Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu: kiểm soát chất lượng sản phẩm thông qua hệ thống quản lý ISO 22000

Thứ Năm, Tháng Chín 17, 2015 | 22:34

Các mối nguy về an toàn thực phẩm có thể được đưa vào bất kỳ giai đoạn nào của dây chuyền cung ứng thực phẩm. Các căn bệnh mà nguyên nhân gây ra do an toàn thực phẩm ngày càng nâng cao. Do vậy kiểm soát đầy đủ xuyên suốt trong toàn chuỗi dây chuyền là cần thiết, ISO 22000:2005 bao gồm các yêu cầu đối với một hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong chuỗi dây chuyền cung ứng mà một tổ chức/doanh nghiệp cần chứng minh năng lực quản lý các mối nguy trong dây chuyền sản xuất – chế biến thực phẩm để có thể cung cấp sản phẩm cuối cùng một cách an toàn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng cũng như các luật định về an toàn thực phẩm.

Nhận thấy lợi ích của việc áp dụng các hệ thống/ công cụ cải tiến năng suất chất lượng thông qua các đợt tham gia các hội thảo tuyên truyền Chương trình Năng suất Quốc gia, qua báo đài và được sự quan tâm giới thiệu của Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu đã mạnh dạn đăng ký tham gia các nhiệm vụ thuộc Dự án thúc đẩy Năng suất chất lượng – Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) là đơn vị chủ trì thực hiện tại khu vực phía nam.

Sơ lược về Công ty

Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu với tên thương mại: BAC LIEU FIS, là đơn vị xuất khẩu thủy sản hàng đầu ở miền Nam Việt Nam có trụ sở tại 89, khóm 2, phường 1, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, sản phẩm chính là Tôm tươi và tôm luộc đông lạnh, Đậu bắp luộc đông lạnh,…

Thị trường xuất khẩu: EU, Korea, Japan, American, Canada, UEA, …

Website: baclieufis.vn

Công ty đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng: GMP, HACCP, BRC, ISO 22000, CCI 2015, HALAL,….Chất lượng và an toàn là mối quan tâm hàng đầu của Công ty, điều đó cần được đảm bảo để đáp ứng nhu cầu khách hàng ngày càng tăng với các sản phẩm chất lượng cao.

 

Năm 2013 – 2014, Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu được lựa chọn là một trong những doanh nghiệp đạt đủ điều kiện được để tham gia nhiệm vụ “Nhân rộng mô hình điểm về áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp miền Nam” thuộc Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng”, Chương trình Quốc gia “ Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ – SMEDEC 2 chủ trì thực hiện.

Qua quá trình xem xét đánh giá của các chuyên gia, Công ty đang gặp phải một số vấn đề như sau:

–       Chưa có chuyên môn hóa trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.

–       Phàn nàn của khách hàng về chất lượng.

–       Chi phí cao trong hoạt động kiểm tra và thẩm tra mẫu.

–       Chưa đa dạng hóa sản phẩm.

–       Chưa thâm nhập sâu vào một số thị trường có yêu cầu khắc khe.

Nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài, Công ty đã đăng ký áp dụng hệ thống ISO 22000:2005 với mong muốn:

–       Nâng cao năng lực quản lý.

–       Hoàn thiện tổ chức.

–       Nâng cao chất lượng sản phẩm.

–       Mở rộng thị trường.

Với những phân tích thực trạng cũng như yêu cầu của Công ty như trên, Công ty cần lựa chọn định hướng và giải pháp đột phá nào thích hợp, muốn vậy phải chăng cần trả lời các vấn đề đi lên từ đâu, khâu then chốt nào tạo bước đột phá phát triển là gì,đó là những câu hỏi đặt ra để Công ty phải suy nghĩ và quyết tâm thực hiện.

Với sự hướng dẫn tận tình của các Chuyên gia Tư vấn của SMEDEC 2, Công ty đã xây dựng thành công hệ thống quản lý An toàn thực phẩm ISO 22000:2005, đã được cấp giấy chứng nhận.

Đánh giá chung về hiệu quả và lợi ích đạt được:

Sau khi thực hiện áp dụng hệ thống quản lý An toàn thực phẩm (HTQLATTP) theo TCVN ISO 22000:2007 vào hoạt động của doanh nghiệp, hầu hết các vấn đề gặp phải tại doanh nghiệp đều được đưa ra hướng giải quyết và bên cạnh bước đầu đã đạt được những kết quả cụ thể sau:

–       Toàn thể CB/CNV được đào tạo và nhận thức được tầm quan trọng khi đưa HTQLATTP theo TCVN ISO 22000:2007 vào công việc hàng ngày để kiểm soát công việc một cách tốt nhất.

–       Hệ thống các quy trình tác nghiệp được xác lập tại các phòng ban được thiết lập theo yêu cầu của TCVN ISO 22000:2007 nhằm kiểm soát công việc.

–       Các sản phẩm của doanh nghiệp ngày càng có chất lượng hơn khi cung cấp đến khách hàng cũng như góp phần nhận diện các SP/DV không phù hợp, từ đó, có các biện pháp khắc phục phù hợp nhằm góp phần làm giảm chi phí.

–       Việc kiểm soát các hồ sơ chất lượng ngày càng được cải thiện hơn trong quá trình đáp ứng kịp thời các yêu cầu của khách hàng.

–       Sản phẩm/dịch vụ được khách hàng tin tưởng sử dụng và có thể mở rộng thêm thị phần.

Hiệu quả cụ thể:

Qua quá trình triển khai và áp dụng HTQLATTP theo TCVN 22000:2007. Doanh nghiệp đã đạt được những hiệu quả cụ thể như sau:

–       Tiêu chuẩn hóa toàn bộ hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

–       Theo dõi được các yếu tố bên trong và bên ngoài có ảnh hưởng đến sự mất an toàn của thực phẩm.

–       Giảm tối đa các phàn nàn của khách hàng liên quan đến sản phẩm cung cấp.

–       Thỏa mãn được các yêu cầu về luật định về an toàn thực phẩm.

–       Giảm các chi phí liên quan đến hoạt động kiểm tra, đánh giá của khách hàng và của các cơ quan quản lý nhà nước về thực phẩm. Năng suất tăng thêm 20%.

–       Tăng lợi thế cạnh tranh, từ đó có nhiều cơ hội thâm nhập vào các thị trường có yêu cầu xuất khẩu khắt khe về an toàn thực phẩm trên toàn thế giới.

–       Tăng cường thêm hình ảnh cho cụ thể và sinh động tại khu vực rửa tay và nhúng ủng cho các nhân viên trước khi vào khu vực sản xuất, điều này, giúp nhân viên dễ hình dung và tuân thủ đúng theo quy định của công ty.

–       Nhà xưởng đã được lãnh đạo công ty tu bổ cũng như sửa chữa lại một số nơi bị hư hỏng như tường, sàn khu vực tiếp nhận, các cạnh của góc tường khu sơ chế,… nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm (nhiễm khuẩn) từ nhà xưởng và trang thiết cũng như đầu tư thêm thiết bị mới như đèn bắt côn trùng, thay thế máng đèn để tăng thêm ánh sáng khu vực dịnh hình.

–       Các chương trình tiên quyết SSOP và GMP được rà soát và bổ sung cập nhật lại theo yêu cầu mới của luật định, cụ thể rà soát 10 SSOP (an toàn nguồn nước, nước đá, kiểm soát trách nhiễm chéo, an toàn hóa chất, vệ sinh cá nhân, kiểm soát động vật gây hại, kiểm soát chất thải, kiểm soát tác nhân gây nhiễm, …) và các GMP cho từng sản phẩm, cụ thể: cho các mặt hàng như bạch tuộc, cá nục, cá tra lillet, cá tra fillet tẩm bột, mực nang, mực ống… và hàng nông sản như đậu bắp, cà tím…

–       Các kế hoạch HACCP và chương trình thẩm tra kế hoạch HACCP cho các sản phẩm như bạch tuộc, cá nục, cá tra lillet, cá tra fillet tẩm bột, mực nang, mực ống… và hàng nông sản như đậu bắp, cà tím… được thiết lập và kiểm soát một cách chặt chẽ.

–       Các sản phẩm định kỳ theo quy định được đưa đến cơ quan thứ 3 như Quatest 3, Nafiqad test mức độ nhiễm vi sinh cũng như các yếu tố khác nhằm đảm bảo sản phẩm luôn ở mức độ an toàn.

