Chú trọng kiểm soát phương tiện đo trong kinh doanh xăng dầu
Thứ Hai, Tháng Tám 19, 2019 | 9:42
Hiện nay, việc kiểm soát đo lường trong kinh doanh xăng dầu được thực hiện thông qua kiểm soát đối với các phương tiện đo, phép đo xăng dầu trong chuỗi quá trình kinh doanh từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối đến cửa hàng bán lẻ.
Các phương tiện đo (PTĐ) sử dụng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu gồm: Đồng hồ xăng dầu, bể đong cố định, PTĐ mức xăng dầu tự động, xi-téc ô tô, cột đo xăng dầu. Theo Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN, các PTĐ này đều được kiểm soát chặt chẽ về đo lường.
Theo số liệu thống kê và báo cáo hằng năm của các địa phương và tổ chức kiểm định, ước tính có khoảng 200.000 PTĐ xăng dầu các loại. Với mạng lưới kiểm hiện tại (ước khoảng 75 tổ chức kiểm định PTĐ xăng dầu), gần như 100% các PTĐ xăng dầu này đều được kiểm định theo quy định.
Kiểm tra về đo lường trong kinh doanh xăng dầu được các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện thường xuyên nhằm ngăn chặn sai phạm.
Với các biện pháp kiểm soát đo lường đối với PTĐ xăng dầu nêu trên đã góp phần bảo đảm được đo đếm chính xác, công bằng giữa người mua và người bán, góp phần vào việc cơ bản ổn định tình hình kinh doanh xăng dầu trong cả nước, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên của đất nước …đặc biệt trong các khâu giao nhận lớn của quá trình kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên, giai đoạn trước năm 2015 khi thực hiện Thông tư số 11/2010/TT-BKHCN, hiện tượng gian lận, vi phạm pháp luật về đo lường diễn ra phổ biến trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu, gây bức xúc trong dư luận như gắn chíp, thay IC chương trình làm thay đổi đặc tính kỹ thuật của cột đo xăng dầu, lai bánh răng, tăng xung, bơm nối … Tại một số địa phương qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về đo lường như Đồng Nai, Nghệ An, Bạc Liêu, Thanh Hóa, Hà Nội…
Để giải quyết thực tế trên, ngày 25/8/2015 Bộ KHCN đã ban hành Thông tư 15/2015/TT-BKHCN thay thế Thông tư số 11/2010/TT-BKHCN. Thông tư này đã quy định một số biện pháp quản lý chẽ hơn như không kiểm định các cột đo xăng dầu cũ nát, chắp vá, quy định chặt chẽ hoạt động sửa chữa, gắn thiết bị ghi in chứng từ, quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, sử dụng cộ đo xăng dầu, tổ chức kiểm định, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương…
Kết quả thực tế là sau gần 4 năm triển khai các quy định của Thông tư số 15/2015/TT-BKHCN, cùng với việc quyết liệt triển khai thực hiện TT 15 của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về đo lường từ Bộ KH&CN, Tổng cục đến các Sở KH&CN, Chi cục TCĐLCL địa phương, của các lực lượng quản lý thị trường, Công an….chỉ trong thời gian ngắn, tình hình vi phạm đo lường trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã giảm rõ rệt, dư luận xã hội đánh giá cao kết quả đã đạt được. Như vậy, việc ban hành và thực hiện Thông tư 15 là hết sức cần thiết, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu, bảo vệ uy tín của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu cộ đo xăng dầu, của tổ chức kiểm định, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước.
Mục tiêu quy định này là công khai, minh bạch, bảo đảm sẵn sàng cung cấp kết quả đo cho khách hàng khi có yêu cầu, giúp người tiêu dùng có chứng cứ, tài liệu để khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đo lường, chất lượng của thương nhân bán lẻ xăng dầu gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có đủ chứng cứ, tài liệu để xử lý khiếu nại, tố cáo, xác định thu lợi bất chính do vi phạm về đo lường trong kinh doanh xăng dầu.
Giám sát chặt các hoạt động về đo lường
Theo báo cáo tại hội thảo công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng các tỉnh, thành phố năm 2019 vừa tổ chức tại Quy Nhơn mới đây, hoạt động kiểm tra đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong những năm qua đã được các Chi cục TCĐLCL địa phương triển khai rất mạnh mẽ.
Các Chi cục đã chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan: Thanh tra Sở KH&CN, Chi cục Quản lý Thị trường, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý Kinh tế, Phòng kinh tế và Hạ tầng các huyên, các Sở, ngành… kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất phương tiện đo, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể: Tiến hành kiểm tra phương tiện đo tại hơn 7.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh có phương tiện đo thuộc diện phải kiểm định, nhất là kiểm tra các phương tiện đo trong kinh doanh điện năng, các công ty kinh doanh taxi về quản lý sử dụng taximet, công ty cấp thoát nước về quản lý đồng hồ đo nước lạnh.. với hơn 1 triệu phương tiện đo, trong đó phát hiện hơn 4.000 trường hợp vi phạm;
Kiểm tra lượng của hàng đóng gói sẵn theo định lượng tại hơn 1.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên địa bàn với hơn 7.000 hàng đóng gói sẵn (các loại hàng hóa thiết yếu: khí đốt hóa lỏng, hàng thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón…), trong đó đã phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm; Bên cạnh đó, kiểm tra hơn 12.000 phép đo (tại các cột đo xăng dầu, taximet…) tại hơn hơn 3.000 cơ sở, trong đó phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm;
Một số Chi cục: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đăk Lăk, Lào Cai, Lâm Đồng, Thanh Hóa… tổ chức kiểm tra hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tại gần 50 tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn thử nghiệm, trong đó phát hiện 85 vi phạm.
Đối với các vi phạm bị phát hiện qua kiểm tra, các Chi cục đã ban hành thông báo tạm dừng hoạt động đo lường không phù hợp, đồng thời chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở KH&CN xử lý vi phạm hành chính theo quy định.
Theo nhận định của cơ quan quản lý, với các kết quả đạt được thời gian vừa qua, có thể nói, về cơ bản thông qua hoạt động kiểm tra đo lường, cơ quan quản lý nhà nước đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, qua đó đã đóng góp tích cực vào sự công bằng trong giao nhận hàng hóa giữa các bên, nhất là đối với người tiêu dùng. Thông qua hoạt động kiểm tra ý thức chấp hành pháp luật về đo lường của các cơ sở cũng được nâng lên đáng kể.
Bảo Anh