Chuyên gia giải đáp trực tuyến: Truy xuất nguồn gốc cho hàng nông sản

Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Năm 30, 2019 | 11:36 - Lượt xem: 4538

Sáng nay 30/5, tại Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn), các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp cùng tọa đàm về vấn đề truy xuất nguồn gốc trong xuất khẩu nông sản.

 

Các khách mời tham gia chương trình Tọa đàm

Tình trạng gian lận thương mại, lập lờ xuất xứ sản phẩm của không ít doanh nghiệp trong thời gian qua đã gây bức xúc trong nhân dân không chỉ làm suy yếu năng lực cạnh tranh của chính các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng các nguyên tắc vận hành của nền kinh tế.

Trong bối cảnh khách hàng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.

Đặc biệt, đối với xuất khẩu, việc ứng dụng mã số mã vạch để truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, nhất là nông sản giúp người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp đã có giấy thông hành vào các thị trường khó tính trên thế giới, tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam.

Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là hoạt động còn khá mới, tuy nhiên hoạt động này đã và đang được triển khai nhanh chóng.

Để làm rõ hơn vấn đề này, Chất lượng Việt Nam online tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Truy xuất nguồn gốc – “Giấy thông hành” xuất khẩu nông sản ra thế giới”.

Tham gia chương trình gồm có các khách mời:

– Ông Lê Thanh Hòa – Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản – Bộ NN&PTNT.

– Ông Bùi Bá Chính- Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

– Ông Võ Việt Dũng – TGĐ Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội.

Chương trình tọa đàm sẽ bắt đầu lúc 9h30′ và trực tuyến trên Chất lượng Việt Nam online – Vietq.vn.

MC Việt Hà dẫn chương trình

MC: Thưa ông Hòa: Hiện nay, tình trạng gian lận thương mại, lập lờ xuất xứ sản phẩm diễn ra khá nhiều, mức độ ngày càng tinh vi, nhất là đối với hàng hóa nông sản, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Ông có thể nói rõ hơn về thực trạng này?

Ông Lê Thanh Hòa – Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản: Về tình trạng gian lận thương mại, lập lờ xuất xứ theo tôi nó theo hai hình thức chính. Một là tình trạng gian lận xuất xứ nguồn gốc đối với các sản phẩm nông sản mà Việt Nam chúng ta nhập khẩu. Có tình trạng doanh nghiệp trục lợi bằng cách làm sai nguồn gốc xuất xứ để tăng giá trị sản phẩm. Ví dụ trước đây chúng ta phát hiện tình trạng táo nhập khẩu từ Trung Quốc vào nhưng lại ghi xuất xứ từ New Zealand. Do vậy giá bán sẽ bị đẩy lên rất cao, người tiêu dùng bị đánh lừa.

Một vấn đề nữa là gian lận xuất xứ của nước thứ ba qua Việt Nam và xuất khẩu qua nước khác. Ví dụ như việc một số công ty Trung Quốc dùng chiêu thức trá hình như nhờ người Việt đứng tên hoặc công khai đăng ký tại Việt Nam để nhập hàng hóa vào Việt Nam “gia công, sản xuất” nhưng thực chất chỉ thay đổi chút ít về nhãn mác, ghi thêm “Made in Việt Nam” rồi lấy C/O (giấy chứng nhận xuất xứ) Việt Nam để xuất khẩu – tái xuất nhằm hưởng thuế thấp ưu đãi cho Việt Nam tại nước nhập khẩu.

Hoặc có trường hợp sản phẩm mật ong của Mỹ nhưng lại lấy CO của Việt Nam để xuất sang nước khác. Với tình trạng này tôi nghĩ Việt Nam cũng các nước khác nên có những biện pháp thắt chặt quản lý nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tránh tình trạng gian lận thương mại diễn ra nhiều, ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

MC: Trước thực tế này, xin ông Bùi Bá Chính cho biết, Nhà nước đã có những chính sách gì để quản lý hàng hóa, đặc biệt việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực này?

Ông Bùi Bá Chính – Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia: Liên quan đến các hoạt động truy xuất nguồn gốc hiện tại cũng có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp các giải pháp truy xuất nguồn gốc thì chưa có hiệu ứng mạnh, chưa trở thành giải pháp để bây giờ giúp người tiêu dùng phân biệt các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch và trước khi quyết định dừng sản phẩm nào dựa trên nguồn gốc mà họ công bố.

