Đẩy mạnh hoạt động triển khai chương trình so sánh liên phòng thí nghiệm về đo lường
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Năm 30, 2022 | 11:57 - Lượt xem: 1578
So sánh liên phòng là hoạt động không thể thiếu trong việc duy trì hệ thống quản lý theo ISO/IEC 17025 và hoạt động quản lý nhà nước về đo lường. So sánh liên phòng và thử nghiệm thành thạo là công việc hết sức quan trọng trong hoạt động đo lường, thử nghiệm, nó diễn ra dưới các cấp độ khác nhau phục vụ từng mục đích cụ thể.
Chương trình so sánh liên phòng thí nghiệm về đo lường nằm trong khuôn khổ Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo kế hoạch, từ tháng 4/2022, Viện Đo lường Việt Nam bắt đầu triển khai, Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 1, Trung tâm Đo lường thuộc Cục TCĐLCL – Bộ Quốc phòng đã bàn giao, tiếp nhận và tiến hành hiệu chuẩn đối với chuẩn so sánh thuộc các lĩnh vực điện, dung tích, điện.
Cụ thể, gồm Công tơ điện 220 V cấp chính xác 0,1; Bình chuẩn kim loại dung tích 10 L, Áp kế chuẩn điện tử có phạm vi đo từ 0 bar đến 700 bar theo các thủ tục, chuẩn mực phù hợp ISO/IEC 17025. Theo đó, độ không đảm bảo đo của mỗi phòng thí nghiệm tham gia tính toán theo yêu cầu thủ tục kỹ thuật thống nhất giữa các phòng thí nghiệm và báo cáo kết quả so sánh với đơn vị chủ trì sau khi hoàn thành các phép đo.
Ngày 27/5/2022, Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 2 đã tiếp nhận mẫu chuẩn công tơ điện và trước đó là Bình chuẩn kim loại. Theo kế hoạch trong tháng 6, các chuẩn so sánh tiếp tục được hiệu chuẩn sau đó chuẩn này được chuyển đến Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 3 để so sánh. Dự kiến chương trình sẽ kết thúc trong tháng 8 năm 2022.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang triển khai Chương trình so sánh liên phòng cùng sự tham gia của Trung tâm Kỹ thuật 1, 2, 3 và Trung tâm đo lường thuộc Cục TCĐLCL – Bộ Quốc phòng. Mục đích của chương trình so sánh liên phòng nhằm đánh giá mức độ, khả năng đo, hiệu chuẩn của các phòng thí nghiệm và phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước về đo lường trong lĩnh vực điện, áp suất, dung tích. Chương trình bắt đầu thực hiện trong năm 2022, được đánh giá sẽ là điểm nhấn nâng cao năng lực khả năng đo hiệu chuẩn của các đơn vị kỹ thuật thuộc Tổng cục TCĐLCL và Trung tâm Đo lường thuộc Cục TCĐLCL – Bộ Quốc phòng với sự dẫn đầu của Viện Đo lường Việt Nam (Pilot). |
Trung Dũng