Đánh giá về sản xuất thông minh ở các nước thành viên APO
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Ba 19, 2021 | 14:13 - Lượt xem: 765
Với mục tiêu đánh giá, lập hồ sơ mức độ hoạch định chính sách thực hiện và áp dụng sản xuất thông minh ở các nước thành viên, chuyên gia năng suất của các nước đã đưa ra những đánh giá về sản xuất thông minh.
Các nước công nghiệp hàng đầu có nền kinh tế tiên tiến đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sản xuất thông minh thông qua các chiến lược cạnh tranh quốc gia của họ.
Điển hình tại Châu Á, Trung Quốc đã đề xuất “Sáng kiến Năng suất 4.0” vào năm 2015, tiếp theo là “Kế hoạch Chuyển đổi Công nghiệp 5 + 2” vào năm 2016 như một phần của chiến lược phát triển công nghệ nhằm cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực sản xuất thông minh.
Indonesia đã khởi xướng chiến lược và lộ trình của riêng mình với tên gọi ‘Making Indonesia 4.0’ để hỗ trợ triển khai sản xuất thông minh. Hay tại Thái Lan, sản xuất được coi là động lực của nền kinh tế. Theo đó, Chính phủ Thái Lan đã thiết lập chiến lược quốc gia ‘Thái Lan 4.0’ để khuyến khích các công ty sản xuất chuyển sang sản xuất tiên tiến bằng cách áp dụng kết nối, tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo (AI), bigdata…
Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực quốc gia đối phó với những thách thức do Công nghiệp 4.0 đặt ra. Sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN phê duyệt Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia quan trọng với mục tiêu “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 đến năm 2025”.
Mô hình của mạng lưới sản xuất toàn cầu và chuỗi cung ứng đang thay đổi. Việc áp dụng ngày càng tăng của AI, Internet vạn vật (IoT), phân tích, điện toán đám mây và robot đang cho phép các cấp độ sản xuất thông minh, sản xuất thông minh chưa từng có. Tuy nhiên, hầu hết các cấu trúc ngành ở các nền kinh tế APO mới nổi với dân số khổng lồ có thể chưa sẵn sàng cho việc chuyển đổi trực tiếp sang các hệ thống sản xuất vật lý mạng tiên tiến như được đề xuất trong Công nghiệp 4.0.
Hơn nữa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vốn cung cấp cơ hội việc làm lớn ở Châu Á – Thái Bình Dương, không thể mở rộng nhanh chóng và chuyển trực tiếp sang Công nghiệp 4.0. Họ phải đối mặt với nhiều rào cản như những trở ngại liên quan đến các ưu tiên phân bổ nguồn lực của Chính phủ, các khoản đầu tư hạn chế dành cho phần cứng và phần mềm, sự thiếu hụt nhân tài. Tất cả những điều này phải được giải quyết trước khi lợi ích tiềm năng của Công nghiệp 4.0 có thể được thực hiện đầy đủ.
Dự án nghiên cứu “Đánh giá về Sản xuất thông minh ở các nước thành viên APO” nhằm đánh giá và lập hồ sơ mức độ hoạch định chính sách, thực hiện và áp dụng sản xuất thông minh ở các nước thành viên. Dự án phân tích một số phân khúc ngành và công ty dưới dạng nghiên cứu điển hình để tìm ra và xác định các lĩnh vực mới nổi nơi sản xuất thông minh cần trở thành trọng tâm để hỗ trợ nhu cầu của các nước thành viên.
Tại cuộc họp APO về Đánh giá Sản xuất Thông minh xác nhận rằng việc đánh giá sản xuất thông minh là rất quan trọng để trao quyền cho việc chuyển đổi công nghiệp sang sản xuất thông minh, phát triển tài năng và hợp tác giữa các nền kinh tế APO.
Trước xu thế của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, sản xuất thông minh đã và đang chứng minh tính ưu việt với máy tính điều khiển, cảm biến, công nghệ thông tin, động cơ thông minh, phần mềm quản lý sản xuất, xử lý tất cả các giai đoạn hoặc hoạt động cụ thể của quy trình sản xuất… Cùng với sự kết hợp giữa con người và dữ liệu thu thập máy có thể thúc đẩy quản lý toàn doanh nghiệp và các mục tiêu tối ưu hóa toàn nhà máy, tính đến cả những yếu tố môi trường, hiệu quả tài chính và an toàn trong lao động. Sản xuất thông minh không những làm thay đổi hiệu quả nền kinh tế thông qua tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, chi phí nhân công cho từng đơn vị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh… mà còn là “bàn đạp” giúp nền kinh tế phát triển bền vững, giải phóng sức lao động. Hơn nữa, ở những môi trường làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, máy móc thông minh, robot thông minh như “cánh tay đắc lực” giúp con người giải quyết các vấn đề để người lao động làm việc trong một môi trường an toàn, lành mạnh. |