Chuẩn hóa công cụ đo lường cảm xúc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần

Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Năm 15, 2025 | 17:11 - Lượt xem: 136

Việc nghiên cứu, phát triển và chuẩn hóa các thiết bị đo lường trạng thái tâm lý trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần.

Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương, khoảng 15-20% dân số Việt Nam từng mắc ít nhất một lần bệnh lý tâm thần trong đời. Một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cho thấy, từ 8 – 29% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và trị liệu đang hành nghề, trong khi số người bị rối loạn tâm thần đã lên đến 14 triệu người. Những con số này đặt ra bài toán lớn cho ngành y tế trong việc cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần một cách toàn diện và hiệu quả.

Ảnh minh họa

Trước thực trạng đó, bên cạnh việc tăng cường đào tạo nhân lực, nhiều quốc gia đã và đang ứng dụng công nghệ vào đo lường và theo dõi trạng thái tâm lý người bệnh. Các thiết bị đeo thông minh tích hợp cảm biến sinh trắc học đang được sử dụng tại nhiều cơ sở y tế như Trung tâm Khoa học sức khỏe Sunnybrook (Canada) để theo dõi nhịp tim, huyết áp, hoạt động não (EEG), phản ứng da (GSR)… từ đó đánh giá trạng thái cảm xúc theo thời gian thực. TS. Christopher Cheung – Khoa Điện sinh lý tim tại Sunnybrook cho biết, việc tích hợp các thiết bị này đã giúp giảm số ca tái nhập viện, cải thiện khả năng kiểm soát bệnh mạn tính và tăng cường trao đổi giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Ngoài ra, công nghệ nhận diện cảm xúc giọng nói (Speech Emotion Recognition – SER) cũng đang được phát triển mạnh. Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), SER giúp trích xuất các tín hiệu âm thanh như cao độ, tốc độ, âm lượng… để phân tích cảm xúc ẩn chứa trong giọng nói. Công nghệ này không chỉ hữu ích trong y tế mà còn được doanh nghiệp sử dụng để đánh giá cảm xúc khách hàng trong tương tác dịch vụ.

Tại Việt Nam, ứng dụng thiết bị công nghệ vào lĩnh vực đo lường cảm xúc mới ở giai đoạn đầu. Một số nghiên cứu bước đầu đã được thực hiện, tiêu biểu là thiết bị đo phản ứng da Galvanic (GSR) do nhóm tác giả Khoa Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) phát triển trên nền tảng KIT Freescale. Thiết bị này có thể nhận diện hai trạng thái cảm xúc cơ bản là “bình thường” và “vui”, đồng thời có khả năng tích hợp với camera, phần mềm nhận diện khuôn mặt để tăng độ chính xác trong phân tích tâm lý.

Hiện thiết bị đang được ứng dụng thực nghiệm tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, Bệnh viện Tâm thần Phú Thọ trong các sản phẩm hỗ trợ điều trị rối loạn tâm thần, căng thẳng và stress. Tuy nhiên, để các sản phẩm như vậy thực sự phát huy hiệu quả, cần sớm có hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp, từ đó bảo đảm tính đồng bộ, độ tin cậy và khả năng mở rộng trong thực tế.

Duy Trinh