Dấu ấn chất lượng tạo ra giá trị đích thực cho thương hiệu

Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Sáu 20, 2019 | 10:49 - Lượt xem: 1710

Dưới góc nhìn thương hiệu, chuyên gia Võ Văn Quang cho rằng, xây dựng thương hiệu không phải chỉ làm nhãn mác mà còn dựa vào sự thấu hiểu khách hàng, đặc biệt phải tạo ra dấu ấn riêng bằng chất lượng, đó mới là tạo ra giá trị đích thực.

Là chuyên gia hàng đầu về am hiểu marketing chiến lược có trên 25 năm kinh nghiệm marketing quốc tế, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang đã chia sẻ về góc nhìn vai trò của các danh hiệu giải thưởng đối với thương hiệu của doanh nghiệp.

Thưa ông, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm đến xây dựng thương hiệu từ khi nào và đâu là yếu tố căn bản để một thương hiệu phát triển bền vững?

Nếu lấy dấu mốc thương hiệu Cà phê Trung Nguyên thì doanh nghiệp Việt Nam làm quen với thương hiệu trong một chặng đường khoảng 20 năm. Khi đó chúng tôi đã đóng góp rất nhiều trong việc tuyên truyền quảng bá và huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực quản trị thương hiệu để doanh nghiệp Việt Nam nhận thức vai trò của Thương hiệu trong nền kinh tế hội nhập. WTO 2006 cũng là một dấu mốc quan trọng khi doanh nghiệp Việt đứng trước cơ hội thách thức hội nhập với thế giới. Tuy nhiên cũng đã có sự hiểu biết sai lệch về thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp đang nhầm lẫn thương hiệu bằng sự nổi tiếng, thiếu tính chuyên nghiệp và thiếu chiến lược Marketing dựa trên nghiên cứu thị trường, nghiên cứu người tiêu dùng và thách thức cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp nhanh chóng hài lòng với những kết quả ban đầu và không dự báo hay nắm bắt những xu hướng mới cả về thị trường và nhất là về công nghệ. Mô hình quản trị doanh nghiệp Việt nam còn đi lệch giữa 2 thái cực, một là doanh nghiệp sở hữu nhà nước và hai là doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ theo mô hình gia đình. Điều đó tác động ảnh hưởng đến hiệu quả quản trị doanh nghiệp nhất là mô hình cân bằng giữa năng suất và chất lượng định hướng bởi marketing để xây dựng thương hiệu phát triển bền vững.

Xây dựng thương hiệu không phải là chỉ làm nhãn mác mà còn dựa vào sự thấu hiểu khách hàng và đặc biệt phải tạo ra dấu ấn riêng bằng chất lượng, đó mới là tạo ra giá trị đích thực. Thương hiệu chỉ có giá trị khi được càng nhiều khách hàng chấp nhận, hài lòng, thậm chí phải hài lòng đến từng chi tiết từ sản phẩm đến dịch vụ, thậm chí họ hài lòng đến mức sẵng sàng giới thiệu cho bạn bè mua sử dụng. Thương hiệu còn phải liên tục duy trì nỗ lực để vượt trên đối thủ, khác biệt so với đối thủ, không ngừng cạnh tranh.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là giải thưởng danh giá nhất về chất lượng, các doanh nghiệp đạt giải thưởng này khẳng định thêm một lần nữa về chất lượng vượt trội trong sản xuất, kinh doanh và dịch  vụ. 

Hiện nay có rất nhiều phương án để một doanh nghiệp có thể tiếp cận để phát triển thương hiệu, trong đó có việc tham gia các giải thưởng. Vậy các danh hiệu có thể khẳng định được thương hiệu của doanh nghiệp hay không?

Một giải thưởng có uy tín là nhờ vào những tiêu chí và tiêu chuẩn đánh giá minh bạch, hiện đại và khoa học và để đạt được giải thưởng này là sự khẳng định cho kết quả nỗ lực không ngừng nghỉ của doanh nghiệp. Đạt được danh hiệu của giải thưởng uy tín chắc chắn giúp cho thương hiệu của doanh nghiệp ngày càng được khẳng định hơn.

Đạt danh hiệu của giải thưởng uy tín cũng góp phần quảng bá rộng rãi một cách chân thực đối với người tiêu dùng, tin tưởng vào quyết định mua hàng của mình, từ đó giúp doanh nghiệp tiếp tục phát triển và thành công, đồng thời doanh nghiệp cũng không ngừng phấn đấu để gìn giữ lòng tin của khách hàng.

Tuy nhiên, ở góc độ thương hiệu của các giải thưởng bên cạnh việc xây dựng tiêu chí đánh giá nghiêm túc và chuyên nghiệp, danh hiệu giải thưởng theo tôi cũng cần phải có một Nhận diện danh hiệu ấn tượng và Quy chế quản lý Nhận diện, quản lý gắn nhãn, và quảng bá chính thương hiệu danh hiệu giải thưởng rộng khắp, cả trong và ngoài nước. 

