Chuyên gia trả lời về giải pháp mã số mã vạch cho ngành bán lẻ

Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Năm 29, 2018 | 7:08 - Lượt xem: 4168

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế (GS1) là một tổ chức tiêu chuẩn toàn cầu, tiên phong trong việc xây dựng và phổ biến áp dụng các tiêu chuẩn tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối hàng hóa thông suốt chuỗi cung ứng. Tổ chức mã số mã vạch Việt Nam (GS1 Việt Nam) trực thuộc Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – TCĐLCL) là thành viên của GS1 từ năm 1995.

Từ chỗ lúc đầu chỉ có hơn 40 doanh nghiệp sử dụng MSMV, đến nay Việt Nam đã có khoảng 23.000 doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng mã số mã vạch, điều này đã tạo thuận lợi cho hàng triệu sản phẩm của Việt Nam được định danh trên kệ hàng của các siêu thị trong và ngoài nước.

Công nghệ MSMV được triển khai tại Việt Nam và đã mang lại những lợi ích to lớn cho ngành bán lẻ khi áp dụng mã số mã vạch vào trong quản lý, nhận diện hàng hóa, thanh toán thuận tiện. Đồng thời phục vụ cho người dân dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm thông tin và minh bạch thông tin sản phẩm hàng hóa tại các siêu thị và hệ thống bán lẻ khác.

Tuy nhiên, thực tế cũng phải nhìn nhận rằng, nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn chưa thực sự nhìn thấy lợi ích quan trọng cũng như tận dụng hết ưu điểm của MSMV trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Vì thế, để làm rõ hơn thực trạng này, Chất lượng Việt Nam Online tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Giải pháp mã số mã vạch nâng cao năng suất cho ngành bán lẻ Việt Nam”.

Chương trình giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp ngành bán lẻ áp dụng hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất chất lượng như ISO, 5S, LEAN… để nâng cao quản lý, hoàn thiện hệ thống vận hành, phục vụ người tiêu dùng, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm chi phí, mang lại năng suất, hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp.

Quảng bá về hoạt động MSMV do Tổng cục TCĐLCL triển khai, ứng dụng mã số mã vạch nâng cao năng suất trong hoạt động kinh hoanh và chất lượng hàng hóa trong siêu thị.

Bên cạnh đó, nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa khi áp dụng mã số mã vạch vào trong quản lý, nhận diện hàng hóa, thanh toán thuận tiện. Đồng thời phục vụ cho người dân dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm thông tin và minh bạch thông tin sản phẩm hàng hóa tại các siêu thị và hệ thống bán lẻ khác.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

– Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, Đại diện GS1 Việt Nam

– Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú – Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

– Ông Nguyễn Tiến Vượng – Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội – Hapro

– Ông Vũ Vinh Phú – Ủy viên Hội Mã số mã vạch Việt Nam

– Bà Phan Hồng Nga – Trưởng phòng Văn phòng Mã số mã vạch

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:
Xuân Đinh – xuandinhdinh@gmail.com
Thời gian gần đây, nhiều người thường dùng các phần mềm quét mã vạch trên smartphone để xác định hàng thật giả khi mua hàng hoá. Liệu kiểm tra mã vạch có giúp chúng ta xác định được hàng thật hay hàng nhái hay không?
Ông Vũ Vinh Phú – Ủy viên Hội Mã số mã vạch Việt Nam

Muốn đảm bảo quản lý một cách chặt chẽ, hiệu quả, ít chi phí nhất thì trước hết, đi đôi với hệ thống mã vạch chuẩn và thống nhất thì phải thiết lập các chuỗi sản xuất phân phối khép kín, có địa chỉ của từng công đoạn phải chịu trách nhiệm về những khuyết tật gây ra trong chuỗi đó. Phải kết hợp sản xuất có chất lượng, sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực hàng nông sản thực phẩm với sự áp dụng đồng bộ của quốc gia.

Cần lưu ý: từ khi có Nghị định 15CP của Chính Phủ về bỏ tiền kiểm, chuyển sang hậu kiểm hàng lương thực thực phẩm phục vụ cho tiêu dùng gia đình, điều này tuy góp phần cởi trói điều kiện kinh doanh cho sản xuất nhưng lại nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, điều đó đòi hỏi việc áp dụng MSMV trong chuỗi lương thực thực phẩm  trên thị trường nội địa càng trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Chúng ta phải kiến nghị Quốc hội cần sớm ban hành luật về việc sử dụng MSMV trong sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất có thể. GS1 VN cần tham mưu cho CP bộ ngành liên quan về vấn đề rất quan trọng này nhằm góp phần đưa công tác sử dụng MSMV vào nề nếp và ngày càng hiệu quả hơn trong hệ thống bán lẻ cũng như các lĩnh vực khác ở VN.

Nguyễn Thị Hồng Minh – hongmingnguyen011@gmail.com
Việc ứng dụng MSMV đem lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp trong sản xuất, phân phối sản phẩm hàng hóa. Và với chức năng, nhiệm vụ của mình, Tổng cục TCĐLCL đã làm gì để phát triển cũng như tối ưu hóa lợi ích của áp dụng mã số mã vạch vào doanh nghiệp?
Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang làm là xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia về mã số mã vạch. Như chúng ta đã biết hiện nay các sản phẩm hàng hóa đã được gắn mã vạch để tra cứu thông tin. Tuy nhiên thông tin đó chưa đầy đủ.

Dự kiến trong tháng 6/2018 sẽ hoàn thành việc xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia về mã số mã vạch.

Trung tâm này sẽ là tài nguyên về thông tin sản phẩm hàng hóa. Qua đó, các doanh nghiệp sản xuất, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp cũng như hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ có thể truy cập vào trung tâm để phát triển các dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ mã số mã vạch.

Trần Thị Mỵ – my.tran85@gmail.com
Doanh nghiệp sau khi đăng ký và được cấp mã số doanh nghiệp để sử dụng trên các sản phẩm của mình, có cần thông báo cho Tổng cục TCĐLCL không?
Bà Phan Hồng Nga – Trưởng phòng Văn phòng Mã số mã vạch

Trong Quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý MSMV được ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN ngày 23/8/2006 của Bộ KH&CN, Doanh nghiệp phải định kỳ thông báo danh mục mã số mã vạch sản phẩm sử dụng với Tổng cục. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Tổng cục đã xây dựng phần mềm trực tuyến: idd.gs1vn.org.vn miễn phí cho DNtự kê khai thông tin các sản phẩm của doanh nghiệp nhanh chóng, chính xác và tự động cập nhật vào cơ sở dữ liệu MSMV quốc gia.

Thông qua Cơ sở dữ liệu MSMV quốc gia này, các siêu thị có thể truy cập để thu thập thông tin về sản phẩm của những doanh nghiệp cung cấp hàng hóa.

Lê Thị Ngọc Hoa – ngochoalevnpt@gmail.com
Xin ông cho biết, hệ thống văn bản pháp quy liên quan tới MSMV tại Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu với thực tiễn hay chưa?
Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Ở Việt Nam hiện tại, hệ thống văn bản pháp quy liên quan tới MSMV tương đối đầy đủ.

Trong hai năm qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số văn bản quy định trách nhiệm rõ hơn của cá nhân, tổ chức khi đăng ký, sử dụng MSMV, quy định về lệ phí MSM. Hiện tại, Tổng cục TCĐLCL cũng đang trình Bộ KH&CN về đề án quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trên cả nước.

Khi đề án này được phê duyệt, chúng ta sẽ có thêm một cơ sở để cung cấp thông tin về sản phẩm hàng hóa, có một công cụ để xác định trường hợp hàng hóa bị lỗi, hoặc cơ sở để thông báo triệu hồi hàng hóa kém chất lượng.

Khánh An – khanhan248@gmail.com
Việc làm giả MSMV vẫn còn diễn ra dưới các hình thức như: tự ý lấy 1 MSMV của 1 doanh nghiệp khác để in lên sản phẩm của mình, tự nghĩ ra 1 MSMV và in trên sản phẩm lưu hành trên thị trường…
Ông Vũ Vinh Phú – Ủy viên Hội Mã số mã vạch Việt Nam

Dùng điện thoại thông minh quét mã vạch để phân biệt hàng thật hàng giả , đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Với lý do: nhiều khi có mã vạch chuẩn để quét nhưng hàng hóa đó vẫn là hàng giả, hoặc hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vũ Tuyết – binhminhtuyet@gmail.com
Ông có con số cụ thể nào để có thể minh chứng cho việc nhờ có MSMV mà năng suất lao động tăng lên và chi phí giảm đi tại DN của mình?
Ông Nguyễn Tiến Vượng – Phó tổng giám đốc thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO)

Từ chuyển đổi hệ thống bán hàng truyền thống sang áp dụng MSMV giảm đi một nửa số lượng nhân viên tại các cửa hàng, giảm thời gian thanh toán hàng hóa và tăng tính chính xác đến 50% trong quản lý bán hàng.  

Nguyễn Minh Trần Anh – trananh90@gmail.com
Thưa bà Tú, với vai trò là đơn vị đại diện của các nhà bán lẻ tại Việt Nam, bà có nhìn nhận như thế nào về sự phát triển của ngành bán lẻ những năm gần đây, cụ thể hơn thì việc áp dụng MSMV trong các DN bán lẻ đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển đó?
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú – Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

Theo tôi, với những doanh nghiệp bán lẻ thì mã số, mã vạch là công cụ đắc lực nhất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Ngành bán lẻ Việt Nam trước đây xuất phát 100% từ ngành bán lẻ truyền thống. Khi đó, người tiêu dùng thường mua hàng tại các chợ truyền thống, những sạp hàng, cửa hàng nhỏ lẻ và thậm chí là từ những gánh hàng rong. Từ những năm 1990 đến 1995 thì đã bắt đầu xuất hiện những cửa hàng bán lẻ đầu tiên ở Việt Nam. Ví dụ như tại Hà Nội, năm 1995 đã xuất hiện siêu thị trên tầng 2 Chợ Hôm là siêu thị Fivimart Trần Quang Khải còn thành phố Hồ Chí Minh thì năm 1996 siêu thị Co.op Mart được khai trương. Sau đó thì các thành phố khác các siêu thị cũng bắt đầu mọc lên.

Đến khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì ngành bán lẻ của của chúng ta phát triển rất nhanh và mạnh, bùng nổ và là động lực chính để phát triển ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam và giúp cho ngành bán lẻ Việt Nam mang một diện mạo mới, hiện đại và văn minh hơn.

Một số doanh nghiệp bán lẻ rất lớn ở nước ngoài cũng đã tận dùng những cơ hội mở cửa của thị trường Việt Nam đã đầu tư và thị trường. Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam cũng đã hợp tác với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.

Đa số những doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đầu tư bán lẻ vào Việt Nam cũng đã thực hiện mã số mã vạch rất chuyên nghiệp và điều đó làm cho việc cạnh tranh của thị trường bán lẻ tăng lên và khi môi tường cạnh tranh tăng, các doanh nghiệp bán lẻ đã tận dụng tối đa các công nghệ, kĩ thuật, các phương thức đổi mới để phù hợp và giảm thiểu nhân công nâng cao năng suất lao động.

Có thể nói, mã số mã vạch chính là công cụ hữu hiệu nhất để phát triển ngành bán lẻ tại Việt Nam trên tất cả mọi hoạt động từ mua hàng, bán hàng.

Mai Quốc Dũng – quocdung.vinafood@gmail.com
Doanh nghiệp của tôi muốn sử dụng mã số mã vạch nước ngoài cần phải làm gì?
Bà Phan Hồng Nga – Trưởng phòng Văn phòng Mã số mã vạch

Khi doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng mã số mã vạch nước ngoài cần làm thủ tục xác nhận với Tổng cục TCĐLCL. Hồ sơ đăng ký và lệ phí được đăng tải trên trang web Tổ chức GS1 Việt Nam: gs1.org.vn

Trần Thu Hoài – tranthuhoai1976@gmail.com
Vậy doanh nghiệp có được chuyển nhượng quyền sử dụng MSMV đã được Tổng cục TCĐLCL cấp cho doanh nghiệp khác không? Khi không còn nhu cầu sử dụng MSMV thưa bà Nga?
Bà Phan Hồng Nga – Trưởng phòng Văn phòng Mã số mã vạch

Doanh nghiệp không được chuyển nhượng quyền sử dụng MSMV. (Trên các sản phẩm lưu thông trên thị trường và các cơ sở dữ liệu vẫn mang thông tin doanh nghiệp).

Khi DN muốn ngừng sử dụng MSMV thì phải thông báo cho Tổng cục TCĐLCL và nộp trả giấy chứng nhận quyền sử dụng MSMV.

Nguyễn Thị Mai – mainguyen1689@gmail.com
Bà đánh giá như thế nào về tính chủ động cũng như việc tiếp nhận các công nghệ về Mã số mã vạch của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy thuận lợi trong thương mại?
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú – Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

Một mảng rất quan trọng của mã số mã vạch ảnh hưởng đến quản lý sản phẩm, quản lý chung của doanh nghiệp là quản lý hàng tồn kho.Trên cơ sở thiết bị, công nghệ khi sử dụng mã số mã số mã vạch người ta có thể kiểm đếm được hàng tồn kho để không bao giờ bị những vấn đề như: kho hết hàng, tồn hàng. 

