Đẩy mạnh công tác xác minh tài sản, thu nhập nhằm ngăn ngừa, phát hiện tham nhũng

Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Chủ Nhật, Tháng Một 14, 2024 | 18:03 - Lượt xem: 627

Kiểm soát tài sản, thu nhập trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một chế định mới quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 và xác minh tài sản, thu nhập được coi là khâu thiết yếu của quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập. Việc xác minh tài sản, thu nhập (TSTN) nhằm ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng (nếu có) đối với người có nghĩa vụ kê khai.

Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Nghị định số 130/2020/NĐ-CP) đã có những quy định chi tiết, cụ thể hơn về việc xác minh TSTN của người có nghĩa vụ kê khai.

Theo quy định của Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, hằng năm, trước ngày 31/01, người đứng đầu Cơ quan kiểm soát TSTN phê duyệt nội dung và ban hành kế hoạch xác minh. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành, cơ quan kiểm soát TSTN tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn có thể được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Đây là một trong những căn cứ để xác minh TSTN và cũng một quy định mới được bổ sung trong Luật PCTN năm 2018 nhằm tăng cường ý thức tuân thủ trong kê khai và minh bạch TSTN của người có nghĩa vụ kê khai.

Xác minh TSTN liên quan đến nhiều quy định về sở hữu, quản lý, sử dụng, chuyển giao tài sản, tài chính. Xác minh TSTN của người có chức vụ, quyền hạn là hoạt động hành chính nhưng cũng phải tuân thủ những nguyên tắc của pháp luật dân sự bởi vì mục đích xác minh TSTN là nhằm đánh giá sự trung thực của người có chức vụ, quyền hạn phục vụ công tác quản lý cán bộ, phát hiện xung đột lợi ích, thu nhập bất minh giúp phát hiện tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Vì vậy, khi tiến hành xác minh TSTN việc nắm vững, quán triệt đầy đủ các nguyên tắc về kiểm soát TSTN đảm bảo công khai, minh bạch, đúng phạm vi thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; đánh giá, kết luận phải khách quan, công bằng, tôn trọng quyền của các chủ thể có liên quan là điều vô cùng quan trọng.

Theo quy định hiện nay, Thanh tra Chính phủ kiểm soát TSTN của người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát TSTN của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp thuộc diện kiểm soát của Thanh tra Chính phủ.

Bên cạnh thẩm quyền kiểm soát TSTN thực hiện theo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan của Đảng các cấp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan kiểm soát TSTN có quyền hạn sau đây:

– Yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan, giải trình khi có biến động tăng về TSTN từ 300.000.000 đồng trở lên so với TSTN đã kê khai lần liền trước đó hoặc để phục vụ việc xác minh TSTN.

– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin về TSTN của người có nghĩa vụ kê khai để phục vụ việc xác minh TSTN.

– Xác minh TSTN và kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát TSTN.

– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đang quản lý TSTN áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch TSTN hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh TSTN.

– Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền định giá, thẩm định giá, giám định TSTN phục vụ việc xác minh.

Để phục vụ công tác kiểm soát TSTN, người được xác minh TSTN có các quyền và nghĩa vụ như sau:

– Giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của TSTN tăng thêm.

– Cung cấp thông tin liên quan đến nội dung xác minh khi có yêu cầu của Tổ xác minh TSTN và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đã cung cấp.

– Thực hiện đầy đủ, kịp thời yêu cầu củaTổ xác minh TSTN, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình xác minh TSTN.

– Chấp hành quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về kiểm soát TSTN.

– Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong xác minh TSTN khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợiích hợp pháp của mình.

– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong xác minh TSTN.

– Được phục hồi danh dự, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của người xác minh TSTN gây ra theo quy định của pháp luật.

Từ những quy định nêu trên, thực hiện kiểm soát TSTN hiệu quả là giải pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, phù hợp với chủ trương mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Vì vậy, khi những quy định của Luật PCTN và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP được các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Lê Bích Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra