Công cụ cải tiến KPI là động lực quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp

Thứ Tư, Tháng TưTháng Tư 16, 2025 | 17:06

Ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức áp dụng công cụ cải tiến KPI nhằm đo lường và đánh giá hiệu quả công việc, đây cũng được xem một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển. Một số doanh nghiệp điển hình áp dụng KPI có thể kể đến như: Giấy Sài Gòn, Ngân hàng ACB, Kinh Đô, Searefico, Tân Hiệp Phát, MIC…

KPI giúp doanh nghiệp đo lường và đánh giá hiệu quả công việc. Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, yêu cầu đánh giá hiệu quả công việc đối với mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển. Do đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến KPI (Key Performance Indicator) nhằm đo lường và đánh giá hiệu quả công việc thông qua số liệu, tỷ lệ, chỉ tiêu định lượng.

Các tổ chức, doanh nghiệp thường sử dụng KPI ở nhiều cấp độ khác nhau để đánh giá mức độ thành công của họ đối với mục tiêu đề ra từ trước. KPI ở level cao sẽ tập trung vào các chỉ số, mục tiêu chung của toàn doanh nghiệp. Ngược lại, KPI ở level thấp được sử dụng cho các hệ thống quy trình, cá nhân, phòng ban, nhằm đánh giá hiệu suất những công việc, tiến trình đơn lẻ.

Tại Công ty CP Cơ điện lạnh Thủy sản (Searefico), sau khi thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp và cổ phần hóa, Searefico đã xây dựng chiến lược kinh doanh và áp dụng KPI trong quản lý. Chỉ sau 2 năm, năng suất lao động của công ty (lợi nhuận/đầu người) đã tăng lên trên 50% và công ty chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán HoSE.

Hạy tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC), nhờ áp dụng công cụ KPI đã giúp đơn vị khắc phục những hạn chế trong mô hình trước đây, nâng cao lợi thế cạnh tranh, giảm sự chồng chéo giữa các bộ phận. MIC đã tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng, doanh thu bảo hiểm tăng hơn 23,2%, cao hơn 7% so với mức tăng doanh thu bình quân của thị trường bảo hiểm…

Các chuyên gia cho rằng, áp dụng KPI phải dựa trên tình hình thực tế của chính doanh nghiệp, nên bắt đầu với những mục tiêu nhỏ nhưng mang lại kết quả tốt. Còn KPI lớn có thể sẽ không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nếu như không đảm bảo tính khả thi.

Thanh Tùng