Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Giải thưởng Chất lượng Quốc gia khẳng định vị thế doanh nghiệp Việt

Thứ Năm, Tháng TưTháng Tư 22, 2021 | 11:18

“Doanh nghiệp tham dự và đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) không chỉ lấy được niềm tin của người tiêu dùng mà còn khẳng định vị thế trong nước cũng như trên trường quốc tế, đồng thời chính là “hình mẫu” hướng đến sự phát triển bền vững”, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.

Trước thềm Lễ trao GTCLQG năm 2019, 2020, phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với GS. TS Hoàng Văn Cường nhằm đưa đến cho độc giả góc nhìn đa chiều về ý nghĩa cũng như tác động của GTCLQG đối với sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua.

GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thưa ông, hiện nay có rất nhiều giải thưởng về lĩnh vực doanh nghiệp, doanh nhân. Vậy ông nhận xét gì về GTCLQG?

GTCLQG là chứng nhận uy tín nhất về chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Đồng thời, Giải thưởng là sự ghi nhận kịp thời của Chính phủ đối với những nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trải qua gần 25 năm triển khai và hoạt động, GTCLQG đã thực sự tác động đến cộng đồng doanh nghiệp với con số khoảng 250 doanh nghiệp đạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia. Những doanh nghiệp tham dự và đạt GTCLQG không chỉ lấy được niềm tin của người tiêu dùng mà còn khẳng định vị thế trong nước cũng như trên trường quốc tế, đồng thời chính là “hình mẫu” hướng đến sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, so với con số gần 1 triệu doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay rõ ràng số lượng doanh nghiệp đạt giải chưa nhiều, còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp tiếp tục phấn đấu.

Thời gian qua, Việt Nam đã đàm phán, kí kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo ông, GTCLQG có trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp trong thời buổi hội nhập quốc tế?

Muốn hội nhập thành công doanh nghiệp phải đạt được tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mà thị trường nhập khẩu yêu cầu. Đơn cử như có rất nhiều mặt hàng là thế mạnh nhưng nhiều sản phẩm của doanh nghiệp làm ra chỉ để tiêu thụ trong nước chứ chưa đạt được các tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu ra thế giới.

Trong khi đó, GTCLQG lại là giải thưởng thường niên duy nhất về chất lượng được luật hóa bởi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và được ban hành theo quy tắc quốc tế – thuộc hệ thống Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương (Global Performance Excellence Award- GPEA) của Tổ chức Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương (Aisa Pacific Quality Organization- sAPQO).

Giải thưởng được thiết lập dựa trên 7 tiêu chí đánh giá của Giải thưởng Malcolm Balrige của Hoa Kỳ. Cho nên, việc doanh nghiệp phấn đấu đạt được các tiêu chí của GTCLQG cũng chính là phấn đấu đạt tiêu chuẩn chất lượng thế giới. Đó là cơ sở để doanh nghiệp đặt chân vào thị trường mà các FTA đặt ra, giúp doanh nghiệp hội nhập sâu hơn.

Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để GTCLQG ngày càng lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?

Thực tế có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực để tham gia và đạt được GTCLQG, cho nên, để có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào GTCLQG, theo tôi có 3 vấn đề cần lưu ý.

Thứ nhất, cần tiếp tục tuyên truyền, thông tin rộng rãi đến các tổ chức, doanh nghiệp để họ hiểu rõ về nội dung, tác động của GTCLQG đến sự phát triển của doanh nghiệp, tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận được nhiều thị trường.

Thứ hai, bên cạnh việc sử dụng các bộ tiêu chí bình chọn theo tiêu chí của thế giới nhằm đảm bảo tính liên thông quốc tế, chúng ta cũng cần bổ sung thêm một số tiêu chí bình chọn, trong đó các tiêu chí này phải cập nhật tiêu chí mới giúp cho doanh nghiệp đáp ứng được các đòi hỏi mới nhất phát sinh từ hội nhập quốc tế.

Ví dụ, tiêu chí hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra của các Hiệp định mới, một mặt giúp truyền tải thông điệp cho doanh nghiệp rằng: Muốn đặt chân đến thị trường thế giới, doanh nghiệp cần đáp ứng những yêu cầu gì, một mặt khi doanh nghiệp phấn đấu đạt được những tiêu chí này cho GTCLQG thì cũng chính là việc doanh nghiệp đảm bảo các năng lực, điều kiện để đặt chân vào thị trường thế giới. Nghĩa là phải để doanh nghiệp thấy được “lợi ích song trùng” của việc phấn đấu theo các tiêu chí của GTCLQG.

Cuối cùng, tôi cho rằng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính khi doanh nghiệp làm hồ sơ tham gia GTCLQG bởi rất nhiều doanh nghiệp cho biết họ mất thời gian khi phải đi tìm các bằng chứng chứng minh bằng giấy tờ. Do đó, để đáp ứng việc bình chọn vừa đơn giản, vừa chính xác, chúng ta cần thay đổi phương thức bình chọn sang hướng ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số.

Khi đó, chỉ cần cú click chuột, doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin vào hệ thống để bình chọn GTCLQG một cách dễ dàng và nhanh chóng. Và rõ ràng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kép: Vừa mở rộng các doanh nghiệp tham gia GTCLQG, vừa góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Xen (thực hiện)