Công ty TNHH DV Chế biến thực phẩm Thành Đạt áp dụng thành công ISO 31000:2018
Thứ Năm, Tháng Chín 28, 2023 | 23:42
Với đặc thù là lĩnh vực chế biến thực phẩm, Công ty TNHH DV Chế biến thực phẩm Thành Đạt luôn có ý thức phòng ngừa và xử lý rủi ro. Tuy nhiên, hoạt động quản lý rủi ro chưa được thực hiện thành hệ thống, theo tiêu chuẩn quản lý rủi ro cụ thể.
Công ty TNHH DV Chế biến thực phẩm Thành Đạt là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cháo dinh dưỡng. Với 130 cửa hàng đầu tiên mang tên “Panda” từ năm 2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, Công ty đã có hơn 800 cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.
Ngoài hệ thống cửa hàng bán lẻ trực tiếp, sản phẩm của Công ty cũng có mặt ở nhiều hệ thống trường mầm non tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với phương châm “Panda cùng bạn sẻ chia cuộc sống”, Công ty đã cung cấp các dòng sản phẩm tươi, nóng, thơm, ngon, an toàn, hợp vệ sinh và bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu như: vitamin, chất xơ và các khoáng chất…
Thương hiệu “Cháo Soup Panda” đã được đăng ký độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ và sản phẩm được công bố chất lượng đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, bổ sung vi chất dinh dưỡng DHA do Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế chứng nhận.
Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và hoàn thiện quy trình quản lý, Công ty TNHH DV Chế biến thực phẩm Thành Đạt đã tìm hiểu và tham gia Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000 vào doanh nghiệp của Việt Nam” do Trường Đại học Ngoại thương chủ trì. Trong đó, Công ty đã được nhóm chuyên gia của Trường Đại học Ngoại thương bồi dưỡng kiến thức và tư vấn áp dụng thành công ISO 31000:2018 đối với hoạt động quản trị kinh doanh ở cả ba khâu: đầu vào, quá trình kinh doanh và đầu ra.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh kể từ khi thành lập cho đến nay, với đặc thù là lĩnh vực chế biến thực phẩm, Công ty luôn có ý thức phòng ngừa và xử lý rủi ro. Tuy nhiên, hoạt động quản lý rủi ro chưa được thực hiện thành hệ thống, theo tiêu chuẩn quản lý rủi ro cụ thể.
Với sự tư vấn của các chuyên gia, Công ty đã thành lập bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, ban hành chính sách rủi ro. Trên cơ sở đó, Công ty thực hiện đánh giá rủi ro (nhận diện, phân tích và định mức), xử lý rủi ro với kế hoạch hành động cụ thể, khả thi và đánh giá kết quả xử lý rủi ro theo từng giai đoạn.
Công ty đã nhận diện thêm 3 rủi ro mới và lập danh mục quản lý gồm 8 rủi ro bao gồm cả 5 rủi ro nhận diện khi được tư vấn. Đặc biệt, Công ty đã phân tích từng rủi ro thông qua các câu hỏi chuẩn đoán: Công đoạn nào hay đối tượng nào (khách hàng, nhà cung cấp,…) từ rủi ro này phát sinh? Phòng chức năng hay nhân viên nào phụ trách nơi phát sinh rủi ro? Rủi ro xảy ra như thế nào và nguyên nhân là gì? Công đoạn nào, đối tượng nào (khách hàng, nhà cung cấp,..) hay kết quả kinh doanh nào bị ảnh hưởng? Điều gì xảy ra nếu rủi ro này không được xử lý? Thiệt hại như thế nào đến hoạt động kinh doanh hay kết quả kinh doanh?
Từ đó, định mức rủi ro thông qua khả năng xảy ra và mức độ tác động của hiệu quả để xác định mức độ ưu tiên xử lý. Trên cơ sở đánh giá rủi ro, Công ty xác định phương án phù hợp và lập kế hoạch hành động chi tiết để xử lý cho từng rủi ro: Ghi chép nhập liệu thông tin bán hàng; Cháy nổ; Một số lô nguyên liệu được giao trễ; Sản phẩm lỗi chất lượng; Tai nạn lao động; Không giao được hàng cho các cửa hàng ở tỉnh xa; Mất khách hàng do xuất hiện đối thủ cạnh tranh; Nhà cung cấp giao hàng thiếu số lượng, chất lượng; Tăng giá nguyên vật liệu.
Trong số những rủi ro được nhận diện, không giao được hàng cho các cửa hàng ở tỉnh xa là rủi ro mà Công ty chưa có phương án xử lý hiệu quả trước khi tham gia Nhiệm vụ. Hậu quả là các cụm cửa hàng ở tỉnh xa không có hàng bán cho ngày hôm sau, phải đóng cửa nghỉ và xin lỗi khách hàng vì không cung cấp được sản phẩm.
Quá trình tư vấn đã giúp Công ty nhận thức đầy đủ về nguyên nhân chủ yếu của rủi ro này (việc nhà xe vận chuyển hàng liên tỉnh có thể gặp sự cố giao thông hoặc không vận chuyển đúng lịch trình), khả năng xảy ra rủi ro và mức độ tác động của hậu quả. Từ đó, Công ty được hướng dẫn lựa chọn phương án xử lý rủi ro là giảm mức độ tác động của hệ quả bằng kế hoạch điều phối hàng giữa các đại lý.
Phương án xử lý rủi ro là cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động chi tiết để xử lý rủi ro. Trong vòng 2 tháng triển khai kế hoạch hành động chi tiết để xử lý rủi ro gồm các hoạt động chính như: Nghiên cứu và đề xuất các điều khoản bổ sung về điều phối hàng của các đại lý đảm bảo quyền lợi của đại lý và mức chi phí hợp lý cho Công ty; đàm pháp và thuyết phục các đại lý hiện tại về việc bổ sung các điều khoản về điều phối hàng; phát triển thêm các đại lý mới ở các địa bàn có ít đại lý; triển khai kế hoạch điều hàng từ đại lý gần nhất cho đại lý không nhận được hàng do sự cố vận chuyển trong đêm. Sau nhiều nỗ lực thực hiện kế hoạch hành động, Công ty đã giảm được 50% số lần các đại lý phải đóng cửa do trở ngại về vận chuyển. Đó là một bước tiến đáng kể trong quá trình xử lý rủi ro.
Với sự quyết tâm của lãnh đạo Công ty, sự kiên trì của nhân viên và sự nhiệt tình tư vấn của các chuyên gia Trường Đại học Ngoại thương, Công ty TNHH DV Chế biến thực phẩm Thành Đạt đã thực hiện tốt các kế hoạch hành động và thành công trong việc giảm khả năng xảy ra
Đồng thời, giảm mức độ tác động của các rủi ro theo đúng tiêu chuẩn ISO 31000:2018 – tiêu chuẩn quản lý rủi ro doanh nghiệp hiện đại được áp dụng phổ biến trên thế giới nhưng còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Công ty cũng được xác nhận áp dụng thành công ISO 31000:2018 bởi một tổ chức chứng nhận có uy tín về ISO. Công ty sẽ tiếp tục duy trì hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn hiện đại này để không ngừng nâng cao hiệu quả quản trị, phát triển kinh doanh bền vững và có thể tiến xa hơn trên hành trình “Trao trọn yêu thương”.
Bài viết này là sản phẩm của đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp quốc gia “Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý rủi ro ISO 31000 vào doanh nghiệp của Việt Nam”, mã số 03.6/NSCL-2022. |
Trần Quốc Trung (Phó giám đốc Cơ sở 2, Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM)