Cụ thể hóa hoạt động chuyên môn bằng quy trình ISO: Hiệu quả áp dụng từ Cục QLTT Quảng Trị
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Bảy 11, 2022 | 14:32 - Lượt xem: 515
Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2015 mang lại hiệu quả thiết thực.
Theo nhận định của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Trị, trước đây, khi đang hoạt động với mô hình Chi cục QLTT, cơ sở vật chất tại đơn vị vẫn còn thiếu thốn, chưa được trang cấp đầy đủ, nhất là trang bị về công nghệ thông tin. Toàn đơn vị chỉ có 15 máy tính cấu hình thấp đã qua sử dụng nhiều năm, trong đó mỗi Đội chỉ có 02 máy tính kết nối internet để thực hiện nhiệm vụ.
Những năm trở lại đây, được sự quan tâm của Tổng cục QLTT, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã được đầu tư cơ bản về cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin.
Cụ thể, được trang bị 44 máy tính bao gồm máy tính để bàn và laptop trên tổng số 46 công chức hiện có. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nâng cao nghiệp vụ và thường xuyên cử công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công tác chuyên môn, chú trọng nâng cao trình độ công nghệ thông tin; nghiên cứu, trao đổi, hướng dẫn, sát hạch nghiệp vụ nhằm không ngừng nâng cao nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; khuyến khích, tin tưởng giao trọng trách, nhiệm vụ cho công chức trẻ có cơ hội để trau dồi kiến thức chuyên môn.
Song song với công tác hiện đại hóa hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, xử lý của đơn vị thời gian qua, Cục QLTT Quảng Trị đã kịp thời chuyển đổi, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 trong hoạt động.
Cụ thể, năm 2013, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị đã ban hành, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 trong hoạt động của đơn vị.
Năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục QLTT triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, Cục đã thực hiện chuyển đổi hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015, ban hành và công bố áp dụng hệ thống theo mô hình khung của Bộ Công Thương gồm: 08 quy trình hệ thống, 04 quy trình thuộc lĩnh vực nghiệp vụ, 05 quy trình thuộc lĩnh vực tổ chức – hành chính.
Hằng năm, ngay từ đầu năm, Cục ban hành kế hoạch cụ thể triển khai áp dụng và cải tiến cho từng năm. Qua quá trình áp dụng và cải tiến, hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 và các quy trình đều được xem xét, đánh giá, điều chỉnh, cải tiến các nội dung không phù hợp để áp dụng sát đúng với thực tiễn và quy định hiện hành, nhất là các quy trình chuyên môn nghiệp vụ như: Quy trình xây dựng và phê duyệt phương án, quy trình xử lý tài sản, quy trình tuyên truyền pháp luật, quy trình xử lý hồ sơ vượt thẩm quyền.
Cụ thể, về quy trình xử lý hồ sơ vượt thẩm quyền của Đội trưởng Đội QLTT, quy trình đã cụ thể người có trách nhiệm chuyển hồ sơ lên Cục, gồm các trình tự về thủ tục, thời gian cụ thể; tại Cục phòng nào tiếp nhận hồ sơ, chủ trì, phối hợp tham mưu xử lý hồ sơ, thời gian xử lý; ghi rõ ý kiến của bộ phận xử lý, tham mưu thủ tục trình Phó cục trưởng phụ trách lĩnh vực xem xét hồ sơ trước khi trình Cục trưởng ký quyết định hoặc đề xuất cấp trên xử lý cho đến khi có quyết định xử lý văn phòng hành chính của người có thẩm quyền.
Theo đánh giá của lãnh đạo Cục QLTT tỉnh, việc cụ thể hóa một số hoạt động chuyên môn bằng quy trình ISO, trong đó quy định rõ các bước thực hiện, nội dung công việc, trách nhiệm, thời gian thực hiện, thủ tục áp dụng đã mang lại hiệu quả xử lý công việc cao, đúng thời hạn, đúng thẩm quyền, quy định, vừa đáp ứng yêu cầu CCHC tại đơn vị vừa giải quyết những tồn tại trước đây khi chưa có quy trình ISO.
Nhờ làm tốt các nội dung trên nên trong những năm qua 100% hồ sơ vụ việc được các đơn vị trực thuộc thực hiện đảm bảo tiến độ, kịp thời, chính xác.
Để đạt được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao của mỗi cá nhân công chức, người lao động là sự đồng thuận, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo và công chức, người lao động trong toàn lực lượng; quan trọng nhất là công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, toàn diện, nhận định trước khó khăn, đón đầu những cái mới để kịp thời áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của đơn vị, đào tạo, nâng cao trình độ sử dụng công nghệ cho công chức. Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công chức trong thi hành công vụ, đảm bảo thực hiện đúng quy trình, quy định. Duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.
Tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả phần mềm hệ thống xử lý vi phạm hành chính INS. Kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra, sát hạch về nghiệp vụ một cách thường xuyên đối với công chức nhằm nâng cao hơn nữa kỹ năng và kiến thức trong hoạt động công vụ.
ISO 9001 (cách gọi tắt của ISO 9001:2015 – phiên bản mới nhất của ISO 9001) là tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý chất lượng do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phát triển và ban hành vào ngày 24/9/2015. ISO 9001:2015 đưa ra các yêu cầu được sử dụng như khuôn khổ cho hệ thống quản lý chất lượng. Tiêu chuẩn này cũng được sử dụng cho việc đánh giá chứng nhận phù hợp với hệ thống quản lý chất lượng của tổ chức.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, lợi ích tiềm tàng đối với các tổ chức khi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 là: Khả năng cung cấp một cách ổn định sản phẩm và dịch vụ đáp ứng yêu cầu của khách hàng, yêu cầu luật định và chế định hiện hành. Đồng thời, tạo cơ hội nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng. Giải quyết rủi ro và cơ hội liên quan đến bối cảnh và mục tiêu của tổ chức. Khả năng chứng tỏ sự phù hợp với các yêu cầu quy định của hệ thống quản lý chất lượng.
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh, việc áp dụng HTQLCL trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, có thể thấy nhận thức của cán bộ, công chức về tinh thần cải cách phục vụ nhân dân, doanh nghiệp thay đổi và cải thiện rõ rệt; Đã xây dựng được các quy trình giải quyết công việc một cách khoa học; từng bước cải tiến phương pháp làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho từng cán bộ, công chức, phòng, ban giải quyết công việc thông suốt, kịp thời, hiệu quả; Đơn giản hoá quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết công việc của doanh nghiệp, địa phương, cơ sở. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức đã có ý thức hơn trong việc tổ chức thu thập, sắp xếp, lưu trữ các loại văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên làm căn cứ thực hiện công việc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; để tham chiếu khi cần; hồ sơ tài liệu được sắp xếp ngăn nắp và có hệ thống theo từng lĩnh vực công việc; Tác phong làm việc của cán bộ, công chức khoa học hơn, nghiêm túc hơn; thái độ giao tiếp với người dân, khách hàng ân cần, cởi mở hơn, tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò của cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ: cán bộ, công chức là cầu nối giữa luật pháp và người dân, có trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; Góp phần tích cực trong việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo quy định của Chính phủ; chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công được nâng cao; từng bước tạo lòng tin và sự hài lòng của người dân khi đến cơ quan hành chính nhà nước. Ngoài ra, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý, tác nghiệp hồ sơ và là công cụ hỗ trợ đắc lực phục vụ công tác cải cách hành chính đối với cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay. |
Theo VietQ.vn