Chiến lược ưu tiên của Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế (GS1) năm 2022

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Mười Một 17, 2022 | 14:24 - Lượt xem: 519

Từ ngày 25 – 28/10/2022, Diễn đàn Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2022 đã được tổ chức tại New Zealand.

Đây là sự kiện thường niên của Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế (GS1) tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức luân phiên tại các quốc gia trong khu vực. Năm 2022, GS1 New Zealand chủ trì và phối hợp với GS1 toàn cầu tổ chức nhằm cập nhật các chiến lược, chính sách của GS1 toàn cầu và đưa ra kế hoạch thực hiện, giải pháp cụ thể cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương (AP); thúc đẩy hợp tác lẫn nhau thông qua thương mại xuyên biên giới áp dụng tiêu chuẩn GS1; thúc đẩy hợp tác với các tổ chức khác trong triển khai áp dụng tiêu chuẩn GS1.

Tại Diễn đàn, GS1 Vietnam tham gia thảo luận, trao đổi về triển khai kế hoạch của GS1 toàn cầu, báo cáo các hoạt động của GS1 khu vực AP và thảo luận cách thức triển khai kế hoạch chung của khu vực; kết nối chia sẻ các thông tin nhằm hợp tác đa phương, song phương, kết nối quốc tế; học tập và cập nhật các chiến lược của GS1 khu vực AP và áp dụng phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm và các giải pháp cho tình hình thực tế tại Việt Nam nhằm đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu và hài hòa với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, nâng cao nhận thức của các tổ chức GS1 thành viên khu vực về tiêu chuẩn GS1 trong lĩnh vực y tế và mã 2D. Đồng thời kết nối, chia sẻ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các GS1 thành viên trong khu vực.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đại diện GS1 Vietnam chia sẻ tại diễn đàn.

Trong khuôn khổ diễn đàn, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – đại diện GS1 Vietnam đã chia sẻ về hoạt động truy xuất nguồn gốc đã thực hiện. Trong đó có xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc của GS1. GS1 Vietnam cũng đã có một số mô hình thí điểm truy xuất nguồn gốc thành công trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm. Đồng thời cập nhập thông tin về Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia.

Diễn đàn Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2022 một lần nữa đưa ra chiến lược các lĩnh vực ưu tiên chính nhằm định hướng cho sự phát triển của tổ chức trong giai đoạn tới.

Cụ thể, chiến lược bao gồm 5 nội dung chính: Tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn toàn cầu; Hoàn thiện các nền tảng đăng kí, dịch vụ dữ liệu; Lĩnh vực y tế; Lĩnh vực bán lẻ, thương mại điện tử; Chuyển đổi 2D. Trong đó, lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Y tế, bán lẻ, thương mại điện tử.

Đại diện GS1 các nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chụp ảnh kỷ niệm tại chương trình. 

Đối với lĩnh vực y tế: Các chiến lược ưu tiên trong lĩnh vực Healthcare: (1) Chuyển đổi số dữ liệu y tế: nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn số công nghệ thông tin và tiêu chuẩn GS1 là một phần quan trọng trong quá trình này; (2) Thúc đẩy sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe: nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn của GS1 trong các bệnh viện, cơ sở y tế, lợi ích của tiêu chuẩn GS1 trong y tế. (3) Khu vực châu Phi và tăng cường thị trường: tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của các quốc gia thành viên GS1 (MO), cơ hội đẩy mạnh tiêu chuẩn GS1 tại hệ thống y tế.

Đối với lĩnh vực bán lẻ: GS1 hỗ trợ chuyển đổi số cho các phân ngành toàn cầu (CPG, thực phẩm tươi sống, may mặc và hàng hóa nói chung) thông qua triển khai kết hợp thực hiện tiêu chuẩn và các dịch vụ. Kế hoạch 3 năm 2022 – 2025: tập trung vào chuyển đổi số đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, định danh sản phẩm chính xác, hài hòa với các thông tin số của sản phẩm; Nâng cao hiệu quả và minh bạch chuỗi cung ứng; Đáp ứng tiêu chuẩn pháp quy và yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.

Đối với lĩnh vực thương mại điện tử: Là ưu tiên của GS1, nguồn phát triển chính cho hầu hết các MO. Sự gia tăng về sử dụng GTIN là cơ hội để mở rộng tiêu chuẩn của GS1 và các dịch vụ cũng như hệ sinh thái marketplace, tạo điều kiện cho tiêu chuẩn và dịch vụ của GS1 phù hợp với thương mại điện tử. Tầm nhìn của marketplace trong 3 năm tới: sự tham gia của hệ sinh thái trong phát triển thị trường sử dụng tiêu chuẩn và dịch vụ của GS1 trong thế giới số nhằm hỗ trợ quy trình của người bán và thực hiện đảm bảo truy xuất nguồn gốc và các sáng kiến chống hàng giả.

Đối với vấn đề chuyển đổi sang mã 2D: Việc chuyển đổi sang mã 2 chiều sẽ nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng, năng lực của các hãng, nhà bán lẻ và mọi người. Mục tiêu của chương trình 2D bao gồm: (1) Tất cả nhà bán lẻ sẽ có thể đọc mã 2D tại các điểm bán lẻ trước năm 2027: các nhà sản xuất, hãng sẽ có lựa chọn loại mã 2D để sử dụng. (2) Mã 1D, mã QR và Data Matrix sẽ cùng tồn tại trên thị trường bán lẻ – nhà bán lẻ không bắt buộc phải chọn mã 2 chiều cụ thể nào. Trong thời gian chuyển đổi có thể yêu cầu cả mã 1D và 2D trên bao gói, mục tiêu chuyển đổi sang mã 2D đa mục đích trong tương lai.

Theo VietQ