểm tra và lắp ráp máy thở… từ đó các Viện Đo lường quốc gia của mỗi nước thiết lập hoạt động xét nghiệm như Canada, Trung Quốc, Mỹ, và Anh.

Ngoài ra, đại dịch cũng giúp các tổ chức quốc tế về đo lường nhận định rằng đo lường cho sức khỏe là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu. 

Đo lường là lĩnh vực khoa học – kỹ thuật chính xác, là hoạt động không thể thiếu, có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế – xã hội, sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Điều này đã trở thành chuẩn mực quốc tế và ở Việt Nam được khẳng định tại Sắc lệnh số 8/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh ký năm 1950.

Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng. Đồng thời, đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khoẻ và môi trường; thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.