Để sản xuất an toàn trong đại dịch, doanh nghiệp cần làm gì?
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 24, 2021 | 10:01 - Lượt xem: 906
Vừa qua, TP.HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19, các doanh nghiệp tại đây đã chủ động điều chỉnh cách thức sản xuất để phù hợp bối cảnh mới.
Tại toạ đàm “Sản xuất an toàn trong đại dịch” vừa diễn ra, PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thông tin, hiện tại đã có 88 dự án trong khu công nghệ cao với khoảng 48.000 lao động đã khôi phục lại 100% hoạt động.
Theo ông Ngân, trong các KCN, khu chế xuất, 1.408/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động với số lượng lao động lên tới trên 280.000 lao động, chỉ còn 4 doanh nghiệp, cho thấy Thành phố đã bắt nhịp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại để thực hiện nhanh các đơn đặt hàng từ khu vực Hoa Kỳ, châu Âu và các nước cho mùa đông và Giáng sinh. Kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta tiếp tục tăng cao trong thời gian vừa qua. Năm nay chúng ta kỳ vọng đạt mức kỷ lục 640 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân cũng cho biết, chúng ta thấy rằng đại dịch COVID đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt đời sống, kinh tế, xã hội, sức khỏe và tính mạng nhân dân. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy điểm nổi bật là sự chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đối với việc phòng chống dịch của TP.HCM.
Ngay từ đầu, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã cử những đoàn chỉ đạo trực tiếp công tác phòng, chống dịch tại Thành phố. Bên cạnh đó, hỗ trợ nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ từ tuyến Trung ương, đội ngũ quân y đến TP.HCM để giúp TP.HCM phòng chống dịch.
“Giải pháp quan trọng nhất mà chúng tôi đánh giá cao là dồn nguồn vaccine có được của cả nước cho TPHCM. Chính nhờ điều đó mà TPHCM là địa phương phủ vaccine mũi 1 sớm nhất và cho đến nay vaccine mũi 1 đã phủ 100%, vaccine mũi 2 đã phủ được gần 90% người từ 18 tuổi trở lên và đang triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, nguồn thuốc điều trị cũng được hỗ trợ, đặc biệt là các túi thuốc được ưu tiên cho trung tâm của điểm dịch tại TPHCM. Điều đó thể hiện trong quá trình vừa qua, TPHCM luôn nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp về nguồn lực, nhân lực, vật lực để chung sức với Thành phố”, PGS. TS Trần Hoàng Ngân nói.
Trong thời gian tới, với sự tiếp tục hỗ trợ của Trung ương, TPHCM sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để xứng đáng là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước, là trung tâm thương mại, dịch vụ KHCN, văn hóa giáo dục.
Nhắc đến những điểm nóng trong đại dịch COVID-19 vừa qua, đặc biệt là đợt dịch thứ 4, PGS. TS Trần Hoàng Ngân nói rằng, vẫn còn những nỗi đau, trong đó có sự mất mát của những người dân TPHCM. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn đến sự vươn lên, sự tìm tòi, chịu khó, vượt qua thách thức của đội ngũ doanh nhân. Lúc đấy, doanh nhân Thành phố tuy bị ảnh hưởng rất nặng nề của COVID-19, doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động nhưng đội ngũ doanh nhân chung sức, hỗ trợ nguồn lực với Thành phố để kiểm soát dịch bệnh.
Cùng lúc đó, chúng ta thực hiện các giải pháp như “3 tại chỗ”, hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”, các doanh nghiệp vẫn duy trì một số hoạt động sản xuất trong lúc có dịch, có thể hình dung là vừa duy trì sản xuất trong đại dịch. Sau khi Thành phố đã phủ được vaccine, kiểm soát được dịch bệnh thì chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt, doanh nghiệp Thành phố bắt tay vào khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại tọa đàm, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM khẳng định, đối với các DN TPHCM, đặc biệt là khối DN sản xuất là nhóm DN sử dụng nhiều lao động gặp rất nhiều khó khăn. “Chúng tôi là DN sản xuất và chúng tôi xây dựng các nhà máy, kế hoạch sản xuất kinh doanh đều có những rủi ro như rủi ro về cháy nổ, ngập lụt, an toàn lao động nhưng chưa bao giờ xây dựng rủi ro về bệnh dịch. Đó là điều không có tiền lệ và xảy ra hết sức đột ngột, không chỉ với Nam Thái Sơn mà còn tất cả DN đặc biệt là khối DN sản xuất.
Lúc đó chúng tôi “trở tay không kịp”, khi xây dựng nhà máy chúng tôi không xây dựng khu công nhân ở và trong 100 DN thì thường 30 DN mới có bộ phận y tế. Tất cả những vấn đề liên quan đến bệnh lý đều ra y tế địa phương hoặc bảo hiểm.