Từ nhu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 100/QĐ-TTg được kí vào ngày 19/01/2019. Trong quyết định đó, Thủ tướng mong muốn triển khai, áp dụng và thống nhất quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn quốc. Trong quyết định, Thủ tướng giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ và các Ủy ban nhân dân trên 63 tỉnh thành thống nhất hệ thống truy xuất nguồn gốc trong các sản phẩm quản lý của bộ mình để kết nối với Cổng thông tin truy xuất quốc gia lưu thông thông tin.

Các bộ ngành có thể tự xây dựng cổng truy xuất nguồn gốc và qua đó cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia có thể mở các cổng để doanh nghiệp sản xuất, vận chuyển, bán lẻ có thể kế nối để truy xuất các thông tin cần thiết phục vụ quá trình sản xuất hàng hóa. Với mục tiêu cuối cùng là xây dựng nên một hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc sao cho các sản phẩm có thể truy xuất không giới hạn phục vụ nhu cầu không chỉ của người tiêu dùng mà còn phục vụ nhu cầu của các đơn vị bán lẻ sử dụng làm thương mại điện tử, cũng có phục vụ quản lý nhà nước của các đơn vị.

 

 Khách mời Bùi Bá Chính (bên phải) đang trao đổi cùng ông Lê Thanh Hòa (giữa) và MC Việt Hà

MC: Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm không chỉ tạo niềm tin cho người tiêu dùng, mà còn là đòn bẩy để tăng trưởng xuất khẩu, giúp DN chinh phục được thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Xin hỏi ông Hòa, ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?

Ông Lê Thanh Hòa – Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản: Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được áp dụng từ rất lâu tại các nước phát triển. Trước kia chúng ta đã phải làm vấn đề truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào Hoa Kỳ và EU.

Ở đây truy xuất nguồn gốc không chỉ có ý nghĩa truy lại cái nơi sản xuất ra sản phẩm mà ở đây tất cả những hồ sơ liên quan đến quá trình sản xuất các sản phẩm đó. Đối với từng lô sản phẩm đều phải yêu cầu truy xuất được để khi mà xảy ra vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm thì người ta có thể truy ngược lại xem sản phẩm đó được sản xuất vào ngày nào, từ nguồn nguyên liệu mua của trang trại nào. Và từ đó để có hướng dẫn, khắc phục những vấn đề đó trong tương lai.

MC: Xin hỏi ông Dũng, là doanh nghiệp triển khai áp ứng dụng mã số mã vạch trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hoạt động này đã mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp? 

Ông Võ Việt Dũng – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội: Dưới góc độ truy xuất nguồn gốc, tôi nhất trí với ông Chính. Không phải bây giờ chúng ta mới thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc mà từ xa xưa, ông cha ta đã lưu ý đến vấn đề này. Bằng chứng, ông cha ta nói: “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Có nghĩa là ông cha ta đã truy xuất nguồn gốc rất lâu rồi.

Họ có mua giống cây trồng đều đến tận vườn để xem. Ví dụ, ở Hưng Yên có cây nhãn tổ. Đấy là một ví dụ về truy xuất nguồn gốc.

Đối với doanh nghiệp, chúng tôi hoạt động về sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu nguyên liệu. Chúng tôi cũng phải sang nước ngoài để xem cánh đồng của họ canh tác trồng trọt, công nghệ trồng trọt, thu hoạch, thậm chí công nghệ chuyển từ trong kho, giá lên tàu ra sao?

Nhà máy sản xuất, công nghệ áp dụng ra sao; các thủ tục hải quan, kiểm dịch hàng hóa, truy xuất nguồn gốc ra sao?

Các công tác sản xuất trong nước: vì đòi hỏi của nhu cầu xã hội, tiêu dùng, đặc biệt đấy là động lực để chính doanh nghiệp phát triển. Thứ nhất, phát triển trình độ quản lý, công nghệ quản lý, quan trọng nhất là công việc phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của xã hội.

