Đào tạo tiêu chuẩn ISO/IEC 42001:2023 về hệ thống quản lý trí tuệ nhân tạo
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Bảy 5, 2024 | 17:22 - Lượt xem: 402
Ngày 5/7, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia phối hợp cùng BSI tổ chức khóa đào tạo ISO/IEC 42001:2023 – Các yêu cầu về hệ thống quản lý AI.
Tham dự khóa đào tạo có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCLQG cùng đại diện các đơn vị thuộc Ủy ban tham dự theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Mục tiêu của khóa đào tạo giúp học viên mô tả được hệ thống quản lý trí tuệ nhân tạo (AIMS) là gì; Xác định các lợi ích của AIMS; Đạt được sự hiểu biết về các yêu cầu của AIMS bằng cách sử dụng khuôn khổ có hệ thống để quản lý việc cung cấp hoặc sử dụng các sản phẩm hoặc dịch vụ sử dụng hệ thống AI; Xác định yêu cầu chính của ISO/IEC 42001; Xác định các khái niệm, các nguyên tắc và cấu trúc chính; Giải thích lịch sử và sự phát triển của ISO/IEC 42001; Nhận biết các thuật ngữ và định nghĩa được sử dụng.
Tại khóa đào tạo, chuyên gia BSI đã có phần chia sẻ về Hệ thống quản lý trí tuệ nhân tạo (AIMS) ISO/IEC 42001. Theo đó, AIMS là việc tuân thủ và quy định: Đảm bảo tuân thủ yêu cầu pháp lý liên quan đến AI; Khung có cấu trúc: Một phương pháp được thiết lập để thiết kế, triển khai và giám sát các giải pháp AI;
Liên kết chiến lược: Đảm bảo các sáng kiến AI phù hợp với mục tiêu của tổ chức; Tuân thủ đạo đức: Ưu tiên các hoạt động AI công bằng, minh bạch và có đạo đức; Quản lý rủi ro: Đánh giá và giảm thiểu các thách thức tiềm ẩn liên quan đến AI; Cải tiến liên tục: Cách tiếp cận lặp đi lặp lại.
Khóa đào tạo thu hút đông đảo học viên tham dự.
Cũng theo vị này, AI đã nhanh chóng thâm nhập vào nhiều ngành công nghiệp, bao gồm chăm sóc sức khỏe, quốc phòng, vận tải, tài chính, dịch vụ nhân sự, năng lượng, viễn thông và tiếp thị, mang lại vô số lợi ích. Bằng cách đạt được chứng nhận hệ thống quản lý theo ISO/IEC 42001, các tổ chức thể hiện trạng thái áp dụng sớm của mình, có thể đạt lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, được hỗ trợ cho các vấn đề của chính phủ và thể hiện cam kết đối với hoạt động AI có trách nhiệm, đáng tin cậy cũng như AI có đạo đức, minh bạch, có trách nhiệm phát triển và sử dụng.
ISO/IEC 42001 là tiêu chuẩn quốc tế quy định yêu cầu để thiết lập, triển khai, duy trì và liên tục cải tiến AIMS trong tổ chức. Nó được thiết kế cho các thực thể cung cấp hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ dựa trên AI, đảm bảo việc phát triển và sử dụng hệ thống AI một cách có trách nhiệm.
Hệ thống quản lý AI được quy định trong ISO/IEC 42001 là tập hợp các yếu tố tương tác hoặc liên quan của một tổ chức nhằm thiết lập các chính sách và mục tiêu, quy trình để đạt mục tiêu đó, liên quan đến việc phát triển, cung cấp hoặc sử dụng có trách nhiệm các hệ thống AI. ISO/IEC 42001 quy định các yêu cầu và cung cấp hướng dẫn để thiết lập, triển khai, duy trì và liên tục cải thiện hệ thống quản lý AI trong bối cảnh của một tổ chức.
Mục tiêu của ISO/IEC 42001 là cung cấp hướng dẫn toàn diện cho các tổ chức về cách sử dụng trách nhiệm và hiệu quả công nghệ AI, ngay cả khi công nghệ này đang phát triển nhanh chóng. Tiêu chuẩn này được thiết kế để bao quát các khía cạnh khác nhau của trí tuệ nhân tạo và ứng dụng khác nhau mà một tổ chức có thể đang triển khai, cung cấp phương pháp tích hợp để quản lý các dự án AI, từ đánh giá rủi ro đến xử lý hiệu quả các rủi ro này.
Hà My