Do đó, việc đón nhận dịch này trong 100 ngày qua đối với DN là hết sức bất ngờ nếu không nói là khủng khiếp. Để hoạt động trở lại, bắt buộc chúng tôi phải ngồi lại, đặc biệt là những DN ở trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Chúng tôi phải quyết định hoạt động theo 3 tại chỗ’”, ông Việt Anh nói.
Việc chuẩn bị 3 tại chỗ chỉ có 1 tuần. Việc này tạo áp lực lớn cho DN và tỉ lệ lao động ở lại thực hiện 3 tại chỗ chỉ 30-40%, vậy 70% lao động còn lại như thế nào? Lúc đó họ chưa có ý định về quê và bắt buộc phải ở lại nhà trọ.
Họ ở lại khu vực nhà trọ trong phạm vi môi trường làm việc, nơi ở phải chia thành 2 ca: 1 phòng ở có 10 người, 5 người đi làm ban ngày, 5 người đi làm ban đêm, luôn luôn phục vụ 5 người. Nhưng bây giờ phòng ở 12m2 phải phục vụ 8 người. Có nghĩa là tạo áp lực rất lớn cho người đang 3 tại chỗ và người ở trọ. Các doanh nghiệp vẫn phải xoay xở bằng nhiều hình thức; thực sự các doanh nghiệp chưa bao giờ hình dung ra là vẫn sản xuất nhưng lại không được lưu thông. Các doanh nghiệp vẫn sản xuất nhưng nhận vật tư vào để sản xuất rất khó. Các doanh nghiệp sản xuất ra hàng nhưng lại không giao hàng được. Đó là việc rất khó khăn nhưng cũng là trải nghiệm lớn.
Qua đợt dịch này các DN đều hiểu rằng tái cấu trúc là bắt buộc và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc, làm việc trực tuyến và trực tiếp. Điều này là bài học có giá phải trả nhưng cũng đúc kết được nhiều điều.
Với cơn bão này giúp sàng lọc cộng đồng DN, đặc biệt là DN sản xuất. DN nào vượt qua được là vượt qua được luôn. Đây là trải nghiệm mà trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước thì chỉ có DN TPHCM thấm nhất.
Đây là tín hiệu hy vọng rằng khi trở lại làm việc an toàn, sống chung với dịch thì DN TPHCM, đặc biệt là khối DN sản xuất với hàng trăm ngàn lao động trong KCN&KCX cùng hàng triệu lao động ngoài KCN&KCX, đã chuẩn bị tâm thế kỹ và vững vàng mặc dù đã có những mất mát và thiệt hại lớn.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân phân tích và kiến nghị, phải thừa nhận rằng dịch bệnh chưa biến mất mà còn thêm biến thể mới, trong những ngày qua thế giới đang phải đối diện với biến chủng mới Omicron, chúng ta chưa có đủ thời gian để đánh giá sự nguy hiểm của chủng mới này. Điều ta ước ao là biến chủng Omicron sẽ không quá nặng nề và mong rằng sẽ đến ngày chúng ta không còn dịch bệnh nữa, kiểm soát được hoàn toàn dịch bệnh khi đó kinh tế sẽ phục hồi rất nhanh. Để ước mơ này thành hiện thực chúng ta phải chống dịch tốt.
Về y tế cơ sở, TPHCM là đô thị đặc biệt rất đông dân, mật độ dân số rất cao trên 4.500 người/km2. Vừa qua, Sở Y tế đã trình thành phố phương án chống dịch sắp tới trong đó có nội dung quan trọng là nâng cao năng lực y tế cơ sở, đây là điều y tế cơ sở rất cần sự chia sẻ từ trung ương về việc bổ sung nhân lực. Về nhân lực y tế cơ sở hiện nay, có phường xã 10.000 dân có 10 cán bộ y tế, nhưng cũng có phường xã 150.000 dân cũng chỉ có 10 cán bộ y tế, như vậy sẽ không đảm bảo. Rất cần chính sách thu hút nhân lực về đơn vị y tế cơ sở hiện nay.
“Bên cạnh đó, doanh nghiệp hiện nay không chỉ khó khăn về phòng chống dịch bệnh mà còn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Được biết hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, tôi cho rằng đây là gói hỗ trợ hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp cần tiếp tục được miễn, giảm thuế phí; cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ kéo dài đến hết năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn lãi suất thấp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang phải chịu chi phí logistic đang rất cao do hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức. Do đó, tôi cho rằng Chính phủ nên tăng thêm gói đầu tư công để đầu tư về hạ tầng để tháo gỡ nút thắt ra vào sân bay, bến cảng để giảm bớt chi phí logistic”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân bày tỏ.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân cũng kiến nghị, việc sản phẩm làm ra không tiêu thụ được mà các doanh nghiệp vừa nói đến là do tổng cầu giảm. Chính phủ nên đề nghị Quốc hội thông qua gói hỗ trợ thu nhập cho nhân dân, cho người lao động, hộ nghèo, gia đình có người mắc COVID-19. Việc này sẽ làm tăng tổng cầu, cũng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
Theo VietQ