Chương trình so sánh liên phòng về đo lường năm 2024: Nâng cao khả năng đo hiệu chuẩn của tổ chức
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng TưTháng Tư 19, 2024 | 11:38 - Lượt xem: 532
So sánh liên phòng là hoạt động cần thiết trong hoạt động đo lường, thử nghiệm trên toàn thế giới, diễn ra dưới các cấp độ khác nhau, phục vụ cho từng mục đích cụ thể ở cấp độ quốc tế, quốc gia.
So sánh liên phòng về đo lường là việc tổ chức, thực hiện và đánh giá các phép đo hoặc phép thử trên cùng mẫu so sánh (a measurement artifact) hoặc trên các mẫu so sánh tương tự nhau bởi nhiều tổ chức tham gia thực hiện chương trình so sánh liên phòng theo những điều kiện xác định trước.
Ở cấp độ quốc tế, các quốc gia muốn tham gia thỏa thuận thừa nhận toàn cầu về đo lường, thử nghiệm thì bắt buộc phòng đo lường, thử nghiệm phải tham gia các chương trình so sánh liên phòng. Kết quả của việc tham gia so sánh liên phòng là cơ sở để đánh giá năng lực phòng đo lường, thử nghiệm nhằm thừa nhận các kết quả đo, hiệu chuẩn.
Ở Việt Nam, trong khuôn khổ kế hoạch thực hiện Đề án 996 và tiếp nối kết quả thực hiện thí điểm chương trình so sánh liên phòng năm 2022, ngày 9/4/2024, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã ban hành Quyết định số 763/QĐ-TĐC về việc tổ chức Chương trình so sánh liên phòng về đo lường năm 2024 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Theo đó, Tổng cục chủ trì tổ chức 4 chương trình so sánh liên phòng cấp quốc gia về phép hiệu chuẩn lĩnh vực khối lượng, dung tích, áp suất, điện (ví dụ: phép hiệu chuẩn áp kế chuẩn kiểu chỉ thị số đối với lĩnh vực áp suất dư khí, phạm vi đo (7 ÷ 70) bar) và 2 chương trình so sánh liên phòng cấp cơ sở lĩnh vực phép hiệu chuẩn áp suất, dung tích theo hướng dẫn tại Quyết định số 1537/QĐ-BKHCN ngày 18/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Đồng thời Chương trình đã được cấp mã số để thống nhất quản lý. Các tổ chức tham gia chương trình gồm Viện Đo lường Việt Nam,Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL1, 2, 3 và các tổ chức hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường trên cả nước.
Vụ Đo lường là đầu mối giúp Tổng cục trưởng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chương trình so sánh liên phòng về đo lường năm 2024.
Viện Đo lường Việt Nam là cơ quan điều phối và triển khai thực hiện các chương trình so sánh liên phòng theo chuẩn mực tại “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện chương trình so sánh liên phòng về đo lường”. Viện Đo lường Việt Nam sẽ xây dựng dự thảo thủ tục kỹ thuật, mời các tổ chức tham gia thực hiện chương trình, kế hoạch triển khai…
Theo kế hoạch các chương trình so sánh liên phòng về đo lường dự kiến kết thúc đầu năm 2025 đồng thời kết quả chính thức sẽ đăng tải trên cổng thông tin điện tử Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và tổ chức điều phối. Kết quả là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đánh giá năng lực tổ chức tham thực hiện chương trình phục vụ việc xem xét đăng ký, chỉ định, công nhận theo quy định của pháp luật.
Các chương trình này sẽ là điểm nhấn để nâng cao năng lực khả năng đo hiệu chuẩn của các tổ chức hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường với sự dẫn đầu của Viện Đo lường Việt Nam (Pilot) thực hiện; trong các năm tiếp theo sẽ là các chương trình so sánh liên phòng cấp cơ sở với sự dẫn đầu của Trung tâm Kỹ thuật 1, 2, 3 (Pilot) thực hiện ở khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam; tiếp theo sẽ là chương trình so sánh liên phòng của các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, tổ chức doanh nghiệp trong cả nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Bùi Dũng