Hiện nay, chúng tôi đã áp dụng mã QR code từ 2016. Chúng tôi là doanh nghiệp đầu tiên làm về thực phẩm tươi sống. Lần đầu tiên công bố điều này, nhiều người tiêu dùng hồ hởi, phấn khởi và cảm thấy lạ lẫm khi lấy điện thoại thông minh quét mã QR trên miếng thịt sống, ra được thông tin như: con lợn được nuôi ở trang trại nào, ăn những thực phẩm gì, vào giống vào chuồng ngày bao nhiêu? ngày giết mổ; liên hệ chủ trang trại…

Nhà sản xuất “danh có chính thì ngôn mới thuận” đây là nhu cầu mà doanh nghiệp chúng tôi nhìn thấy về vấn đề lợi ích.

MC: Hiện nay có nhiều hệ thống truy xuất nguồn gốc tự phát, loạn tem truy xuất với các vòng truy xuất ma đồng thời có rất nhiều sản phẩm của doanh nghiệp quảng cáo cung cấp các giải pháp truy suất nguồn gốc. Tuy nhiên, khi check thông tin mã vạch chỉ ra các thông tin cơ bản về sản phẩm, như vậy các thông tin này có đáng tin cậy hay không và có truy suất được nguồn gốc thực sự của sản phẩm hay không thưa ông Chính?

Ông Bùi Bá Chính – Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia: Theo tôi, sự xác thực thông tin, giám sát thông tin còn thiếu một bên thứ 3. Nếu người đưa thông tin lại muốn là làm sai lệch thông tin ngay từ đầu thì ai kiểm soát chuyện đó.

Ngày 19/01/2019, tại Quyết định số 100/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Trong đó, việc xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất cả nước: Phổ biến tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tài liệu để hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp trong việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, in ấn, phát hành, quản lý và sử dụng thẻ truy xuất nguồn gốc. Chuẩn hóa, minh bạch hóa thông tin truy xuất nguồn gốc thông qua việc chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc của tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.

Về nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc: Triển khai nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và các công nghệ phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Thực tế việc triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc tại một số địa phương đã có sự tham gia của cơ quan chính quyền địa phương. Tuy nhiên, việc chưa có chế tài quy định xử phạt vi phạm liên quan đến việc áp dụng truy xuất nguồn gốc dẫn đến không kiểm soát được chất lượng dữ liệu truy xuất nguồn gốc, làm giảm lòng tin và gây tâm lý e ngại của người tiêu dùng vào thực tế truy xuất của doanh nghiệp hiện nay.

Về hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn: Hệ thống TCVN, QCVN và các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc của Việt Nam chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ và thống nhất. .

Thói quen và ý thức làm việc không tuân thủ quy trình, ngại ghi chép của doanh nghiệp và người lao động Việt Nam là yếu tố khiến dữ liệu truy xuất nguồn gốc không đầy đủ, cập nhật so với yêu cầu về thông tin truy xuất nguồn gốc.

MC: Dưới góc độ của doanh nghiệp đã ứng dụng mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc, theo ông Dũng, đâu là khó khăn cho doanh nghiệp trong việc ứng dụng mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc ?

Ông Võ Việt Dũng – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội: Nếu doanh nghiệp quyết tâm minh bạch hóa sản phẩm, thì khó khăn không quá lớn. Vì đầu tư truy xuất nguồn gốc không quá lớn như hạ tầng khác, thậm chí các cơ quan Nhà nước còn đầu tư phí cho truy xuất nguồn gốc mà không mất tiền.

Bây giờ tôi rất thích cụm từ “hệ sinh thái”. Làm gì thì làm, phải có một đơn vị quản lý nó. Như là một cái cây, có cành nhánh lá nhưng mà phải về một cây.

Doanh nghiệp cũng như vậy, phải có hệ thống quản lý. Nếu ai cũng công bố được thì nó trở nên loạn. Những doanh nghiệp họ vì chính bản thân họ để phát triển, lo nghĩ về uy tín, thương hiệu… đầu tư không dám làm sai. Nhưng cũng có những doanh nghiệp chỉ nghĩ lợi ích của mình mà làm sai. Do đó, về phía cơ quan nhà nước phải có quản lý về truy xuất nguồn gốc. Nhưng phải là hệ sinh thái chứ không phải là độc quyền duy nhất.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PT NT) phải có phần mềm, hệ thống nền tảng để doanh nghiệp mua; hoặc các đơn vị, công ty phần mềm khác phải đấu nối vào bộ NN&PT NN để tương thích, chuẩn hóa…

Khi đó, thực sự mới là hệ sinh thái. Nhưng hệ sinh thái nào cũng phải có chuẩn của nó, không thể tự do được. Mình cũng phải có luật truy xuất nguồn gốc, mọi thứ phải theo luật, hướng đến một xã hội văn minh.

