Chuyên gia cảnh báo các nguy hiểm khi dán băng keo vào miệng lúc ngủ
Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Chín 16, 2022 | 10:58 - Lượt xem: 1011
Dán băng keo vào miệng khi ngủ đang là một trào lưu, tuy nhiên theo các bác sĩ, điều này vô cùng nguy hiểm, nhất là với trẻ nhỏ và người già.
Trên thị trường hiện nay, nhất là trên các chợ mạng bán rất nhiều loại miếng dán băng keo vào miệng khi ngủ với giá thành khác nhau từ 20.000 đến 50.000 đồng/chiếc. Những sản phẩm này được quảng cáo như: miếng dán chống ngáy ngủ, ngủ ngon, ngủ sâu chỉ vài phút, miếng dán chống thở bằng miệng để tránh khô miệng, hôi miêng, tránh chứng ngưng thở khi ngủ….
Đặc biệt trên các trang mạng xã hội xuất hiện trào lưu dán băng keo vào miệng để ngủ ngon, hạn chế ngủ ngáy, ngăn chặn tình trạng khô họng được nhiều người áp dụng. Nhưng trào lưu mới này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo chia sẻ của các video hướng dẫn thực hiện trào lưu dán băng keo vào miệng bằng cách dùng băng kín miệng mình lại trước khi chìm vào giấc ngủ dài. Nhưng trào lưu này được các chuyên gia sức khỏe đánh giá là hành động có thể gây hại cho sức khỏe người thực hiện, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ.
Dán băng keo vào miệng khi ngủ tiềm ẩn nhiều rủi ro, tránh sử dụng. Ảnh minh họa
Theo BS Vũ Đại Dương (làm việc tại TP.HCM), khi ngủ, không khí từ môi trường bên ngoài sẽ đi qua mũi hoặc miệng, đi vào trong hầu họng, tiếp đó đi xuống vùng thanh quản, khí quản, đến phổi. Khi chúng ta thức dậy, các cơ sẽ co lại, làm thông thoáng đường thở. Ngược lại, khi ngủ, các cơ bắp sẽ thư giãn, làm hẹp đường thở. Do đó, không khí được chúng ta hít vào, đi qua một đường thở hẹp sẽ làm rung lắc các mô cơ quan, từ đó tạo ra những tiếng ngủ ngáy nhất là khi ngủ sâu giấc.
BS Vũ Đại Dương giải thích: “Kỹ thuật băng kín miệng khi ngủ về bản chất là kỹ thuật có tên Buteyko của một bác sĩ người Liên Xô, phát minh vào năm 1950. Theo đó, kỹ thuật băng kín miệng khi ngủ có một nguyên lý rất đơn giản là khi đường thở ở mũi có vấn đề gì đó thì cơ thể sẽ thở bằng miệng. Khi băng kín miệng lại thì mũi phải tự thích nghi để làm sao thông thoáng đường thở sẽ có hơi thở đều lại.
Tuy nhiên, phương pháp băng kín miệng khi ngủ có những tiềm ẩn nguy hiểm đi kèm cho sức khỏe. Bởi theo bác sĩ Dương cho biết, khi dán băng keo khi ngủ có thể bị sặc, hóc, buồn nôn và nôn, thậm chí ngưng thở khi ngủ. Bởi khi dán băng dính vào miệng trước khi đi ngủ sẽ khiến cơ thể không thích nghi được. Việc dán băng keo vào môi liên tục trong suốt đêm này sang đêm khác sẽ gây ảnh hưởng đến vùng niêm mạc môi, thậm chí có thể gây bong tróc lớp da mỏng manh bên ngoài của môi, khiến môi dễ bị khô hơn.
GS Nirmal Kumar (một bác sĩ tai mũi họng và chủ tịch của tổ chức y tế Anh ENT UK), cũng quan niệm rằng: “không có bằng chứng thuyết phục nào trong tài liệu y khoa cho thấy chúng ta nên dùng băng keo để chữa chứng ngưng thở khi ngủ. Không phát huy giá trị chữa bệnh, giới chuyên gia y tế khẳng định điều thực hiện trào lưu băng kín miệng khi ngủ còn có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe”.
GS Nirmal Kumar nói: “Nếu những người bị bệnh, có vấn đề về tiêu hóa phải nôn mửa, dùng miếng dán miệng khi ngủ sẽ làm thấy khó chịu hơn. Trong trường hợp xấu hơn có thể bị sặc hóc rất nguy hiểm cho sức khỏe. Đặc biệt với trẻ nhỏ, ngay cả những học viên Buteyko cũng cấm nhóm đối tượng này thực hiện phương pháp này”.
Thạc sĩ – bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh, Phụ trách Đơn vị rối loạn giấc ngủ – khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng cho rằng, hiện có nhiều bạn trẻ nhận thức được việc thở miệng không tốt và muốn giảm ngáy nên tìm cách bịt miệng bằng nhiều cách khác nhau như dán băng keo, sử dụng dụng cụ hỗ trợ… Tuy nhiên, điều này vô tình cưỡng lại sinh lý cơ thể, vì khi mũi có vấn đề thì chúng ta mới thở miệng nhưng khi bịt miệng sẽ khiến thiếu hụt oxy, gây tắc nghẽn đường hô hấp, suy hô hấp, nặng hơn có thể gây ra đột quỵ với người lớn tuổi.
Do đó, để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa các tác hại tiềm ẩn cho sức khỏe, giúp có được giấc ngủ ngon hơn tuyệt đối không nên làm theo trào lưu dán băng keo vào miệng khi ngủ nếu chưa có kiến thức, chưa tham khảo ý kiến của các bác sĩ.
Theo VietQ