Đáp ứng tiêu chuẩn xanh khi xuất khẩu hàng hóa sang EU
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Bảy, Tháng Mười Một 19, 2022 | 10:51 - Lượt xem: 286
Trong bối cảnh EU đang đặc biệt nhấn mạnh những tiêu chuẩn về xanh, sạch, nhân văn… thì vấn đề lao động và những vấn đề khác như thuế CBAM (thuế carbon) cho thấy hiện nay để đáp ứng tiêu chuẩn của EU không chỉ là thách thức đối với những doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu sang EU mà cũng là thách thức với cả những doanh nghiệp từng có kinh nghiệm ở EU.
Sau 2 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thực thi, EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khảo sát mới đây của VCCI với chủ đề “Việt Nam sau hai năm thực thi EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” cho thấy, trong hai năm đầu thực thi EVFTA kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình khoảng 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn mức trung bình năm của giai đoạn 2016 – 2019 (33,5 tỷ USD/năm) và tăng hơn 24% (tương đương cao hơn 1/4), rõ ràng chúng ta đã thấy có sự cải thiện ở thị trường này. Cứ 10 doanh nghiệp thì có 4 doanh nghiệp đã từng tận dụng được lợi ích nào đó từ hiệp định này, trong đó có những lợi ích về xuất nhập khẩu.
Qua quá trình làm việc, tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, ông Phạm Đình Thưởng – Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định thương mại tự do KTP (KTPC) cho biết, nhờ những hoạt động tuyên truyền của Bộ Công Thương, VCCI… hiện nay nhận thức của doanh nghiệp đối với các hiệp định FTA nói chung và EVFTA nói riêng tăng lên rất nhiều.
Song song với sự cải thiện về tận dụng EVFTA và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU, theo các chuyên gia, còn nhiều vấn đề chúng ta chưa làm được.
Cụ thể, “Xét về tỷ trọng thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, cách đây khoảng 10 năm đâu đó khoảng 19% đến gần 20% nhưng sau đấy giảm dần và đến năm 2021 vừa rồi tỷ trọng chỉ còn khoảng 12%. Rõ ràng mặc dù kim ngạch tăng lên nhưng tốc độ tăng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu Việt Nam đi tất cả các thị trường khác trên thế giới”, bà Trang nêu vấn đề và cho rằng chúng ta đã làm tốt nhưng so với kỳ vọng, tiềm năng thì vẫn cần cố gắng hơn nữa.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay EU đang đặc biệt nhấn mạnh những tiêu chuẩn về xanh, sạch, nhân văn… thì vấn đề lao động và những vấn đề khác như thuế CBAM (thuế carbon) cho thấy hiện nay để đáp ứng tiêu chuẩn của EU không chỉ là thách thức đối với những doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu sang EU mà cũng là thách thức với cả những doanh nghiệp từng có kinh nghiệm ở EU, bởi vì tiêu chuẩn đang thay đổi và yêu cầu cao hơn.
Cũng theo khảo sát của VCCI, yếu tố cản trở các doanh nghiệp tận dụng những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do nói chung và EVFTA nói riêng, ngoài yếu tố lớn nhất là các biến động và sự bất định của thị trường (yếu tố ngoài thân khó kiểm soát được) thì yếu tố lớn nhất, cản trở lớn nhất chính là năng lực cạnh tranh hạn chế của doanh nghiệp.
Theo VietQ