Khó khăn thứ hai, những sản phẩm được gắn mã QR code thực sự chưa phải nhiều. Không phải tất cả dân chúng biết đến mã QR code, chỉ một nhóm ở thành phố mới biết. Do đó, nhiều người dân ở nông thôn cũng không tiếp cận được thông tin này và đây là cơ sở để các sản phẩm không rõ nguồn gốc, tem giả, mác giả… được tuồn ra thị trường. Bây giờ phải tăng cường công tác tuyên truyền. Nên chăng, phải có quy định rất rõ về truy xuất nguồn gốc.

Muốn chất lượng sản phẩm tốt, nhưng lại đưa ra những điều khó khăn không thể thực hiện truy xuất nguồn gốc. Do vậy, nhà sản xuất muốn đầu tư, họ cũng rất nản.

Bộ NN&PT NT, Bộ Khoa học và Công nghệ phải có quy định về quản lý. Đã là sản phẩm, hàng hóa thì phải có mã QR code.

MC: Xin hỏi tiếp ông Dũng, ông có thể chia sẻ về cách làm của doanh nghiệp trong việc minh bạch thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua ứng dụng truy xuất nguồn gốc các sản phẩm?

 

 Ông Võ Việt Dũng – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội

Đối với chúng tôi, là doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu nguyên liệu. Việc đầu tiên là chúng tôi sang nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm sản xuất của các nước. Chúng tôi đến những cánh đồng, quan sát việc canh tác trồng trọt, công nghệ trồng trọt, thu hoạch, thậm chí công nghệ chuyển từ trong kho, giá lên tàu ra sao? Sau đó, học hỏi và áp dụng vào thực tiễn sản xuất. 

Năm 2016, chúng tôi đã đưa mã QR code vào sản xuất. Ví dụ sản phẩm thịt lợn tươi sống. Lần đầu tiên công bố điều này, nhiều người tiêu dùng hồ hởi, phấn khởi và cảm thấy lạ lẫm khi lấy điện thoại thông minh quét mã QR code trên miếng thịt sống, ra được thông tin như: con lợn được nuôi ở trang trại nào, ăn những thực phẩm gì, vào giống vào chuồng ngày bao nhiêu? ngày giết mổ, liên hệ chủ trang trại…

MC: Quy định dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc bắt đầu từ năm 2019, nhưng đến nay nông dân nhiều nơi vẫn chưa biết. Hiện khoảng 22 tỉnh, thành chưa có mã số vùng trồng, 33 tỉnh, thành chưa có mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc. Xin hỏi ông Chính những biện pháp, giải pháp cho vấn đề này?

Ông Bùi Bá Chính – Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia: Tuy đầu năm 2019, Tổng cục Hải Quan Trung Quốc đã yêu cầu về bắt buộc truy xuất nguồn gốc với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng thực tế đã có yêu cầu bắt buộc truy xuất nguồn gốc từ năm 2015 tại tại Điều 42, chương 4 của Luật An toàn Thực phẩm Trung Quốc năm 2015, trong đó việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc đối với mặt hàng thực phẩm và thông tin truy xuất nguồn gốc phải kê khai trên hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia. Tính đến thời điểm hiện tại có 08 loại hoa quả với 1862 đơn vị được cấp mã định danh do Cục bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp Nông thôn) thực hiện.

Tuy nhiên với thông tin 22 tỉnh, thành chưa có mã số vùng trồng và 33 tỉnh, thành chưa có mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc thì công việc này vẫn còn phải thực hiện nhiều, và cần phải thay đổi vì thực tế mã vùng trồng này chỉ dùng được cho thị trường Trung Quốc mà không dùng được cho thị trường khác. Để giải quyết vấn đề này Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (đơn vị trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – chủ trì đề án 100) đã kết nối với CCIC để thực hiện các khó khăn trên. Hai bên đang đàm phán và dự kiến triển khai công việc ngay trong năm 2019.