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang

Bên cạnh đó, những cá nhân hay cơ quan khi thiết lập một giải thưởng cũng cần thiên về đánh giá chất lượng bên trong hơn là vẻ đẹp bên ngoài, cho dù cả 2 chất lượng và tính thẩm mỹ đều quan trọng. Cũng cần thiên về đánh giá hàm lượng giá trị công nghệ, kiểu dáng và nhất là tính chuyên nghiệp trong quản trị chất lượng toàn diện và quản trị hệ thống từ sản xuất đến kinh doanh phân phối, cho dù quảng cáo cũng là một yếu then chốt để phát triển.

“Với hàng loạt các giá trị thể hiện ở các tiêu chí xét giải, doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng Quốc gia chính là các nhân tố để làm nên một thương hiệu Made in Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay”. Chuyên gia Võ Văn Quang nhận định

Là một chuyên gia về thương hiệu ông nhận định như thế nào về vai trò của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đối với phát triển thương hiệu quốc gia nói chung và doanh nghiệp nói riêng?

Uy tín của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đã được khẳng định sau nhiều năm trong việc chọn lựa những doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng và hàm lượng công nghệ cao. Tôi đã có dịp đồng hành với doanh nghiệp đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia như Công ty CP Nam Dược nên rất thấu hiểu giá trị của giải thưởng danh giá này đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Về thương hiệu quốc gia, đây là một tập hợp các thương hiệu sản phẩm có uy tín và chất lượng cao, đó là nền tảng vững chắc cho chiến lược hội nhập từng bước vững chắc chinh phục thị trường thế giới. Nhiều thương hiệu mạnh, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chất lượng tốt sẽ góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam, từ đó khẳng định vị thế của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Với hàng loạt các giá trị thể hiện ở các tiêu chí xét giải, doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng Quốc gia chính là các nhân tố để làm nên một thương hiệu Made in Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Và để thúc đẩy thương hiệu cũng như uy tín của giải thưởng Chất lượng Quốc gia, tôi cho rằng Bộ KH&CN cần hợp tác với Bộ Ngoại giao thúc đẩy marketing xứng tầm quốc gia và quốc tế, đó là phối hợp tiếp thị sản phẩm của các doanh nghiệp đạt giải một cách xứng tầm trong mạng lưới Lãnh sự, Sứ quán Việt Nam khắp thế giới để quảng bá cho sản phẩm đỉnh cao của Việt Nam để bạn bè đối tác biết đến sản phẩm tốt của Việt Nam nhiều hơn nữa.

Với nền tảng là 7 tiêu chí dựa trên nguyên tắc, nguyên lý và phương pháp quản lý hiện đại, ông có cho rằng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia trở thành bệ đỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu hơn, cạnh tranh tốt hơn khi tham gia vào thị trường quốc tế hay không?

Tôi có dịp tham khảo mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Hoa Kỳ (Malcolm Baldrige) từ 2012 khi tham gia tư vấn thương hiệu cho Nam Dược và rất tâm đắc về chuyên môn của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Việt Nam. Với mô hình 7 tiêu chí tham khảo từ Hoa Kỳ, chúng tôi kỳ vọng những người trực tiếp đánh giá thực sự công minh trong quá trình bình chọn đánh giá, được như vậy chắc chắn sẽ bình chọn những sản phẩm và doanh nghiệp có chất lượng xứng tầm quốc gia và quốc tế.

Có thể nói đây là một tiêu chí toàn diện phản ảnh từ chất lượng sản phẩm đến chất lượng hệ thống và cả quản trị thị trường và thương hiệu. Thậm chí nếu so sánh với bộ tiêu chí của Vietnam Values tôi còn thấy ưu việt hơn.

Nếu biết kết hợp hài hoà với các chương trình ‘khuyến công’ và marketing công nghệ ở tầm quốc tế, tôi tin rằng đây sẽ là một trong tập hợp thương hiệu chứng nhận quốc gia có giá trị và tiêu biểu cho uy tín của Việt Nam. Chẳng hạn Bộ KH&CN chủ động xây dựng các hoạt động sự kiện quảng bá ở một số thị trường tiêu biểu, tham khảo và xây dựng mô hình ‘sản giao dịch công nghệ’ quốc tế cho Việt Nam, và thúc đẩy hơn nữa các hình thức triển lãm và ‘roadshow công nghệ’… thì sẽ tạo những hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ và kết nối hiệu quả hơn, hoàn thiện hơn nữa ‘chuỗi cung ứng’ từ nghiên cứu (R&D) đến sản xuất và ra thị trường. Từ đó giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn khi vào thị trường quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Anh