Hoặc mã số mã vạch cũng giúp cho người quản lý hàng hóa biết được khi nào hàng hết trong kho để có thể điều phối hàng từ các cơ sở, nhập hàng. Cùng với đó, quản lý được lượng hàng tồn kho để có những phương pháp quản lý cũng như thúc đẩy quá trình bán hàng cho các sản phẩm này.

Hoặc là, khi có chuỗi cửa hàng thì mã số mã vạch có thể giúp cho lợi nhất.

Vân Bùi – vanbuithanh09@gmail.com
Nhiều DN sau khi in MSMV lên sản phẩm thì không thể quét được bằng máy quét hay điện thoại, điều này ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, theo ông lý do DN gặp phải là do đâu?
Ông Vũ Vinh Phú – Ủy viên Hội Mã số mã vạch Việt Nam

Hiện tượng có MSMV nhưng máy đọc thanh toán không thực hiện được là do trước hết bản thân máy đọc kém về chất lượng, tiếp theo là mã in chất lượng không đảm bảo do kĩ thuật. Nó đem lại những phiền toái cho bản thân doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, việc này theo tôi không phải là phổ biến nhưng cần nghiên cứu 1 cách thấu đáo hơn nhằm khắc phục những nhược điểm tồn tại trong hệ thống quản lý và thanh toán của các đơn vị bán lẻ.

Vũ Văn Tiến – tienvuvan_73@gmail.com
Thưa ông, ngoài những lợi ích mang lại về vấn đề năng suất bán hàng thì Việc sử dụng MSMV gần như là đầu tiên tại Việt Nam trong hệ thống siêu thị Hapro, việc này mang lại những hiệu quả như thế nào cho hoạt động doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Tiến Vượng – Phó tổng giám đốc thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO)

Ông Nguyễn Tiến Vượng tham gia trả lời trực tiếp nhiều câu hỏi của bạn đọc quan tâm

MSMV đóng vai trò rất lớn trong quản lý điều hành, bên cạnh đó, bởi việc nắm bắt kịp thời và đưa ra các phương án kinh doanh cho doanh nghiệp, MSMV còn là một tiêu chuẩn đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó, tạo dựng nên thương hiệu cho một doanh nghiệp.

Nguyễn Minh Phượng – phuongnguyenttvn@gmail.com
Được biết, Tổng cục TCĐLCL đã đưa vào vận hành phần mềm chính thống quét mã vạch trên điện thoại di động và cơ sở dữ liệu quốc gia về MSMV, xin ông chia sẻ thêm về thông tin này?
Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Scan and Check là một ứng dụng hiện đại của công nghệ mã số mã vạch. Sau khi chúng ta xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số mã vạch thì dựa trên cơ sở đó rất nhiều ứng dụng có thể xây dựng, phát triển. Tất nhiên, các ứng dụng khác ra đời vẫn sẽ kết nối thông tin với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số mã vạch.

Scan and Check là một ứng dụng thông tin chính thống cho người tiêu dùng, doanh nghiệp khi quét, kiểm tra hàng hóa sẽ truy cập được thông tin chính thức của sản phẩm hàng hóa trong cơ sở dữ liệu chung.

Sau này chúng tôi cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các hệ thống công cụ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số mã vạch. Một khi đã hình thành xong, doanh nghiệp có thể dễ dàng truy cập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và hoàn thành các thao tác trên nền tảng Internet, kể cả việc thanh toán.

Hoài Anh – hoaianhdo@gmail.com
Ông có dẫn chứng nào minh chứng cho việc sử dụng MSMV giúp cho ngành bán lẻ giảm chi phí, nâng cao được năng suất lao động?
Ông Vũ Vinh Phú – Ủy viên Hội Mã số mã vạch Việt Nam

Việc áp dụng MSMV đặc biệt là ở khâu bán lẻ đem lại nhiều tác dụng mà chúng ta mong muốn như: quản lý, dữ trữ kho quầy hàng, thanh toán với khách hàng, chống nhầm lẫn, bảo đảm uy tín của nhà bán lẻ khi phục vụ.

