CMCN 4.0 và cơ hội phát triển làng nghề thủ công truyền thống

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười 2, 2019 | 15:26 - Lượt xem: 1491

Từ ngày 2- 4/10, tại TP.Hồ Chí Minh, Tổng cục TCĐLCL phối hợp với Tổ chức Năng suất châu Á – APO tổ chức hội thảo về “Xu hướng Phát triển Làng nghề Thủ công truyền thống trong Thời đại Công nghiệp 4.0”.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp phát biểu tại hội thảo.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ hợp tác của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) với Tổ chức Năng suất châu Á (Asian Productivity Organization – APO). Chương trình có sự tham dự của ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL; Bà Jisoo Jun – Đại diện APO cùng các Giáo sư, diễn giả đến từ Canada, Ấn Độ, Úc và hơn 20 đại diện đến từ 13 quốc gia thành viên APO như Bangladesh, Fiji, Thái Lan, Indonesia,…

Bà Jisoo Jun – Đại diện APO chia sẻ tại hội thảo. 

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tìm hiểu những thách thức các làng nghề truyền thống đang phải đối mặt để đảm bảo tính bền vững, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh trong thời đại Công nghiệp 4.0, xây dựng kế hoạch hành động khả thi để giải quyết các vấn đề và thách thức đó nhằm tăng cường phát triển bền vững toàn diện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hà Minh Hiệp nhận xét: “Việt Nam là một trong những quốc gia có các làng nghề hình thành và phát triển rất sớm ở nhiều địa phương, nhiều vùng miền với các sản phẩm đặc sắc, mang đậm văn hoá, tâm hồn và nét tài hoa của người Việt như: thêu ren, trạm khảm, đúc đồng,… như làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, tranh thêu Quất Động, làng tranh sơn mài, làng gốm Bình Dương…

Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp chia sẻ về thách thức của sản xuất thông minh và những cơ hội làng nghề truyền thống đang phải đối mặt trong thời đại Công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, khi nhu cầu của ngành du lịch đang tăng lên, nhiều quốc gia châu Á đã gia tăng thu nhập của các làng du lịch thủ công, góp phần giúp quốc gia phục hồi kinh tế và tự cung tự cấp cho khu vực nông thôn. Vì lý do này, các chính phủ đã nỗ lực đáng kể để nhân rộng du lịch thủ công thành mô hình phát triển cộng đồng nông thôn thành công. Tuy nhiên, không phải làng nghề nào cũng thành công do sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình; khả năng tiếp thị sản phẩm và giới thiệu làng nghề còn hạn chế và thiếu chuyên nghiệp; chất lượng một số sản phẩm chưa cao, mẫu mã chưa phong phú nên sản phẩm khó tiêu thụ”.

“Bên cạnh đó, với xu hướng tự động hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhiều làng nghề thủ công truyền thống đã thành lập hợp tác xã, hình thành mô hình kinh doanh khép kín sản xuất đến tiêu thụ nhằm tạo sự liên kết, tăng sức cạnh tranh khiến nhiều làng nghề cũng gặp khó khăn về chi phí đầu tư hay nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng yêu cầu công nghệ”, ông Hiệp cho hay.

Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, các làng nghề Việt Nam nói chung và khu vực miền Nam nói riêng cũng đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện APO cùng các Giáo sư, diễn giả đến từ Canada, Ấn Độ, Úc và hơn 20 đại diện từ 13 quốc gia thành viên APO.

Thông qua hội thảo lần này các diễn giả đã chia sẻ chi tiết những mô hình điển hình tại Canada, Ấn Độ… thuận lợi và cả thách thức khi hướng đến nền Công nghiệp 4.0. Các chuyên gia, đại biểu từ các quốc gia cùng trao đổi đánh giá hiện tại và những thách thức mà các làng nghề truyền thống đang phải đối mặt trong thời đại Công nghiệp 4.0; đề xuất xây dựng lộ trình phát triển các làng nghề truyền thống cho Việt Nam nói riêng và các quốc gia thành viên APO nói chung vừa năng suất, vừa giữ được nét mềm mại, giá trị tinh thần và truyền thống dân gian đặc biệt đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Bảo Anh