Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc gia tăng sức cạnh tranh và tạo niềm tin với người tiêu dùng

Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Năm 27, 2025 | 14:40 - Lượt xem: 155

Triển khai đồng bộ hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là với nông sản và sản phẩm OCOP, tỉnh Hà Nam đang góp phần chuẩn hóa chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị hàng hóa và đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường.

Trong xu thế tiêu dùng hiện nay, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc và quy trình sản xuất của sản phẩm, nhất là nhóm hàng nông sản, thực phẩm. Tại Hà Nam, việc tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất triển khai truy xuất nguồn gốc đã được các cấp, ngành tập trung thực hiện, góp phần tạo dựng niềm tin với thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Hà Nam đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng QR Code.

Thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg về Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng giai đoạn 2021-2030, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ dán hơn 275.000 tem truy xuất nguồn gốc cho hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp; đồng thời hướng dẫn chuẩn hóa quy trình sản xuất, mã hóa thông tin và tích hợp dữ liệu lên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm của tỉnh.

Theo đại diện Sở, việc truy xuất nguồn gốc không chỉ hỗ trợ tiêu thụ nội địa mà còn là yêu cầu bắt buộc khi mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP đều quy định chặt chẽ về xuất xứ và minh bạch hóa chuỗi cung ứng.

Tiêu biểu như Hợp tác xã Nông sản sạch Bảo An (huyện Lý Nhân), mỗi năm thu mua hàng chục tấn rau, củ, quả từ các đơn vị trong khu vực, toàn bộ sản phẩm đều được kiểm soát chất lượng đầu vào và dán tem QR Code để truy xuất nguồn gốc. Việc minh bạch thông tin không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra quy trình sản xuất mà còn gia tăng giá trị thương phẩm và năng lực cạnh tranh.

Tương tự, Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam (TP. Phủ Lý) đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP như bún, phở, miến, bánh tráng từ chùm ngây. Đại diện doanh nghiệp cho biết, ngoài thiết kế bao bì, đăng ký mã vạch và mã QR Code, công ty còn cung cấp đầy đủ thông tin hướng dẫn sử dụng, bảo quản và giá trị dinh dưỡng để người tiêu dùng tra cứu thuận tiện, đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn phân phối tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và sàn thương mại điện tử.

Trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về lợi ích của truy xuất nguồn gốc; đồng thời tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn để xây dựng chuỗi cung ứng an toàn có ứng dụng hệ thống truy xuất. Đây là bước đi cần thiết nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng của sản phẩm hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Duy Trinh