–       Toàn thể cán bộ công nhân viên trực tiếp sản xuất được khám sức khỏe theo quy định 6 tháng /lần và định kỳ hàng năm tái tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tạo ý thức tuân thủ nghiêm ngặt tránh lây nhiễm đến sản phẩm làm mất an toàn.

–       Hệ thống tài liệu được chuẩn hóa lại và bổ sung một cách đầy đủ theo các yêu cầu của ISO 220002005, cụ thể, chính sách an toàn thực phẩm, quy trình kiểm soát sự không phù hợp, quy trình truy hồi sản phẩm, quy trình đối phó tình huống khẩn cấp, chức năng nhiệm vụ quyền hạn… được thiết lập một cách đầy đủ.

–       Cập nhật các văn bản pháp quy có liên quan đến lĩnh vực hoạt động như Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, quyết định số 41/2005/QĐ-BYT,… vào hệ thống tài liệu bên ngoài.

–       Đầu tư thêm trang thiết bị, cụ thể băng chuyền kiểm tra nguyên liệu nhắm chuyên nghiệp hóa và giúp tăng năng suất,…

 

BIỂU ĐỒ SO SÁNH TRƯỚC VÀ SAU KHI ÁP DỤNG ISO 22000:2005

Chú thích:

1: Phân công trách nhiệm và quyền hạn

2: Kiểm soát tài liệu

3: Kiểm soát hồ sơ

4: Quản lý con người

 

5: Trao đổi thông tin nội bộ

6: Mục tiêu chất lượng

7: Giải quyết khiếu nại khách hàng

8: Mua hàng

9: Kiểm tra nguyên liệu đầu vào

 

Thông qua chương trình, Công ty rút ra bài học kinh nghiệm trong việc tăng cường hơn nữa khâu đào tạo nguồn lực, nâng cao hơn nữa kỹ năng của các cán bộ chủ chốt thông qua các khóa huấn luyện đào tạo về hệ thống, duy trì công việc áp dụng và cải tiến hệ thống liên tục hệ thống.

Cũng như Công ty cũng xác định phương hướng thời gian tới, đó là:

  1.  Duy trì hiệu lực và thường xuyên xem xét và cập nhật, cải tiến hệ thống ngày càng phù hợp và hiệu quả hơn.
  2.  Hoàn thiện và sửa chữa thêm nhà xưởng.
  3. Đào tạo nội bộ thường xuyên để CBCNV để luôn nắm được thông tin các quy định đảm bảo CBCNV thực hiện đúng các yêu cầu lãnh đạo đề ra.
  4. Tuân thủ chặt chẽ quy định về đánh giá chất lượng nội bộ và họp xem xét của lãnh đạo nhằm kịp thời xem xét tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống.
  5. Tiếp tục đăng ký các chương trình hỗ trợ áp dụng các công cụ năng suất chất lương thuộc thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Áp dụng các công cụ năng suất chất lượng (MFCA, Layout, Work sampling, Năng suất xanh, …) vào việc cải tiến để mang lại hiệu quả thiết thực cho công ty.

 

Kết luận

Việc áp dụng Hệ thống Quản lý An toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn TCVN ISO 22000:2007 của công ty bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan nêu trên. Với những kết quả ban đầu đạt được này đã giúp công ty cải thiện đáng kể trong việc cơ cấu tổ chức lại hệ thống quản lý chặt chẽ hơn, các quá trình trong trong hoạt động sản xuất đều được đưa vào kiểm soát chặt chẽ, vì thế chất lượng sản phẩm của công ty ngày càng ổn định hơn và ngày càng thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, giảm thiểu đáng kể lãng phí trong sản xuất và ý thức của CBCNV ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó Ban Lãnh đạo Công ty thấy được tầm quan trọng của việc áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm khi áp dụng vào công ty. Với sự quyết tâm của Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công nhân viên việc duy trì kiểm soát chất lượng sản phẩm sẽ ngày một chặt chẽ hơn.

Công ty tin rằng những kết quả đạt được là những bước đi đúng hướng trong mục tiêu về Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Công ty rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ các Sở ban ngành, cũng như Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2)  trong việc hỗ trợ tham gia Chương trình Năng suất Quốc gia, tham gia các dự án hỗ trợ của địa phương để tiếp tục được ổn định và phát triển. /.