Công bố tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát đối với thịt lợn
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười 24, 2018 | 15:28 - Lượt xem: 2296
Chiều 17/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12429:2018 về thịt mát đối với thịt lợn. Tiêu chuẩn này vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ ký quyết định ban hành ngày 16/10.
Đây là sự kiện quan trọng nhằm giúp ngành chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp có đủ điều kiện tiến tới xuất khẩu thịt lợn. Theo quy định, thân thịt lợn ngay sau khi giết mổ ở dạng nguyên con hoặc xẻ đôi được đưa vào làm mát bảo quản đảm bảo tâm thịt ở phần dày nhất đạt nhiệt độ từ 0 đến 4 độ C trong thời gian không quá 24h sau giết mổ. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chăn nuôi lợn hiện chiếm khoảng hơn 60% giá trị ngành chăn nuôi Việt Nam. Sản lượng thịt lợn trong năm 2016 đã đạt mức 3,36 triệu tấn, tăng gần 5% so với năm 2015, đứng thứ 7 trên thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Brazil và Nga. Tuy nhiên, thịt lợn chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa trong khi sản lượng xuất khẩu còn rất nhỏ. Tại Việt Nam, thịt lợn chiếm tỷ trọng cao nhất gần 70% giữa các loại thịt trong bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng. Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12429:2018 về thịt mát đối với thịt lợn.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản cho biết hiện nay chất lượng thịt lợn còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù đã có các tiêu chuẩn về thịt tươi, thịt muối…, nhưng so với các chuẩn mực quốc tế thì thịt lợn của Việt Nam chưa có tiêu chuẩn mà quốc tế đang áp dụng. Gần đây, có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ có quy mô lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn chưa có. Chính vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với thịt mát là sự kiện quan trọng đối với ngành chăn nuôi.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, theo tiêu chuẩn này người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm thịt chất lượng ngon, an toàn do được bảo quản đúng quy trình và nhiệt độ ngay sau khi giết mổ, sẽ kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật, tăng chất lượng dinh dưỡng, cảm quan của miếng thịt. Lợn được giết mổ, sơ chế đưa vào làm mát đúng quy trình sẽ giảm sự mất nước bề mặt, không bị hao về cân nặng. Với doanh nghiệp nếu áp dụng theo tiêu chuẩn này, ông Chinh khuyến cáo cần dán nhãn mác hàng hóa để người tiêu dùng có sự phân biệt với những sản phẩm giết mổ thông thường, tăng giá trị sản phẩm.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin, hiện cả nước có 52/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt quy hoạch giết mổ. Tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, 11 tỉnh đã có quy hoạch giết mổ, nhưng toàn bộ khu vực này có tới 12.400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ tập trung lại thường xuyên hoạt động dưới công suất bởi đầu vào thấp, không cạnh tranh được với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thịt trâu, bò, ngựa, gà, vịt, ngan ngỗng sẽ tiếp tục được xây dựng tiêu chuẩn trong giai đoạn tiếp theo.
Tiêu chuẩn TCVN 12429:2018 do Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường và chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định.