Góp phần cho việc vận chuyển thu mua hàng hóa nhanh chóng, ít chi phí nhất, quản lý giá cả hàng hóa , kinh doanh trong hệ thống bán lẻ, nhất là bán lẻ theo chuỗi, kể cả ở siêu thị và các cửa hàng tiện lợi đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ, quản lý chấm công nhân sự, công nợ, …

Nguyễn Thu Phương – phuong.nguyen27@gmail.com
Mã đáp ứng nhanh QR là gì ? Có cần đăng ký khi sử dụng mã QR không?
Bà Phan Hồng Nga – Trưởng phòng Văn phòng Mã số mã vạch

Mã vạch QR là một trong các loại mã vạch hai chiều, do một công ty của Nhật thiết kế chế tạo. Do có nhiều ưu việt nên mã vạch QR đã được tiêu chuẩn hóa thành tiêu chuẩn quốc tế (ISO/IEC 18004) để áp dụng chung trên toàn thế giới. Việt Nam đã công nhận ISO/IEC 18004 thành tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 7322) về loại mã này.

Các đặc tính ưu việt của mã vạch QR là:

•           Mã hóa được số lượng lớn thông tin và hình ảnh;

•           Tiết kiệm diện tích;

•           Mã hóa được tất cả các loại ký tự (tiếng Anh, Trung Quốc, Nhật Bản …);

•           Chính xác và an toàn khi quét.

Hiện tại có một số cơ quan đang có nhu cầu sử dụng mã QR trong quản lý nhân sự (công chức, bệnh nhân …) và vật phẩm (phụ tùng, chi tiết lắp ráp…).

Khi doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng mã QR, không cần đăng ký với Tổng cục (trừ trường hợp trong mã QR có chứa mã số sản phẩm GS1, doanh nghiệp tiến hành đăng ký sử dụng mã số doanh nghiệp)

Lâm Vỹ Dạ – lamvyda1990@gmail.com
Theo ông, việc ứng dụng công nghệ mã vạch vào các kênh bán hàng trong siêu thị có tác động như thế nào trong việc nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh?
Ông Nguyễn Tiến Vượng – Phó tổng giám đốc thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO)

Ứng dụng công nghệ mã vạch vào các kênh bán hàng trong siêu thị mang lại lợi ích trực tiếp cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đối với doanh nghiệp chúng tôi, MSMV mang lại hiệu quả cao từ khâu quản lý bán hàng đến quá trình điều hành, kinh doanh. Với khâu bán hàng, MSMV mang lại độ chính xác cao gần như tuyệt đối, giảm thiểu đáng kể mọi nhầm lẫn thường thấy trước đây đối với hệ thống bán lẻ truyền thống.

Một mặt khác, đối với người tiêu dùng, MSMV giúp người tiêu dùng có một định hình chung về sản phẩm.

Đặng Việt Mai Anh – maianhdang@yahoo.com.vn
Thưa bà Tú bà có thể chia sẻ thêm về tác dụng mã số mã vạch mang lại cho doanh nghiệp trong việc quản lý sản phẩm, quản lý rủi do của doanh nghiệp?
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú – Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

 Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú đang trả lời câu hỏi của bạn đọc gửi về chương trình Tọa đàm

Một số doanh nghiệp bán lẻ thương hiệu lớn tại Việt Nam đã nhận thức rất rõ tầm quan trọng và khai thác triệt để mã số mã vạch. Bên cạnh đó, các công cụ hỗ trợ sự phát triển của ngành bán lẻ cũng đều được xây dựng, dựa trên mã số mã vạch.

Các doanh nghiệp lớn cũng đã cập nhật hệ thống mã số mã vạch tiên tiến. Ví dụ, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ta dù ra đời chưa lâu nhưng đã tự tin cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ thế giới. Như vậy có thể nói doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam đã hội nhập thực sự. Đặc biệt, những cửa hàng nhỏ lẻ, cũng đã cập nhật được mã số mã vạch để giảm thiểu nhân lực. Chẳng hạn, khi có mã số mã vạch thì nhiều cửa hàng bán lẻ đỡ được một phần nào chi phí thuê nhân lực bán hàng…vân vân. Đó là những tiện ích thấy rõ mà mã số mã vạch mang lại.

Chúng ta cũng hi vọng rằng, bằng thời gian và kinh nghiệm kinh doanh thì ngành bán lẻ cũng sẽ tiếp nhận được những xu hướng tiêu dùng mới và nếu các doanh nghiệp bán lẻ không cập nhật nhanh mã số mã vạch thì họ sẽ không thể chủ động cũng như tăng năng suất bán hàng.

Trần Văn Nam – Namtranle7603@gmail.com
Có thể dùng công cụ check mã vạch để kiểm tra và biết được sản phẩm kém chất lượng hay không?
Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Hiện nay, doanh nghiệp cũng như cơ sở sản xuất, phân phối đều xây dựng hệ thống mã số mã vạch nội bộ. Thời gian tới Tổng cục TCĐLCL báo cáo Bộ KH&CN trình Thủ tướng xây dựng đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm thì sẽ hướng dẫn cho doanh nghiệp xây dựng và phát triển hệ thống mã số mã vạch nội bộ theo chuẩn của Tổ chức mã số mã vạch quốc tế.

