Cung cấp quy trình pháp lý cho chuỗi truy xuất nguồn gốc với bộ tiêu chí đánh giá GTC

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Bảy, Tháng TưTháng Tư 17, 2021 | 11:00 - Lượt xem: 2343

Bộ tiêu chí đánh giá GTC (GS1 Global Traceability Compliance Criteria for Food Application Standard) được GS1 xây dựng bao gồm các tiêu chí đánh giá cho toàn bộ chuỗi truy xuất nguồn gốc (TXNG) nhằm cung cấp một quy trình duy nhất để đáp ứng các quy định pháp lý và yêu cầu sản xuất chuyên ngành. Tiêu chí đánh giá TXNG phù hợp với tiêu chuẩn GS1 bao gồm 72 điểm kiểm soát, được chia thành 12 nhóm và đưa ra 4 mức độ tuân thủ khác nhau.

Trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng phát triển, các doanh nghiệp đang đứng trước những thử thách và trở ngại rất lớn khi tiếp cận thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước do sự xuất hiện của sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Để hàng xuất khẩu có thể mở rộng thị trường, các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm thực phẩm cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó có vấn đề TXNG. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới coi TXNG thực phẩm là quy định bắt buộc để nâng cao an toàn, đảm bảo sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Để đáp ứng các yêu cầu về TXNG, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế như GS1, ISO, FAO đã ban hành nhiều tiêu chuẩn, hướng dẫn liên quan. Dựa trên cơ sở các tiêu chuẩn trên, các đơn vị giải pháp đã xây dựng các hệ thống TXNG khác nhau. Tuy nhiên, các hệ thống TXNG trên đáp ứng tiêu chuẩn TXNG chưa được rõ ràng. Cụ thể như quy định lưu trữ thông tin một bước trước một bước sau chưa được các đơn vị giải pháp tuân thủ khi các hệ thống TXNG hoạt động độc lập; khả năng kết nối, tương tác và trao đổi thông tin giữa các bên trong chuỗi cung ứng khi có nhu cầu còn thấp. Đa phần các hệ thống này chỉ đang đáp ứng các yêu cầu TXNG nội bộ của doanh nghiệp, thay thế cho việc ghi chép dữ liệu bằng tay.

Trước thực tế đó, Bộ tiêu chí đánh giá GTC được Tổ chức GS 1 xây dựng bao gồm các tiêu chí đánh giá cho toàn bộ chuỗi TXNG nhằm cung cấp một quy trình duy nhất để đáp ứng các quy định pháp lý và yêu cầu sản xuất chuyên ngành. Tiêu chí đánh giá TXNG phù hợp với tiêu chuẩn GS1 bao gồm 72 điểm kiểm soát (Control Point), được chia thành 12 nhóm và đưa ra 4 mức độ tuân thủ khác nhau, bao gồm 26 yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ. Đây là các yêu cầu quan trọng trong tiêu chuẩn TXNG GS1 và tiêu chuẩn ISO 22005. Các tiêu chí trong mức độ này là bắt buộc tuân thủ hoàn toàn.

Bên cạnh đó, bắt buộc có điều kiện bao gồm 21 yêu cầu phải tuân thủ bổ sung. Đây cũng là các yêu cầu quan trọng trong tiêu chuẩn TXNG GS1 và tiêu chuẩn ISO 22005. Tùy chọn bao gồm 11 yêu cầu nhằm đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn GS1 thuộc trách nhiệm của các đối tác thương mại và Khuyến nghị bao gồm 14 yêu cầu nhằm đáp ứng các yêu cầu trong tiêu chuẩn GS1, tiêu chuẩn về thực hành tốt và các tiêu chuẩn về TXNG khác. Các điểm kiểm soát này không nhất thiết phải tuân thủ hoàn toàn.

8 bước đánh giá chứng nhận Hệ thống quản lý TXNG phù hợp với tiêu chuẩn GS1

Tổ chức GS 1 không phát triển các tiêu chuẩn đánh giá chứng nhận mà chấp nhận tiêu chuẩn ISO 19011 – Hướng dẫn đánh giá hệ thống quản lý làm tiêu chuẩn cho đánh giá chứng nhận các tiêu chuẩn hệ thống quản lý TXNG do mình xây dựng. Một đơn vị muốn được đánh giá chứng nhận và cấp chứng chỉ Hệ thống quản lý TXNG phù hợp với tiêu chuẩn GS1 (GTC) cần trải qua các bước công việc sau:

Tiếp nhận hồ sơ và xem xét

Doanh nghiệp có nhu cầu đánh giá hệ thống TXNG có thể liên hệ với Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (GS1 Việt Nam) hoặc tổ chức chứng nhận độc lập có đủ năng lực để đăng ký chứng nhận Hệ thống quản lý TXNG chuỗi cung ứng thực phẩm phù hợp tiêu chuẩn GS1 (GTC).

