Chỉ tiêu thử nghiệm và phương thức đánh giá dầu nhờn động cơ đốt trong theo QCVN 14:2018/BKHCN
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Mười 16, 2018 | 10:22 - Lượt xem: 3353
Có hiệu lực từ 30/7/2018, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dầu nhờn động cơ đốt trong QCVN 14:2018/BKHCN được áp dụng cho các sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế, nhập khẩu trên thị trường.
QCVN 14:2018/BKHCN được áp dụng cho các sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế, nhập khẩu trên thị trường.
Cụ thể, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dầu nhờn động cơ đốt trong được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc nhập khẩu, sản xuất, pha chế, phân phối và bán lẻ dầu nhờn động cơ đốt trong tại Việt Nam. Các cấp độ nhớt động học của các loại dầu nhờn động cơ đốt trong phải đáp ứng các tiêu chuẩn công bố của nhà sản xuất (phù hợp với cấp độ nhớt của SAE hoặc các tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn quốc tế). Các loại phụ gia sử dụng để pha chế dầu nhờn động cơ đốt trong phải đảm bảo phù hợp các quy định về an toàn, sức khỏe và môi trường và không được gây hỏng cho động cơ cũng như hệ thống tồn trữ, bảo quản, vận chuyển và phân phối sản phẩm.
Ngoài ra, dầu nhờn động cơ đốt trong lưu thông trên thị trường phải đảm bảo được việc ghi nhãn theo quy định hiện hành. Trường hợp dầu nhờn động cơ đốt trong được đóng gói sẵn, trên bao bì của dầu nhờn động cơ đốt trong phải ghi nhãn một cách rõ ràng, dễ đọc. Nhãn gắn trên bao bì phải bền và không bị bong, rách, mờ trong quá trình vận chuyển. Nội dung tối thiểu của nhãn phải bao gồm: Tên hàng hóa (ghi rõ loại động cơ sử dụng); Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Thể tích/ Khối lượng; Đặc tính kỹ thuật (cấp độ nhớt, cấp tính năng); Hướng dẫn sử dụng, bảo quản; Thông tin cảnh báo.
Dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế, nhập khẩu cũng phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2018/BKHCN và phải được gắn dấu hợp quy CR trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Hiện các phương thức đánh giá sự phù hợp, thử nghiệm đối với dầu nhờn động cơ đốt trong đang được các Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ( Quatest 1, 2, 3 ,4) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng triển khai.
Đối với dầu nhờn động cơ đốt trong được sản xuất, pha chế trong nước áp dụng chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 (thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất) tại cơ sở sản xuất, pha chế. Trường hợp cơ sở sản xuất, pha chế không thể áp dụng các yêu cầu đảm bảo chất lượng theo phương thức 5 thì phải áp dụng theo phương thức 7 (thử nghiệm mẫu đại diện, đánh giá sự phù hợp của lô sản phẩm hàng hóa).
Ngoài ra, các chỉ tiêu thử nghiệm đối với sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong theo yêu cầu của QCVN 14:2018/BKHCN đang thực hiện như Độ nhớt động học; Chỉ số độ nhớt; Trị số kiềm tổng; Nhiệt độ chớp cháy cốc hở; Độ tạo bọt/mức ổn định; Hàm lượng Ca, Mg, Zn; Hàm lượng nước;…
QCVN 14:2018/BKHCN do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Dầu nhờn động cơ đốt trong biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 06/2018/TT-BKHCN.
Theo Chất lượng Việt Nam