Khi đó hệ thống dữ liệu của doanh nghiệp sẽ được cập nhật, sắp xếp theo chuẩn quốc tế, các hệ thống của doanh nghiệp có thể trao đổi, tương tác lẫn nhau. Dữ liệu của sản phẩm hàng hóa sẽ đi theo chuỗi, vượt ra khỏi phạm vi Việt Nam, gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với hệ thống dữ liệu chung về mã số mã vạch được chia sẻ giữa các bên thì sẽ phân định rõ được trách nhiệm của các bên (nhà sản xuất, nhà phân phối, bán lẻ) đối với chất lượng, thông tin nguồn gốc của sản phẩm hàng hóa.

Trần Đức – tranxuanduc78@gmail.com
Dưới góc nhìn kinh tế, ông có quan điểm như thế nào về việc cần phải thúc đẩy và các bộ ngành trong hoạt động ứng dụng MSMV vào quản lý nhân sự, truy suất nguồn gốc thực phẩm, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng và nhiều lĩnh vực khác nữa?
Ông Vũ Vinh Phú – Ủy viên Hội Mã số mã vạch Việt Nam

Tác dụng của MSMV đã rõ và còn rất nhiều tiềm năng, công dụng mà chúng ta chưa khai thác hết như các nước phát triển, chính vì vậy, chúng ta phải cần thiết có những giải pháp quyết liệt, hợp pháp hơn, để thúc đẩy việc áp dụng MSMV vào sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, điều đó chỉ có lợi cho việc giữ gìn thương hiệu hàng hóa, doanh nghiệp một cách bền vững. Đồng thời đảm bảo cho hàng hóa Việt lưu thông một cách nhanh chóng và hiệu quả, đi từ sản xuất đến khâu bán lẻ, nhằm nâng cao năng lực quản lý và cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ngay ở thị trường nội địa.

Lưu Xuân Trường – truonglx.81@gmail.com

Doanh nghiệp tôi đã được cấp mã số doanh nghiệp. Hiện nay chúng tôi ra thêm sản phẩm thì chúng tôi có phải đăng kí mã số doanh nghiệp khác không?
Bà Phan Hồng Nga – Trưởng phòng Văn phòng Mã số mã vạch

Khi đã được cấp mã số doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể dùng mã số doanh nghiệp của mình phân bổ cho các sản phẩm của mình. Nếu doanh nghiệp đã được cấp mã doanh nghiệp 10 chữ số, doanh nghiệp được phân bổ mã số sản phẩm từ 01 đến 99; Nếu doanh nghiệp đã được cấp mã doanh nghiệp 9 chữ số, doanh nghiệp được phân bổ mã số sản phẩm từ 001 đến 999; Nếu doanh nghiệp đã được cấp mã doanh nghiệp 8 chữ số, doanh nghiệp được phân bổ mã số sản phẩm từ 0001 đến 9999.

Việc phân bổ mã số cho các sản phẩm của mình sẽ do doanh nghiệp tự phân bổ sao cho các sản phẩm không bị trùng lặp mã số. Tuy nhiên khi phân bổ mã số cho các sản phẩm, doanh nghiệp phải cập nhật bản danh mục sản phẩm đã gán mã số mới nhất cho Tổng cục thông qua phần mềm trực tuyến IDD. Khi nào sử dụng hết quỹ số đã được cấp, doanh nghiệp mới cần đăng kí mã số doanh nghiệp khác.

Phạm Văn Anh – phamvananh88@gmail.com
Thưa bà Tú trong ngành bán lẻ thì Mã số mã vạch có hỗ trợ như thế nào với người tiêu dùng trong việc chọn lựa sản phẩm?
Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú – Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam

Đối với người tiêu dùng mã số mã vạch rất quan trọng vì giúp cho người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, giá cả và thậm chí là cả quá trình vận chuyển sản phẩm.

Người tiêu dùng khi mua sản phẩm có mã số mã vạch thì cũng có hữu ích trong việc nếu mua phải sản phẩm kém chất lượng thì có thể liên hệ lại doanh nghiêp để đổi trả sản phẩm.

