Chất EO trong mì tôm, khi nào có tiêu chí ngưỡng an toàn để kiểm soát?
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Bảy 26, 2022 | 9:25 - Lượt xem: 558
Liên quan tới mì ăn liền chứa hợp chất EO các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên nghiên cứu và đưa ra ngưỡng an toàn về chất này để kiểm soát một cách nhất định.
Nguy hại từ chất EO trong thực phẩm
Thông tin một số loại mì ăn liền bị Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland thu hồi do có chứa hợp chất gây hại Ethylene oxide (EO) đã khiến người tiêu dùng hoang mang. Trước tình trạng này các chuyên gia cũng đưa ra nhận định về một vài khả năng gây hại của chất này.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, EO là chất không dùng trong thực phẩm bởi đây không phải là chất phụ gia. Các nhà sản xuất thường sử dụng chất EO trong khử trùng sản phẩm.
EO có tác dụng khử trùng rất tốt, thường để diệt các loại vi khuẩn gây ẩm mốc và khử trùng triệt để các dụng cụ y tế. Tuy nhiên, trong quá trình khử trùng sẽ có thể còn tồn dư lại một lượng EO. Theo ông Thịnh, chất EO là chất độc và có ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng hiện nay các nhà khoa học chưa có nghiên cứu hàm lượng EO bao nhiêu thì ảnh hưởng tới sức khỏe.
Theo các nhà y học, nếu chất EO tích lũy dần trong cơ thể con người, tùy theo từng thể trạng (người già, người trẻ, phụ nữ…) sẽ gây ảnh hưởng đến gan, thận…
“Nhìn chung, mọi chất độc khi vào cơ thể đều ảnh hưởng đến sức khỏe ở mức độ nào đó. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới có quy định khá chặt chẽ về chất EO trong sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều nước mức cho phép rất thấp, nhiều nước lại không cấm”, TS Thịnh thông tin.
Theo tin tức trên báo Dân Trí, tại châu Âu, EO được xếp nhóm các sản phẩm thuốc trừ sâu, bị cấm dùng trong thực phẩm bán ra do có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài. Chất EO thường được sử dụng làm hóa chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác.
Bên cạnh đó, EO còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn thực phẩm.
Theo Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI), việc tiêu thụ các sản phẩm nhiễm EO tuy không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng có thể gây ung thư nếu thường xuyên sử dụng trong thời gian dài. Cụ thể, chất này khi nhiễm vào cơ thể, sẽ làm rối loạn cấu trúc của đại phân tử protein và ADN, từ đó tạo nên chất gây ung thư cơ bản.
Theo quy định của Hội đồng châu Âu, chất EO ở dạng khí được phân loại trong nhóm 1B tương ứng về khả năng gây ung thư gây đột biến và độc tính sinh sản, và ở loại 3 về độc tính cấp tính.
Căn bệnh ung thư và những chất độc gây ung thư cho con người đã được nghiên cứu từ rất lâu. Tuy nhiên, người ta thường chỉ chú trọng một mặt của vấn đề đó là yếu tố lâm sàng, mà quên đi khía cạnh “độc học môi trường”.
Trong khi đó trên thực tế, con người luôn phải hít thở không khí độc hại có cả khói thuốc lá, hơi clo, hơi thủy ngân, bụi kim loại, nước uống nhiễm hóa chất hữu cơ, dầu mỡ, uống rượu bia và tiếp xúc thường xuyên với các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm cũng như chất thải từ các ngành công nghiệp tạo ra.
Một minh chứng đó là theo ghi chép, đã có hơn 500 báo cáo tại châu Âu về việc ô nhiễm chất EO trong thực phẩm tính từ đầu năm 2020.
Khi nào mới có tiêu chí ngưỡng an toàn để kiểm soát?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) cho hay, theo phân công, Bộ Y tế chủ trì xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí và ngưỡng EO tại Việt Nam. Tuy vậy, mỗi bộ ngành xây dựng cho nhóm sản phẩm riêng. Với mì gói và các sản phẩm mì, miến, phở (thực phẩm khô) thuộc Bộ Công Thương quản lý nên sẽ xây dựng tiêu chí ngưỡng EO với các sản phẩm này. Tuy vậy, lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ cho biết vẫn đang nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, sau khi thống nhất giữa các bộ sẽ xây dựng dự thảo và đưa ra lấy ý kiến nhưng “chưa quyết định thời gian cụ thể”.
Trước đó, cơ quan này cho hay tại Việt Nam, EO và ngưỡng giới hạn cho phép chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục triển khai lấy mẫu diện rộng với các sản phẩm mì ăn liền trên thị trường nội địa, đặc biệt với các sản phẩm có sử dụng gói gia vị, nhằm đánh giá hiện trạng của sự có mặt của EO, từ đó làm cơ sở xây dựng ngưỡng giới hạn cho phép.
Liên quan tới việc Việt Nam chưa có quy định kiểm soát chất EO, TS Thịnh cho rằng, vài năm gần đây Việt Nam đã từng bị thu hồi các sản phẩm liên quan đến chất EO. Vấn đề này cũng từng gây hoang mang trong dư luận. Vì vậy, Việt Nam cũng nên nghiên cứu để đưa ra những kiểm soát nhất định.
PSG.TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cũng cho rằng với các loại chất độc, chất có ảnh hưởng đến sức khỏe thì nên có quy định về kiểm soát định lượng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. “Trên thế giới họ đã làm và Việt Nam cũng nên làm như vậy.
Theo VietQ