Lập kế hoạch thực hiện đánh giá

Đoàn đánh giá truy cập vào hệ thống để xem thông tin đăng ký của doanh nghiệp, lên kế hoạch chuẩn bị cho
hoạt động đánh giá tại hiện trường và sẽ gửi kế hoạch đánh giá cụ thể tới doanh nghiệp.

Thực hiện đánh giá

Trong quá trình đánh giá, các chuyên gia đánh giá tiến hành các hoạt động quan sát, kiểm tra tại khu vực sản xuất, khu vực sơ chế, kết hợp với hoạt động xem xét hồ sơ, nhật ký sản xuất, phỏng vấn người lao động có liên quan. Quá trình xem xét, kiểm tra này sẽ được so sánh đối chiếu với các yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP, các quy định của pháp luật có liên quan, các cam kết với khách hàng đối với hoạt động sản xuất, bán hàng (thông qua các hợp đồng, thỏa thuận…), và các quy định nội bộ của doanh nghiệp. Từ đó các chuyên gia sẽ hoàn thiện bảng checklist GTC.

Thực hiện hành động khắc phục, phòng ngừa

Trên cơ sở các giải pháp được đề xuất sau hoạt động đánh giá, doanh nghiệp quyết định biện pháp khắc phục,
cách thức triển khai cụ thể đối với các nội dung không phù hợp được phát hiện trong đánh giá. Các bộ phận liên quan có trách nhiệm triển khai các nội dung/biện pháp/hành động khắc phục phòng ngừa đã được thống nhất. Tùy theo đặc điểm của từng nội dung không phù hợp mà bộ phận có liên quan được phân công có trách nhiệm thẩm tra tính hiệu lực của các hành động khắc phục, đồng thời xác nhận các hành động khắc phục và hoạt động thẩm tra hành động khắc phục trong phiếu yêu cầu khắc phục các điểm không phù hợp.

Thẩm xét hồ sơ, cấp giấy chứng nhận

Cán bộ thẩm xét xem xét lại toàn bộ hồ sơ đánh giá nhằm đảm bảo hoạt động đánh giá được thực hiện đúng
thủ tục, sự đầy đủ của hồ sơ, sự chính xác của các thông tin trước khi kiến nghị cấp giấy chứng nhận, lập Báo cáo thẩm xét hồ sơ. Nếu hồ sơ đạt yêu cầu, cán bộ thẩm xét hoàn thiện hồ sơ, trình ký giấy xác nhận.

Kiểm tra giám sát

Việc kiểm tra giám sát được thực hiện tối thiểu 1 năm/lần. hoạt động kiểm tra giám sát có thể bao gồm cả việc giám sát không báo trước. Hoạt động giám sát không báo trước được thực hiện khi có thông tin về việc bên được cấp xác nhận không tuân thủ nguyên tắc truy xuất sản phẩm theo cam kết.

Thay đổi, bổ sung, đánh giá lại

Khi khách hàng có nhu cầu thay đổi phạm vi đánh giá sẽ đăng ký đánh giá mở rộng, hoạt động này có thể kết hợp với kiểm tra giám sát. Trước thời điểm hết hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận, doanh nghiệp liên hệ GS1 Việt Nam để thực hiện kiểm tra xác nhận lại. Hoạt động kiểm tra xác nhận lại được thực hiện như kiểm tra lần đầu.

Đình chỉ, hủy bỏ, thu hồi giấy chứng nhận (nếu có)

Căn cứ kết quả kiểm tra giám sát hoặc giám sát không báo trước, GS1 Việt Nam ra quyết định đình chỉ hiệu lực giấy chứng nhận nếu ghi nhận những vi phạm quy định, không đảm bảo hiệu lực hệ thống TXNG. GS1 Việt Nam thực hiện cập nhật trạng thái “Đình chỉ” đối với bên được cấp giấy xác nhận đó trên hệ thống.

Lê Anh Hưng – Trần Văn Việt