Trịnh Thị Tuyết – tuyettrinh@yahoo.com.vn
Là DN bán lẻ, ông có chia sẻ như thế nào về thực tiễn áp dụng MSMV tại Hapro?
Ông Nguyễn Tiến Vượng – Phó tổng giám đốc thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO)

Với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ trong thời đại bùng nổ các tiến bộ trên mọi phương diện công nghệ thông tin như thời kỳ này, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý bán lẻ hàng hóa là một công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp quản lý được hệ thống sản phẩm hàng hóa một cách có hệ thống.

Hapro sở hữu hệ thống bán lẻ đa dạng từ thời bao cấp với mô hình bán hàng truyền thống đến thời đại công nghệ hóa với việc MSMV ra đời.

Chính vì vậy, Hapro ý thức rất lớn về tầm quan trọng của công cụ quản lý MSMV trong bán lẻ tại các hệ thống của hàng và siêu thị. Chính vì vậy, chúng tôi đã áp dụng và đồng bộ hóa hoàn toàn hệ thống MSMV trong tất cả quá trình quản lý hàng hóa.

Bản thân Hapro cho rằng, MSMV đã hỗ trợ doanh nghiệp rất lớn trong tất cả quá trình từ: Quản lý nhập hàng, nhận diện hàng hóa, quản lý kho hàng hóa, bán hàng qua máy, tính toán qua máy. Đồng thời MSMV giúp người tiêu dùng có thông tin và truy suất nguồn gốc sản phẩm.

Hiện nay, Hapro không ngừng cải tiến và liên tục cập nhật hệ thống quản lý mới để có thể tăng cường năng suất bán hàng và cạnh tranh với thị trường hội nhập.

Thảo Phương – thaophuong79@gmail.com
Ứng dụng mã vạch hiện nay ở Việt Nam tuy có phát triển nhưng sự đồng bộ hóa trong kinh doanh, sản xuất ở các doanh nghiệp chưa cao nên không sử dụng hết những ứng dụng của mã vạch. Xin ông cho biết thực trạng này?
Ông Vũ Vinh Phú – Ủy viên Hội Mã số mã vạch Việt Nam

 Ông Vũ Vinh Phú – Ủy viên Hội Mã số mã vạch Việt Nam

Tuy việc áp dụng MSMV khá rộng rãi và đạt được nhiều kết quả đáng quan tâm, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm: nhiều đơn vị sản xuất, sản phẩm chưa có MSMV để tiếp cận hợp pháp vào khâu bán lẻ, làm cho chuỗi sản xuất phân phối bị cắt khúc và không hiệu quả, nhất là những mặt hàng do Việt Nam sản xuất mà chúng ta đang khuyến khích tiêu dùng. Nạn sử dụng MSMV giả, đội lốt MSMV của đơn vị khác đã xuất hiện. Việc áp dụng MSMV vào hệ thống logistic chưa được nhiều.

Truy xuất nguồn gốc bằng MSMV là cần thiết, tuy nhiên còn phải thêm các công cụ hỗ trợ khác mới đảm bảo an toàn về chất lượng của hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa. Trên thị trường, hàng lậu hàng giả không cần MSMV vẫn hoạt động ngang nhiên, thậm chí được sản xuất ở một số địa phương một cách công khai, mà không bị nghiêm trị, hậu quả là những hàng hóa nghiêm túc tham gia hệ thống MSMV bị thiệt thòi. Có những trường hợp lợi dụng MSMV của GS1 VN để bán hàng nước ngoài mà không ghi rõ ràng made in sản xuất tại nước đó, hay ghi rất nhỏ, làm cho người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn là hàng ngoại quốc hoặc hàng Việt Nam chất lượng cao,…

Nguyễn Duy Phong – phongduy82.nd@gmail.com
Tại sao cần cả mã số và mã vạch? Không thể một trong hai, hoặc mã số hoặc mã vạch?
Bà Phan Hồng Nga – Trưởng phòng Văn phòng Mã số mã vạch

Trong công tác quản lý tại một siêu thị lớn kinh doanh một lúc hàng ngàn loại thương phẩm khác nhau. Mỗi loại thương phẩm có cùng đặc tính và giá tiền lại được nhập về từ hàng trăm nhà cung cấp khác nhau mà tốc độ tiêu thụ mỗi loại hàng cũng khác nhau tức nhu cầu quản lý để nhập tiếp mỗi loại hàng cũng khác nhau…

Như chúng ta biết, mã số là do con người ấn định để gán cho đối tượng cần quản lý. Nếu không dùng biện pháp mã hóa từng thương phẩm bằng mã số thì nhà quản lý sẽ mất nhiều công sức, thời gian cũng như giấy tờ để mô tả chúng bằng chữ viết. Khi không cần quét tự động người ta sẽ chỉ đặt mã số. Mã số ở đây chính là chìa khóa mở ra kho chứa toàn bộ dữ liệu liên quan đến thương phẩm, nhưng mã số có nhược điểm là máy móc chưa đọc được do vậy khi con người xử lý sẽ không thể tránh khỏi sai sót với tốc độ chậm.