Theo tiêu chuẩn của Trung Quốc thì hiện tại thị trường Việt Nam chưa có một đơn vị nào đủ theo các tiêu chuẩn của CCIC truy xuất nguồn gốc nên tạm thời vẫn chưa yêu cầu thực hiện đúng theo tiêu chuẩn của Trung Quốc. Hiện tại trung tâm mã số mã vạch sẽ hướng dẫn cho tất cả các đơn vị tỉnh thành và các bộ ngành quản lý để thực hiện đúng theo tiêu chuẩn của CCIC về truy xuất nguồn gốc và sau đó trung tâm mã số mạch là đơn vị chứng nhận các tiêu chuẩn đó và kết nối thông tin với các cơ quan của Trung Quốc. Trong đó việc CCIC của Trung Quốc đã làm việc và kí kết với hải quan của Quảng Tây và Vân Nam chỉ có duy nhất CCIC truy xuất nguồn gốc là có thể gửi thông tin trực tiếp cho hải quan để thực hiện quá trình thông quan. 

MC: Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông Hòa?

Ông Lê Thanh Hòa – Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản: Trên thực tế đối với hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc, nước này cũng đã yêu cầu Việt Nam cung cấp cho họ thông tin về danh mục hoa quả được phép xuất khẩu vào Trung Quốc và vùng trồng các loại hoa quả đó. Từ năm 2008, chúng ta cũng đã tiến hành thông báo tuy nhiên nó chưa đạt đến mức độ cụ thể về mã số nguồn gốc của từng sản phẩm.

Phía Trung Quốc cũng đã yêu cầu sản phẩm Việt Nam (cụ thể là 10 loại hoa quả xuất khẩu) phải cung cấp danh sách mã số các vùng trồng, mã số các nhà máy đóng gói để trên cơ sở đó người ta giám sát chất lượng sản phẩm.

Và để cung cấp được mã số các vùng trồng, mã số các nhà máy đóng gói thì phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh cũng như các yêu cầu khác trong quá trình trồng trọt, thu hái. Nếu đạt yêu cầu thì cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục Bảo vệ thực vật mới quyết định cấp mã số đó cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói. Còn về việc mà rất nhiều địa phương vẫn chưa nắm được nội dung này thì trên thực tế chúng tôi sau khi làm việc với Hải quan Trung Quốc vào cuối năm 2018 thì cũng đã có văn bản gửi tới các tỉnh thông báo việc này.

Bản thân Sở NN&PTNT các tỉnh phải thông báo cho các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn của tỉnh mình để đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật. Hiện Cục cũng đã ủy quyền cho hai đơn vị là Trung tâm kiểm dịch sau nhập khẩu 1 và 2 để tiến hành làm việc với các địa phương và kiểm tra cấp mã số vùng trồng cũng như kiểm tra các điều kiện  của các nhà sơ chế, cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau khi kiểm tra đạt yêu cầu mới được cấp mã số.

MC: “Hệ thống truy xuất nguồn gốc” trước mắt sẽ được áp dụng đối với một số nhóm sản phẩm, trong đó, có nhóm nông lâm thủy sản, thực phẩm. Ông Hòa có thể cho biết, việc ứng dụng Hệ thống truy xuất nguồn gốc trong nhóm hàng nông sản thực phẩm có tác dụng thế nào trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nông sản?

Ông Lê Thanh Hòa – Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản: Việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc là một nội dung rất quan trọng để khẳng định được sản phẩm đó đảm bảo an toàn thực phẩm. Trên thực tế tất cả sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là thủy sản đã áp dụng truy xuất nguồn gốc nhiều năm nay rồi. Đối với các sản phẩm rau, hoa quả thì gần đây chúng ta mới triển khai, đặc biệt sau yêu cầu của thị trường Trung Quốc.

 Trên thực tế, việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với nông sản không phải là mới với các nước tiên tiến trên thế giới nhưng đối với nước ta hiện vẫn còn mới. Bà con chúng ta vẫn chưa quen với việc ghi chép lưu trữ hồ sơ liên quan tới quá trình sản xuất. Bởi vì ở đây không chỉ có việc chúng ta dán cho sản phẩm một mã QR mà vấn đề là các sản phẩm đó được sản xuất như thế nào, trồng cây, thu hoạch ra làm sao. Đó là tất cả hồ sơ, thông tin cần lưu trữ bởi khi có vấn đề về mất vệ sinh an toàn thực phẩm thì lô sản phẩm đó phải bị triệu hồi, trên cơ sở thông tin lưu trữ thì nước nhập khẩu sẽ yêu cầu chúng ta kiểm tra lại xem lô nào hỏng, của cơ sở nào, sản xuất đóng gói ngày nào. Hồ sơ phải lưu trữ tối thiểu trong 2 năm.

