Đánh giá năng suất để phát triển sản xuất thông minh

Thứ Tư, Tháng Chín 25, 2019 | 21:24

Đây là nội dung được đề cập tại hội thảo “Thúc đẩy sản xuất thông minh trong thời đại CMCN 4.0” do Tổng cục TCĐLCL phối hợp với Trung tâm Năng suất Đài Loan tổ chức hôm nay 25/9 tại Hà Nội.

Khẳng định sản xuất thông minh ngày càng đóng vai trò quan trọng, tất yếu trong quá trình sản xuất, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Hà Minh Hiệp nhấn mạnh, sự phát triển của KH&CN đã và đang tạo ra một làn sóng cải cách đáng kể trong mọi khía cạnh của cuộc sống, thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hướng thông minh hơn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp chia sẻ về những cơ hội cho doanh nghiệp về sản xuất thông minh tại hội thảo. 

Với vai trò là cơ quan tiêu chuẩn hóa Tổng cục TCĐLCL đã bắt đầu tiếp cận nội dung này thông qua Tổ chức Năng suất Châu Á –APO và hội thảo lần này nằm trong chuỗi sự kiện mà Tổng cục đã triển khai trong thời gian vừa qua với mục tiêu cung cấp thông tin về sản xuất thông minh cho các bộ ngành, doanh nghiệp và các bên liên quan.

“Hội thảo lần này tập trung chính vào nội dung đào tạo sản xuất thông minh. Các chuyên gia đến từ Trung tâm Năng suất Đài Loan (CPC) – một tổ chức được APO chỉ định và là trung tâm xuất sắc cuả APO về sản xuất thông minh sẽ làm rõ hơn khái niệm về sản xuất thông minh, đồng thời phân tích những thách thức của doanh nghiệp Việt Nam đối với sản xuất thông minh và chia sẻ những kinh nghiệm của Đài Loan nhằm tiến tới thúc đẩy sản xuất thông minh tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Hiệp cho biết.

 Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL và đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục, các bộ ngành, chi cục TCĐLCL, doanh nghiệp khu vực phía Bắc.

Các chuyên gia đến từ Trung tâm Năng suất Đài Loan. 

Ông Randy WENG, đại diện CPC trong phần chia sẻ về iBench 4.0 – một công cụ đánh giá năng suất để phát triển sản xuất thông minh đã cho rằng, nếu như trước đây doanh nghiệp quan tâm đến sản xuất hàng loạt thì ngày nay lại chú trọng đến sản xuất các sản phẩm riêng biệt và việc tiếp cận phương thức sản xuất thông minh đang là một sự lựa chọn.

“Đài Loan theo hướng này và đang hướng đến sản xuất các sản phẩm tinh gọn và cho ra đời những nền tảng để phục vụ sản xuất thông minh”, ông Randy WENG chia sẻ.

Đề cập đến kinh nghiệm của Đài Loan về công cụ đánh giá năng suất để phát triển sản xuất thông minh – iBench 4.0, ông Randy WENG cho rằng các doanh nghiệp khi tiếp cận công cụ này để biết mình đang ở đâu, cần phải cải thiện gì để đến với mục tiêu sản xuất thông minh bền vững.

Ông Randy WENG, đại diện CPC trong phần chia sẻ về iBench 4.0 – công cụ đánh giá năng suất để phát triển sản xuất thông minh. 

Theo ông Randy WENG, iBench 4.0 sẽ giúp doanh nghiệp nhận diện được bản thân thông qua các bộ câu hỏi như: phân tích, đánh giá quan điểm của doanh nghiệp về sản xuất thông minh; đánh giá năng lực nhà xưởng, năng lực tự động hóa của nhà xưởng; đánh giá mức độ sử dụng công nghệ thông tin trong doanh nghiệp, hệ thống quản lý tích hợp …v v… Đặc biệt, iBench 4.0 sẽ giúp doanh nghiệp nhận dạng được vấn đề bản thân lãnh đạo và các thành viên trong doanh nghiệp có muốn cải thiện, đổi mới theo hướng thông minh hay không.

Đánh giá cao về bộ đánh giá iBench 4.0 của Đài Loan, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cho biết, iBench4.0 là phương tiện đầu tiên mở cánh cửa vào sản xuất thông minh, do đó thời gian tới thông qua sự hợp tác với CPC, Việt Nam sẽ xây dựng công cụ đánh giá iBench 4.0 phù hợp cho doanh nghiệp Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo. 

Thời gian vừa qua, Tổng cục TCĐLCL tiến hành đánh giá khảo sát tại doanh nghiệp về sản xuất thông minh, theo đó nhu cầu về đào tạo, tư vấn chuyển đổi sang tiếp cận sản xuất thông minh đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều các doanh nghiệp. Vì vậy, để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nhiều hơn, dễ dàng hơn đối với sản xuất thông minh, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cho biết, sẽ đẩy mạnh mảng đạo tạo tư vấn và xây dựng lộ trình tiếp cận sản xuất thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai gần.

Thanh Uyên