Đồ gia dụng chứa hợp chất bán hữu cơ bay hơi gây biến đổi hệ vi sinh vật đường ruột
Thứ Tư, Tháng Bảy 28, 2021 | 12:48
Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, hợp chất bán hữu cơ bay hơi ẩn chứa trong đồ gia dụng gia đình có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học thuộc Trường đại học Bang Washington, Mỹ đã phát hiện sự liên quan giữa mức độ các vi khuẩn và nấm hoạt động trong đường tiêu hóa của trẻ em có liên quan đến việc tiếp xúc với lượng hóa chất phổ biến được tìm thấy trong môi trường gia đình.
Các hợp chất bán hữu cơ bay hơi này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, nhất là hệ vi sinh vật trong đường ruột (bao gồm nhiều loại vi khuẩn và nấm có tác động tích cực đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng, khả năng miễn dịch của cơ thể; cũng như các vi sinh vật không lành mạnh có liên quan đến các bệnh béo phì, hen suyễn và sa sút trí tuệ).
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã đo mức độ của các hợp chất bán hữu cơ phổ biến trong máu và nước tiểu, mẫu phân của 69 trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo.
Theo đó các hợp chất bán hữu cơ dễ bay hơi mà họ đo được bao gồm: Phthalate (hóa chất được sử dụng trong chất tẩy rửa; đồ dùng bằng nhựa như áo mưa, rèm tắm… và các sản phẩm chăm sóc cá nhân như xà phòng, dầu gội đầu, keo xịt tóc) và các chất polyfluoroalkyl -PFAS (được sử dụng trong các loại vải chống ố và chống thấm nước, lớp phủ cho thảm và đồ nội thất, sản phẩm nấu ăn chống dính, chất đánh bóng, sơn và các sản phẩm tẩy rửa…).
Khi xem xét mức độ nấm và vi khuẩn trong đường ruột, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những đứa trẻ có lượng hóa chất trong máu cao hơn đã có sự thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột của chúng.
Trẻ em nhiễm hàm lượng PFAS cao trong máu sẽ bị thay đổi số lượng và sự đa dạng của vi khuẩn đường ruột. Với trẻ bị nhiễm lượng phthalate cao, quần thể nấm trong đường ruột bị giảm đáng kể.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, những đứa trẻ bị nhiễm hàm lượng hợp chất hóa học cao trong máu, thì trong đường ruột của chúng, số lượng vi khuẩn có chức năng làm sạch các hóa chất độc hại sẽ tăng cao hơn bình thường. Ví dụ như: Vi khuẩn khử halogen trong đường ruột sẽ tăng lên để xử lý sinh học và phân hủy các hóa chất halogen hóa. Những vi khuẩn này thường không được tìm thấy trong đường ruột một người bình thường, khỏe mạnh và không bị nhiễm hóa chất. Việc tìm thấy mức độ gia tăng của các loại vi khuẩn này trong ruột có nghĩa là: Hệ vi sinh vật đường ruột đang cố gắng điều chỉnh chính nó.
Phát hiện này giúp các nhà khoa học hiểu biết toàn diện hơn về sự tương tác giữa các chất hóa học trong đồ gia dụng với hệ vi sinh vật đường ruột và sức khỏe con người. Từ đó hỗ trợ cho quá trình phát triển các phương pháp điều trị phù hợp.
Liên quan tới hợp chất PFAS, các nhà nghiên cứu cho biết, đây là thành phần có trong hộp đựng thực phẩm, thuốc tẩy, vải không thấm nước còn có khả năng gây bệnh thận, ung thư.
Thế giới có khoảng 850 triệu người bị bệnh thận, gấp đôi số bệnh nhân tiểu đường và gấp 20 lần số người bệnh ung thư. Phần lớn bệnh nhân thận phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi đã suy thận nặng. Xét nghiệm đơn giản nhất giúp phát hiện sớm bệnh thận là tổng phân tích nước tiểu.
Tuần lễ Thận học ở Mỹ đã công bố kết quả nghiên cứu hợp chất polyfluoroalkyl (PFAS) có trong môi trường sống bị ô nhiễm gây hại cho thận. Đây là các hợp chất không phân hủy sinh học được dùng để nhuộm, bôi trơn trong sản phẩm tiêu dùng như dệt may, giấy, đóng gói thực phẩm. PFAS được sản xuất và sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu từ những năm 1940. Hợp chất này rất bền trong môi trường và cơ thể người, không bị phá vỡ và sẽ tích lũy theo thời gian.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy PFAS ảnh hưởng đến sức khỏe con người như gây bệnh lý ung thư, bệnh lý tuyến giáp, tăng cholesterol máu, tác dụng trên hệ miễn dịch và trẻ sơ sinh bị nhẹ cân.
An Dương (T/h)