MC: Thưa ông, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”. Ông Chính có thể cho biết những nội dung chính của đề án này?

Ông Bùi Bá Chính – Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia: Ngày 19/01/2019, tại Quyết định số 100/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc Đề án có một số nội dung chủ yếu. Đề án nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa. 

Đồng thời, đề án hướng đến nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc. 

Trong đó, từ nay đến năm 2020 phấn đấu rà soát các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; xây dựng, ban hành tối thiểu 5 tiêu chuẩn quốc gia, một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc và tài liệu hướng dẫn áp dụng; triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa trong nước như nông lâm thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh; xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. 

Giai đoạn đến năm 2025 hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc, các tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể.

Bên cạnh đó có tối thiểu 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế; hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam. 

Giai đoạn đến năm 2030 hoàn thiện Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bảo đảm nhu cầu trao đổi, khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; hoàn thiện hệ thống quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế. 

Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc; thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Năm giải pháp đã được đề cập trong Đề án 100 bao gồm:

  1. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
  2. Xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước.
  3. Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc.
  4. Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong truy xuất nguồn gốc.
  5. Thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia

MC: Xin hỏi đại diện Bộ NN&PTNT, hiện nay, truy xuất nguồn gốc được coi là tấm giấy thông hành để xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn, điều này được thể hiện cụ thể như thế nào?

Ông Lê Thanh Hòa – Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản: Các nước như Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ đều làm rất chặt vấn đề  truy xuất nguồn gốc. Ví dụ khi chúng ta xuất khẩu nông sản vào Hoa Kỳ thì người ta yêu cầu tất vùng trồng, nhà đóng gói phải được Hoa Kỳ (chứ không phải Việt Nam) cấp mã số.

Ngay cả việc chiếu xạ đối với sản phẩm xuất khẩu, thì cơ sở nào được Hoa Kỳ xác nhận thì mới được tiến hành chiếu xạ, phải đảm bảo giám sát tất cả các mối nguy hại có thể xảy đến từ sản phẩm. Hàn Quốc cũng vậy.

Đối với thị trường Trung Quốc, hiện mới chỉ thực hiện đến bước truy xuất vùng trồng và quy định cụ thể do Việt Nam thực hiện. Trường hợp sản phẩm có vấn đề họ mới sang kiểm tra lại mọi thứ.

Thông thường thì cơ quan Việt Nam sẽ làm việc với Trung Quốc để thống nhất chung các vấn đề liên quan quy định kiểm dịch, an toàn thực phẩm. Phía Việt Nam sẽ cung cấp thông tin vùng trồng, cơ sở đóng gói cho Hải quan Trung Quốc để họ cho phép nhập khẩu.

MC: Là đơn vị chủ trì và hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” cho các doanh nghiệp, ông Chính có thể cho biết, cần phải có những tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật gì để doanh nghiệp dựa vào đó làm căn cứ áp dụng truy xuất nguồn gốc của đơn vị mình?

Ông Bùi Bá Chính – Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia: Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia là đơn vị chủ trì và hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” cho các doanh nghiệp trong đó trung tâm có những tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật để doanh nghiệp làm căn cứ áp dụng truy xuất nguồn gốc.

Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia đã nghiên cứu tiêu chuẩn, quy định của các tổ chức quốc tế để xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, tài liệu hướng dẫn chung về truy xuất nguồn gốc trong đó:

– Xây dựng 06 bộ tiêu chuẩn Việt Nam về thịt, rau củ quả, rựơu bia, thuốc lá, thủy sản, lâm sản.

– Tối thiểu 1 quy chuẩn Việt Nam quy định về truy xuất nguồn gốc.

– Xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn Việt Nam và 02 quy chuẩn Việt Nam.

Triển khai mô hình hoạt động chứng nhận sự phù hợp (bên thứ ba) đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc:

– Xây dựng chương trình chứng nhận sự phù hợp (bên thứ ba).

– Xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ KHCN chỉ định đơn vị công nhận chương trình chứng nhận.

– Chỉ định 01 tổ chức chứng nhận áp dụng mô hình chứng nhận sự phù hợp trên.