Để giải quyết vấn đề này, mã số đã được mã hóa thành mã vạch (tức là một dãy các vạch và khoảng trống song song xen kẽ được sắp xếp theo một qui tắc mã hóa nhất định) dưới dạng máy quét có thể đọc được. Kết quả là chúng ta thấy khi bán hàng trong siêu thị, nhân viên bán hàng chỉ việc dùng máy quét để quét mã vạch trên thương phẩm.

Nhờ ứng dùng phần mềm và công nghệ thông tin kết hợp MSMV mà công tác quản lý cũng như kinh doanh đã trở nên nhanh chóng, chính xác, tự động…. đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng.

Vũ Duy Hùng – vuduyhung1992@gmail. com
Thưa ông, hiện nay MSMV là công cụ đắc lực phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh và quản lý của các doanh nghiệp. Ông có đánh giá như thế nào về hoạt động này tại Việt Nam?
Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

MSMV là ứng dụng công nghệ hiện đại để nhận dạng, giúp người tiêu dùng doanh nghiệp nhận biết thông tin sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường với các thông tin cơ bản nhất là nguồn gốc, xuất xứ.

Tại Việt Nam, MSMV xuất hiện từ năm 1995, đến nay đã là 23 năm. So với thế giới thì hoạt động MSMV ở Việt Nam phát triển còn chậm, chủ yếu ứng dụng để tra cứu thông tin qua nhãn mác gắn trên sản phẩm hàng hóa.

Tuy nhiên, nếu xét trong cả một hệ sinh thái, chuỗi cung ứng (từ sản xuất – vận chuyển – phân phối – bán lẻ – người tiêu dùng) thì hoạt động MSMV chưa phát huy hết được lợi ích cũng như mức độ ứng dụng thực tế của nó.

Nguyễn Minh – nguyenminhanh@gmail.com
Thưa ông, hiện nay mã số mã vạch (MSMV) là công cụ đắc lực phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh và quản lý của các doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động này tại các DN bán lẻ tại Việt Nam?
Ông Vũ Vinh Phú – Ủy viên Hội Mã số mã vạch Việt Nam

Hiện nay cả nước có khoảng 180 TTTM, 800 siêu thị và gần 4000 cửa hàng tiện lợi, 9000 chợ dân sinh. Việc áp dụng MSMV vào hệ thống phân phối Việt Nam đã bắt đầu manh nha từ những năm 94-95. Phía Nam là hệ thống bán lẻ của Saigon Coop và phía Bắc là siêu thị Số 7 Đinh Tiên Hoàng thuộc Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công Thương). Tuy nhiên, chục năm gần đây, việc áp dụng MSMV trong sản xuất kinh doanh mới được áp dụng tương đối phổ cập trong cả nước.

Không như thời gian ban đầu, việc áp dụng MSMV chủ yếu cho việc nhập hàng và thanh toán tại quầy với khách. Ngày nay, MSMV còn được áp dụng tương đối phổ biến ở rất nhiều lĩnh vực: Quản lý kho hàng, giá cả, tồn kho hàng hóa, quản lý hệ thống logistic. Gần đây, MSMV còn áp dụng để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm nhằm đảm bảo từng bước vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và chất lượng hàng hóa khi xuất khẩu.

Đỗ Ngọc Huy – ngochuy90.qtkd@gmail.com
Khách hàng của tôi báo quét mã sản phẩm trên smartphone không ra thông tin, nghi ngờ sản phẩm giả, xin bà lý giải tại sao lại như vậy?
Bà Phan Hồng Nga – Trưởng phòng Văn phòng Mã số mã vạch

Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng (app) trên smartphone để quét mã vạch sản phẩm của Việt Nam. Tuy nhiên chỉ có “Scan and Check” là ứng dụng chính thống duy nhất của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) để tra cứu thông tin sản phẩm do chính nhà sản xuất cung cấp thông qua việc quét mã số mã vạch trên sản phẩm. Ngoài ứng dụng này, Tổng cục không xác nhận, đảm bảo thông tin trên tất cả các ứng dụng quét mã số mã vạch khác.

(Nguồn:vietq)