Đào tạo nguồn nhân lực về cải tiến năng suất – Giải pháp phát triển bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Mười Hai 4, 2018 | 15:23 - Lượt xem: 2211
Nhiệm vụ thuộc Chương trình 712 đã đào tạo được 251 chuyên gia Lean 6 Sigma trình độ đai vàng, 135 Chuyên gia Lean 6 Sigma đai xanh. Trong suốt quá trình đào tạo, học viên đã được các chuyên gia giàu kinh nghiệm truyền đạt những kiến thức cơ bản về Lean Six Sigma, các phương pháp và công cụ triển khai Lean Six Sigma để thực hiện cải tiến sau này, song song với học lý thuyết trên lớp, học viên đã được đi thực tế tại doanh nghiệp để tích lũy thêm được kinh nghiệm giúp ích cho việc ứng dụng cải tiến tại khu vực do mình quản lý.
Để duy trì lợi thế cạnh tranh trong thời đại toàn cầu, đồng thời bắt kịp xu hướng của mới trên thế giới, nhiều công ty và doanh nghiệp đã biết đến việc sử dụng các phương pháp nâng cao năng suất chất lượng. Tiêu biểu trong số đó là Lean Six Sigma – một công cụ cải tiến đột phá quá trình sản xuất kinh doanh. Lean Six Sigma là sự kết hợp hai mô hình sản xuất bao gồm Lean và Six Sigma, trong khi Lean tập trung vào vấn đề giảm lãng phí thì công cụ Six Sigma giúp ổn định quá trình, tăng chất lượng, cải thiện năng suất.
Áp dụng Lean Six Sigma, các doanh nghiệp sẽ có thể đạt được 7 lợi ích vàng cho sự tăng trưởng của mình, đó là giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí quản lý, gia tăng sự hài lòng khách hàng, giảm thời gian sản xuất, giao hàng đúng hẹn, dễ dàng mở rộng sản xuất và văn hóa tổ chức của công ty chuyển sang hình thức tiếp cận có hệ thống trong việc giải quyết vấn đề và một thái độ chủ động với ý thức trách nhiệm giữa các nhân viên.
Lợi ích của Lean Six Sigma đem đến cho một tổ chức, doanh nghiệp là điều có thể thấy rõ, do đó, Lean Six Sigma được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm cũng như hoạt động đào tạo về công cụ này đang được nhiều tổ chức tư vấn, đào tạo đẩy mạnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo đội ngũ chuyên gia Lean Six Sigma có thể tiến hành triển khai các dự án cải tiến tại doanh nghiệp mình.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp được tiếp cận và triển khai áp dụng Lean Six Sigma còn hạn chế. Số lượng cán bộ có kỹ năng tốt về tính toán, nhất là công cụ kiểm soát quá trình bảng thống kê để thực hiện dự án cải tiến còn ít. Bên cạnh đó, Lean Six Sigma tập trung nhiều vào công thức tính, đa phần khá khó hiểu và nếu chỉ đào tạo về lý thuyết, việc học viên có thể áp dụng công cụ này vào các dự án cải tiến của doanh nghiệp sẽ không thực sự hiệu quả.
Năm 2017-2018, thực hiện Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, Viện Năng suất Việt Nam chủ trì xây dựng chương trình đào tạo, tài liệu đào tạo cùng với tổ chức đào tạo cho chuyên gia về Lean Six Sigma tại 03 khu vực: miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Các học viên thực hành khảo sát hoạt động sản xuất tại Công ty CP sản xuất Túi nhựa Hà Nội
Tính đến thời điểm hiện tại, Viện Năng suất Việt Nam đã tiến hành đào tạo được 251 chuyên gia Lean 6 Sigma trình độ đai vàng, 135 Chuyên gia Lean 6 Sigma đai xanh. Trong suốt quá trình đào tạo, để học viên nắm bắt nhanh kiến thức về Lean 6 Sigma, từ đó vận dụng vào chính công việc của học viên, Viện Năng suất Việt Nam sử dụng các chuyên gia giàu kinh nghiệm để giảng dạy và ứng dụng phương pháp lấy học viên làm trung tâm – thực hành là chính. Học viên được trải nghiệm các công cụ Lean 6 Sigma với 60% thời lượng thảo luận và thực hành thực tế thông qua: Trò chơi mô phỏng; Thảo luận và trình bày nhóm; Ứng dụng/thực hành tư vấn thực tế tại các doanh nghiệp điểm được lựa chọn và tại chính doanh nghiệp của học viên dưới sự hướng dẫn của giảng viên.
Theo Viện Năng suất Việt Nam (VNPI)