Công ty TNHH may mặc NALT áp dụng công cụ LEAN tăng năng suất để tồn tại và phát triển
Chủ Nhật, Tháng Mười Hai 6, 2020 | 18:46
Làm sao có thể giảm chi phí gia công và không bị đẩy đến chỗ phải lựa chọn giữa việc gia công sản phẩm may mặc với chi phí thấp hơn hoặc từ bỏ sân chơi lĩnh vực này? Công ty TNHH may mặc NALT đã chọn ứng dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng đặc biệt là công cụ Cân bằng chuyền may để tiếp tục sân chơi của mình.
Công ty TNHH may mặc NALT được thành lập vào ngày 26/8/2002, có địa chỉ đặt tại Số 315A, Tổ 14, ấp Tân Lập, Xã An Điền, Thị Xã Bến Cát, Bình Dương.
Vào những năm 2000, các đơn hàng dệt may được chuyển từ Thái lan, Trung quốc sang Việt nam rất nhiều, chi phí gia công cho một sản phẩm cao, lên đến 4 USD/ cái. Gần 20 năm sau, điều thần kỳ đó đã không còn nữa. Ngày nay, ngày càng nhiều công ty gia công với chi phí rẻ hơn, giao hàng nhanh hơn và các thuận lợi hơn về số lượng hàng giao mỗi đợt và các dịch vụ giấy tờ kèm theo.
Từ đó, Công ty TNHH may mặc NALT bị đẩy đến chỗ phải lựa chọn giữa việc gia công sản phẩm may mặc với chi phí thấp hơn hoặc rời khỏi ngành này. Làm sao có thể giảm chi phí gia công? Công ty này đã chọn ứng dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng đặc biệt là công cụ Cân bằng chuyền may.
Thật sự có rất nhiều công cụ nâng cao năng suất chất lượng để giúp Công ty giảm chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm. Tuy nhiên, do Công ty chưa tiếp cận các công cụ này, hơn nữa, Công ty lại muốn chọn công cụ để giảm nhanh chi phí, vì vậy Công ty và bên hướng dẫn quyết định chọn công cụ cân bằng chuyền, một công cụ thông thường được áp dụng để tăng năng suất chuyền may. Việc tăng năng suất, đồng nghĩa với việc giảm chi phí sản xuất.
Điều thuận lợi là Công ty có sẵn bộ phận kỹ thuật và nhân viên kế hoạch để thực hiện việc bấm giờ để sắp xếp chuyền.
Làm sao tăng năng suất chuyền?
Bên hướng dẫn đã tiến hành đào tạo chương trình sản xuất tinh gọn bao gồm cả cân bằng chuyền cho các nhân viên chủ chốt của công ty, đội ngũ này, sau đó sẽ tham gia vào nhóm cân bằng chuyền.
- Công ty Chọn ra một chuyền tốt nhất trong Công ty, Nhóm tiến hành đo thời gian và quan sát các công đoạn
- Vẽ lại lưu trình sản xuất sản phẩm và sơ đồ mặt bằng chuyền,
- Sắp xếp cân bằng lại các trạm sản xuất để có hiệu quả chuyền là tối ưu nhất,
- Gia tăng năng suất cục bộ, sắp xếp lại tại những nơi có nút cổ chai.
- Thống kê dữ liệu, tính toán năng suất và tiếp tục chọn các vị trí nút cổ chai khác để cải tiến.
Hiệu quả mang lại, sau 5 tháng thực hiện cân bằng chuyền và sắp xếp lại mặt bằng, Công ty đã gia tăng năng suất lao động chuyền may khẩu trang lên 28%, tiết kiệm được 60 triệu/năm do cắt giảm được công nhân ở khâu đẩy sản phẩm cắt sang công đoạn may.
Sau đây là minh họa cách thức tăng năng suất tại một công đoạn thông qua việc cải tiến thao tác cũa Công nhân.
Trước cải tiến |
Sau cải tiến |
Công nhân cắt từng cái khẩu trang, cắt một cái, kéo một cái
|
Cắt một lần 3 cái và tăng lên 4 cái, giảm được thao tác kéo dây khẩu trang
|
Hình 1: Cải tiến phương pháp cắt khẩu trang
Năng suất công đoạn cắt rìa khẩu trang tăng được 5,5% khi đổi từ cắt và kéo một lần/ cái sang 3 lần cái và tăng 10,5% sau khi cắt 4 cái trong một lần kéo.
Nhóm cải tiến và các thành viên trong Công ty thấy rằng chưa tốn chi phí nhưng bằng nỗ lực của mọi người cũng có thể nâng cao năng suất được. Điều này giúp các thành viên tin tưởng cải tiến làm cho công việc nhẹ nhàng, hợp lý và vận hành sản xuất trôi chảy hơn.
Muốn cây cho quả tốt, muốn lúa có năng suất cao, bạn phải đầu tư nước, phân, cần, giống. Muốn tăng năng suất trong các ngành công nghiệp, doanh nghiệp cũng phải đầu tư gì đó. Nếu có nguồn vốn dồi dào, doanh nghiệp có thể đầu tư máy móc. Nếu nguồn vốn hạn hẹp có thể đầu tư vào cải tiến năng suất thông qua đào tạo, có nghĩa là đầu tư vào con người.
Hy vọng, trong tương lai, mô hình cải tiến này sẽ được áp dụng cho tất cả các chuyền nhằm gia tăng năng suất chung cho toàn Công ty và giúp Công ty gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường gia công hàng may mặc và tiếp tục tồn tại, phát triển mạnh mẽ, tạo được nhiều việc làm cho người dân đia phương và đóng góp vào ngân sách của tỉnh.
Nguyễn Đào Duy Tài